Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD

TPO - Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 95 triệu người dân, đảm bảo ổn định xã hội và sinh kế cho gần 65% dân số khu vực nông thôn, đóng góp 17% GDP cho quốc gia.

Ngày 16/10, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức kỷ niệm lần thứ 38 Ngày lương thực thế giới và 40 năm hoạt động của FAO tại Việt Nam.

Ngày Lương thực thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của FAO tại Việt Nam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD ảnh 1 Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, phát triển sản xuất nông nghiệp là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất ở Việt Nam.

Ngày Lương thực thế giới và mục tiêu “Không còn nạn đói” cũng đã thể hiện tinh thần của quan hệ hợp tác thành công giữa FAO và Chính phủ Việt Nam trong suốt 4 thập kỷ vừa qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- ông Lê Quốc Doanh cho biết: “Phát triển nông nghiệp được xem là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Theo ông Doanh, FAO đã chủ trì trong việc thực hiện gần 500 dự án hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp và thủy sản.

Việt Nam là một nước có diện tích đất đai không lớn với 33 triệu ha, trong đó 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 95 triệu người dân, đảm bảo ổn định xã hội và sinh kế cho gần 65% dân số khu vực nông thôn, đóng góp 17% GDP cho quốc gia.

Nhờ sự phát triển ổn định của nông nghiệp đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định xã hội và giảm nghèo.

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại nông lâm thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt khoảng 36,5 tỷ USD. Theo ước tính năm 2018 tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD. Có thể nói phát triển sản xuất nông nghiệp là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất ở Việt Nam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD ảnh 2 Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo ra thế giới

Thứ trưởng Doanh cho biết, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng sáng kiến “Không còn nạn đói” của Liên hợp quốc phát động. Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, nhưng nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn: khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Để đối phó với những thách thức trên, ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đã và đang triển khai thực hiện hai chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong năm 2017, trên thế giới có 821 triệu người đói – tức 11% dân số hoặc cứ 9 người thì có 1 người trên hành tinh thuộc diện đói. Trong khi đó, nhiều dạng suy dinh dưỡng khác cũng tăng lên, ít nhất 1,5 tỉ người trong năm 2017 bị thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD ảnh 3
 
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.