Hành vi xúc phạm nhà giáo, không phải là hiếm
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo không phải là hiếm trong môi trường giáo dục.
Năm 2018, một thầy giáo cấp 3 tại quận 2 (TP HCM) đã lên facebook tung tin sai sự thật, xúc phạm nữ đồng nghiệp, đã bị buộc phải xin lỗi công khai.
Ngày 23/4/2018, TAND quận 2 (TP HCM) đã đưa vụ kiện dân sự "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm" giữa nguyên đơn là cô P.T.B.N. (SN 1972) và bị đơn là thầy T.Q.H. (SN 1978, đều là giáo viên một trường cấp 3 tại quận 2, TP HCM).
Sau một ngày xét xử và nghị án, TAND quận 2 đã tuyên cô N. thắng kiện, buộc thầy H. phải xin lỗi công khai cô N. tại nơi làm việc; đồng thời phải bồi thường 20 triệu đồng do đăng tin sai sự thật trên facebook.
Cách đây vài năm, dư luận đã xôn xao một học sinh lớp 8 ở Tam Kỳ, Quảng Nam đã bị Ban giám hiệu nhà trường kỷ luật buộc thôi học một năm vì nói xấu giáo viên trên mạng xã hội.
Hay như ở trường THPT Lê Lợi, Hà Đông-Hà Nội mới vừa kỉ luật đình chỉ, buộc thôi học 10 ngày đối với một nữ sinh đang học lớp 12 vì lỗi xúc phạm giáo viên trên mạng facebook.
Trả lời báo chí về vấn đề học sinh nói xấu giáo viên trên mạng, TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc học sinh vô lễ với giáo viên không phải là chuyện hiếm, nhưng hiện nay xuất hiện thêm một hình thức mới đó là dùng Facebook để chia sẻ thông tin được rộng rãi hơn vậy nên có tác dụng mạnh mẽ hơn.
Thầy Lâm cho rằng, cần phải chấm dứt việc học sinh đưa giáo viên lên Facebook để xúc phạm. Dân chủ thì dân chủ, học sinh còn nhiều chỗ để nói lên những bất bình của mình chứ không phải là cứ đăng lên mạng xã hội như thế. Nếu có ý kiến thì có thể trao đổi với ban giám hiệu hoặc nói chuyện với chính giáo viên để giải quyết vấn đề", thầy Lâm nói.
"Phải để học sinh tự kiểm điểm đánh giá. Chính học sinh đó phải tự lên Facebook để đính chính, xin lỗi giáo viên. Điều đó sẽ có hiệu quả giáo dục hơn là đình chỉ học"- thầy Lâm nói.
Xúc phạm danh dự nhà giáo, bị phạt thế nào?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.
Nghị định mới cũng quy định rõ, buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai;
Đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.