Xuất ngoại cho phim - chưa có chiến lược dài hơi

Bộ phim truyền hình "Người phán xử" đang có hy vọng xuất khẩu.
Bộ phim truyền hình "Người phán xử" đang có hy vọng xuất khẩu.
TP - Theo Báo cáo tổng kết của Cục Điện ảnh, năm 2017 là một năm thành công của hoạt động hợp tác quốc tế của ngành điện ảnh với nhiều hoạt động tạo tiếng vang như: phối hợp với đối tác Hàn Quốc tổ chức Những ngày phim VN tại Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Hàn Quốc; cử đại biểu tham dự Hội thảo xây dựng kịch bản và làm phim hợp tác Asean tại Myanmar; Ký kết Thỏa thuận hợp tác sản xuất phim VN - Ba Lan.

Đặc biệt là việc chủ trì chuỗi hoạt động tại LHP QT Cannes, lần đầu tiên tổ chức gian hàng giới thiệu điện ảnh và đất nước, con người Việt Nam, bối cảnh quay các bộ phim bom tấn tại VN… Ngoài ra còn ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Điện ảnh VN và Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình quốc gia Pháp, tổ chức thành công Đêm Việt Nam thu hút hơn 600 nhà lãnh đạo điện ảnh, nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà phát hành nhằm quảng bá điện ảnh, du lịch VN. Các hoạt động trên đều tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Một hoạt động nổi bật của ngành trong năm qua là phối hợp tổ chức thành công Liên hoan phim VN lần thứ XX và trao Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ I.

Phim truyền hình cũng le lói một vài tín hiệu xuất khẩu. Lasta là đơn vị sản xuất phim truyền hình lần đầu tiên của Việt Nam có ba bộ phim “Nghiêng nghiêng dòng nước”, “Trả giá” và “Sương khói đồng hoang” được xuất khẩu sang Myanmar và được nước bạn lựa chọn và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình quốc gia. Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc kênh truyền hình Let’s Viet (từng phát sóng độc quyền ba bộ phim kể trên) chia sẻ lý do Myanmar lựa chọn ba bộ phim để phát sóng là vì nội dung gần gũi, chân thực và có định hướng tích cực đến xã hội. Đạo diễn “Sống chung với mẹ chồng”, Vũ Trường Khoa cho rằng muốn xuất khẩu phim trước hết phải thuyết phục khán giả trong nước, nhất là ở thời đại khán giả có đủ các kênh thông tin để so sánh chất lượng phim. “Bất cứ thị trường nào cũng vậy, họ làm phim trước hết để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong nước sau đó mới tính đến phục vụ khán giả nước ngoài. Thực ra nguồn thu chủ yếu của các nhà sản xuất đến từ thị trường trong nước”.

Nhờ được đầu tư mạnh về kỹ thuật, bộ phim truyền hình đình đám “Người phán xử” - kịch bản mua từ Israel và được Việt hoá của VFC (Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình VN) cũng đang có hy vọng xuất khẩu sang một số nước châu Á. Ăn khách trong nước chưa phải là yếu tố quyết định, theo giám đốc VFC, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, ngoài yếu tố chất lượng hình ảnh, âm thanh phải đạt chất lượng stereo, muốn vậy phải thu tiếng đồng bộ. Các phim Việt xuất khẩu sang Myanmar đều là thu tiếng đồng bộ.

Xem ra hành trình “mang phim đi chiếu xứ người” ở ta mới chỉ “ăn đong” theo từng sự vụ chứ chưa có chiến lược dài hơi, bài bản hệ thống.

MỚI - NÓNG