Về đoạn clip lan truyền trên mạng, trung tá Phạm Trung Thành, Trưởng Công an phường Hàng Buồm (thuộc Công an quận Hoàn Kiếm, Công an TP.Hà Nội) khẳng định clip này ghi lại hiện trường lực lượng công an khống chế cựu người mẫu Trang Trần (tên thật là Trần Thị Trang, 30 tuổi, trú tại Hà Nội) về phường.
Cảnh giằng co được cho là giữa Trang Trần và lực lượng Công an phường Hàng Buồm - Ảnh cắt từ clip.
Trong clip vừa xuất hiện trên mạng, mặc dù có nhiều bạn bè can ngăn, xin lực lượng chức năng bỏ qua nhưng cựu người mẫu Trang Trần tỏ ra bất hợp tác. Một thanh niên quá sốt ruột còn hét lớn: “Trang ơi, anh xin em đấy được chưa. Chuyện nó quá nhỏ luôn tại sao phải làm nó rối tung lên như thế… Em có biết em đang đá trúng anh không ?...”.
Sau hồi giằng co, phía bạn bè của Trang Trần cũng xin lực lượng chức năng bỏ quá vì cựu người mẫu đã quá say, không làm chủ bản thân. Tuy nhiên, lúc này Trang Trần lại bất ngờ tung 2 cú đá về một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ.
Sau diễn biến này, một trong số những người đang làm nhiệm vụ hét lớn: “Không nói nhiều nữa, bắt bằng được cô này. Còn ai cố tình chống đối sẽ bắt luôn…”.
Theo trung tá Phạm Trung Thành, khi sự việc xảy ra trước cửa ngôi nhà số 2 phố Tạ Hiện, rất nhiều người dân sinh sống ở đây đã kéo tới chứng kiến và sẵn sàng đứng ra làm chứng về hành vi rất thiếu văn hóa của nữ diễn viên phim Hương Ga.
Cũng theo Trưởng công an phường Hàng Buồm, không chỉ clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bị Trang Trần chống đối, lăng mạ mà còn nhiều camera của những nhà hàng kinh doanh trên phố Tạ Hiện cũng ghi lại được toàn bộ sự việc ngay từ đầu.
Ngoài ra người dân cũng dùng điện thoại di động để quay lại diễn biến vụ việc Trang Trần lớn tiếng chửi bới, chống đối và tổ công tác Công an phường Hàng Buồm phải rất vất vả mới có thể khống chế để đưa được nữ diễn viên này về trụ sở.
Trung tá Thành cho biết thêm, ngoài những clip đã xuất hiện trên mạng, hiện trong camera được lắp tại trụ sở Công an phường Hàng Buồm còn rất nhiều dữ liệu cho thấy Trang Trần có những câu chửi bới rất tục tĩu nhằm vào lực lượng Công an phường đang làm nhiệm vụ.
Trao đổi với PV về trường hợp “bắt khẩn cấp”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: khoản 1, điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định, người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Và người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp phải thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 81 BLTTHS:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Theo quy định này cùng với diễn biến vụ việc, thì Trang Trần chỉ có thể thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 điều 81 BLTTHS: “Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.
Như vậy, theo các quy định trên thì diễn viên Trang Trần được xác định là người đã thực hiện tội phạm hoặc người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ và được xác lập tư cách trong tố tụng là người bị tạm giữ.
Cũng theo luật sư Hưng, một người nào đó, trong thời gian bị tạm giữ hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự, thì cơ quan chức năng sẽ chuyển qua Cơ quan CSĐT xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.
Trao đổi thêm với PV về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hiến, Viện trưởng Viện KSND Q.Bình Thạnh cho biết, lệnh bắt là một trong những biện pháp để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra. Trong BLTTHS cũng quy định, bắt được phân loại ở các dạng: bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt người phạm tội tự thú, bắt người phạm tội đầu thú hoặc bắt người đang bị truy nã
Việc Trang Trần bị bắt khẩn cấp là một thủ tục trong tố tụng khi CQĐT xác định Trang Trần có hành vi phạm tội, nhằm phân biệt với dạng bắt còn lại. Sau khi có lệnh bắt, CQĐT phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Theo Hà An - Đan Hạ - Phan Thương