Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 7 tỷ USD

TPO - Số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đầu năm nay đạt gần 7 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),  xuất khẩu thuỷ sản (XK TS) bắt đầu phục hồi trong tháng 9 khi tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng trên 10% khi đạt khoảng 923 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 7 tỷ USD ảnh 1 Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: CK

Trong đó, XK tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi tháng 10 đạt gần 419 triệu USD (tăng trên 21%), đưa tổng XK tôm 10 tháng đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng giữ được đà tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2-10/2020, riêng tháng 9 tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tôm sang EU khả quan nhờ một phần tác động tích cực từ hiệp định EVFTA. EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) của XK tôm Việt Nam khi chiếm 13,8% tổng giá trị XK. Sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK tôm sang EU tháng 9 đạt 57,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Còn XK tôm sang thị trường số 1 là Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ 2019. Mặc dù dịch COVID-19 nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng dương và là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam ổn định nhất trong thời gian này. Trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.

Đối với cá tra, sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, sang tháng 9 có khả quan hơn khi giảm 17% và tháng 10 giảm 3%. Giá cá tra XK có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả XK cá tra trong những tháng tới.
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 7 tỷ USD ảnh 2 Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của XK cá tra Việt Nam. Tính đến nửa đầu tháng 10, XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt gần 386 triệu USD, mặc dù giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm tới 34,4% tổng giá trị XK cá tra.

Số lượng doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam tham gia XK vào thị trường này cũng đông đảo nhất với hơn 130 DN. Đây tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam.

Sau thời gian dài ảm đạm, dấu hiệu phục hồi của ngành cá tra Việt Nam bắt đầu kể từ cuối quý III khi tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại.

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng trở lại từ đầu tháng 10 và hiện nay đang ở mức 22.000-24.000 đồng/kg, tăng từ 4.000-.6000 đồng/kg so với những tháng đầu năm và tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra giống cũng tăng lên mức 29.000-30.000 đồng/kg, người nuôi đã có lãi trở lại sau thời gian dài ‘treo ao’ hoặc ‘ngâm cá’ chờ đợi.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực và kết quả của các tháng cuối năm khó bù đắp để kéo XK cá tra cả năm tăng vì cả 3 quý trước đó đều sụt giảm. Tổng 10 tháng đầu năm, XK cá tra đạt trên 1,2 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài tôm và cá tra, XK hải sản tháng 10 đạt gần 330 triệu USD (tăng 6,4% so với cùng kỳ), đưa tổng 10 tháng đầu năm đạt hơn 2,6 tỷ USD (giảm 1,8%). Theo VASEP, dự báo XK TS cả năm 2020 đạt khoảng 8,45 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2019.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.