Xuất khẩu 2018: Nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục bứt phá

Gạo xuất khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Ảnh: H.V.
Gạo xuất khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Ảnh: H.V.
TP - Năm 2017, xuất nhập khẩu ghi dấu ấn đặc biệt khi đạt mức 400 tỷ USD, tăng trưởng 21%, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Năm 2018, với nhiều mặt hàng được bãi bỏ thuế quan, hàng Việt Nam có lợi thế hơn nhưng cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia khác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực truyền thống của Việt Nam. Như xuất khẩu gạo, có thể nói Việt Nam trong năm qua đã thắng lớn, khi cán mốc 2,6 tỷ USD, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu trên 20%. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao. Gạo Việt Nam đến nay đã có mặt tại 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập gạo lớn nhất.

Tuy nhiên, ấn tượng mạnh nhất vẫn là xuất khẩu thủy sản khi lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 8,32 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng bứt tốc đầy ấn tượng khi đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%. Nhiều mặt hàng cũng ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao như cao su đạt 2,26 tỷ USD,  xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,04 tỷ USD; hạt điều đạt 3,52 tỷ USD.

Theo dự báo của Cục Xuất Nhập khẩu cũng như thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, năm 2018 vẫn là một năm tích cực với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Cụ thể, với Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có thể tăng thêm 400 nghìn tấn so năm 2017 để đạt mức 6 triệu tấn. Gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng về khối lượng xuất khẩu chủ yếu nhờ nhu cầu nhập tăng từ một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.

Còn với lĩnh vực thủy sản, dự báo năm nay, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017.

Với mặt hàng điều, theo thông tin của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm qua, Việt Nam tiếp tục chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu trên 3,3 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều. Với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, Vinacas cho hay, các doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay đạt 3,5-3,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 200-400 triệu USD so năm qua.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu có dấu ấn của nền kinh tế, dệt may là một trong những mặt hàng đạt mức tăng trưởng 2 con số và cán đích với 31 tỷ USD. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2018 được dự báo sẽ là năm thuận lợi đối với ngành dệt may, với mục tiêu xuất khẩu 33,5 tỷ USD.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, năm 2017 được coi là năm nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức dừng lại khi không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đã có những chiến lược phù hợp để kết quả chung của cả năm đạt mức rất cao. Như với Vinatex, tập đoàn này đạt doanh thu 45.550 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,1 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế hơn 1.434 tỷ đồng.

Về triển vọng thị trường dệt may năm 2018, ông Trường cho hay, năm nay tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu 48.500 tỷ đồng, lợi nhuận 1.450 tỷ đồng. Còn với toàn ngành, mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017 là thách thức không hề nhỏ của dệt may trong nước nếu không nỗ lực và chú trọng nhiều hơn tới giải pháp tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đến thị trường nội địa và tìm cách tiếp tục mở rộng “đánh chiếm” sang các thị trường khác nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp trước đến nay chưa có cơ hội khai phá.

“Năm 2018 doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên sân nhà, nhưng sẽ cần có sự cân bằng giữa phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu để đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động và giữ vững sự phát triển doanh nghiệp. Với Vinatex, tập đoàn sẽ theo hướng mũi nhọn, chứ không phải “nhà nhà làm nội địa” chia nhau miếng bánh 4,5 tỷ USD”, ông Trường nói.

4 giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu

Về giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm qua lần đầu tiên cán mốc 400 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 21,1%, cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch là một điểm sáng của nền kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm qua, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các đối tác quốc tế có chiều hướng gia tăng, đã gây ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: Gỗ, da giày, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo… không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn mà còn tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc khai thác thị trường xuất, nhập khẩu mới cũng là một trong những giải pháp rất hữu hiệu, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong năm 2018, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.

Thêm một giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

“Lực lượng Quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại”, ông Trần Tuấn Anh nói và đưa ra giải pháp thứ tư, là đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hoá Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Dệt may thưởng Tết bình quân hơn 20 triệu đồng

Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2017, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)  Lê Tiến Trường  cho biết, năm 2017 thu nhập bình quân của người lao động trong tập đoàn đạt 7,1 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tập đoàn năm 2017 tăng 2,7% nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn năm ngoái. Mức thưởng Tết bình quân của các đơn vị thuộc Vinatex vẫn giữ như mọi năm là 2 tháng lương. “Có doanh nghiệp làm ăn tốt mức thưởng Tết là 3 tháng, đơn vị nào yếu hơn thưởng 1,5 tháng. Với mức thưởng này, người lao động được nhận khoảng 14-21 triệu đồng tiền thưởng dịp Tết Mậu Tuất 2018”, ông Trường cho hay.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.