Gần một thế kỷ từ khi Vũ Trọng Phụng viết ra “Số đỏ”, những nhân vật của ông vẫn “sống tốt” trong cuộc sống đương đại. Thói trưởng giả học làm sang, đua đòi Tây hóa… vẫn nhộn nhịp đi lại trên phố và trong các salon “nghệ thuật”.
Tiểu thuyết “Số đỏ” mới đây nhất được in lại trong một diện mạo “sang trọng chưa từng có” với những minh họa của họa sĩ đang rất hot hiện nay: Nguyễn Thành Phong, tác giả của “Sát thủ đầu mưng mủ” và “Long thần tướng” từng đoạt giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế tại Nhật.
Anh vẽ minh họa cho “Số đỏ” trong thời gian bao lâu?
Bốn tháng, nhưng chủ yếu hoàn thành trong thời gian dịch.
Gần đây anh ít vẽ minh họa, vì sao anh nhận lời dự án này?
Vũ Trọng Phụng là một tác giả “phải vẽ”. Cũng như tôi sẽ rất thích nếu vẽ minh họa cho truyện Nguyễn Tuân, Trần Dần hay Nguyễn Huy Thiệp… Trước đó tôi mới chỉ đọc đoạn trích tiểu thuyết trong sách giáo khoa, và xem phim. Lúc nhận lời vẽ mới đọc lại toàn bộ tác phẩm, càng đọc càng thấy hay. Tôi cũng đọc thêm tư liệu về tác giả, rất ấn tượng với câu Vũ Trọng Phụng nói với bạn trước khi chết: tao ước gì ngày nào cũng có một miếng bít tết để ăn thì tao đã không chết sớm thế này. Rất mỉa mai nhưng cũng tự trào, hài hước.
Anh căn cứ vào đâu để dựng lại những hình ảnh của những năm 1930 của thế kỷ trước, trong “Số đỏ”?
Tôi dựa vào ảnh tư liệu, phim tài liệu. Tôi mất khá nhiều thời gian để tìm trang phục trí thức, tay chơi... của thời đó. Cái gì cũng phải chính xác, không bịa được. Ví dụ huân chương Bắc đẩu bội tinh trông nó như thế nào, báo Phụ nữ tân văn hình dạng ra sao, đám tang xưa của một gia đình nhà giàu ở Hà Nội có gì giống và khác ngày nay. Kể cả con chó của bà Phó Đoan là giống chó Nhật gì cũng phải tìm tư liệu. Những chi tiết rất nhỏ nhưng đều phải kỹ.
Có gì đặc biệt không, trong những bản vẽ minh họa này của anh?
Mỗi chương tôi phải minh họa một hình ảnh, và vẽ tay chứ không dùng máy. Đó là yêu cầu của bên xuất bản. Vẽ tay mất thời gian và phải làm một phát ăn luôn, máy thì có thể thử và đổi màu. Bên nhà sách Đông A có kế hoạch sau khi ra bản đặc biệt, sẽ bán đấu giá bản thảo minh họa gốc.
Gần một thế kỷ đọc lại “Số đỏ”, anh còn thích không?
Vẫn hay mà, nó tác phẩm vượt thời đại. Thời điểm Vũ Trọng Phung viết “Số đỏ” ông mới 24 tuổi.
Một tác giả 8X phải dựng lại những nhân vật của thế hệ trên cả “ông bà anh”, hẳn là khó nhỉ?
Tôi có một thuận lợi là Vũ Trọng Phụng mô tả nhân vật, không gian khá cụ thể. Ví dụ về sau đọc lại mới phát hiện ra một chi tiết: hóa ra tác giả họ Vũ miêu tả Xuân Tóc Đỏ có khuôn mặt vuông, từ mái tóc tới nét mặt lém lỉnh vô tình thế nào lại rất giống những bức ảnh chân dung của chính ông. Từ đó, Xuân Tóc Đỏ của tôi có gương mặt vuông, trẻ hơn so với tạo hình trên điện ảnh do chú Quốc Trọng đóng.
Nhân vật nào khiến anh thấy thú vị nhất trong “Số đỏ”?
Tôi thấy thú vị buồn cười với Phán mọc sừng, thế nên tôi vẽ ông này lúc nào cũng có sừng hươu trên đầu. Lúc đầu tôi còn băn khoăn không hiểu phải thể hiện cái sừng như thế nào, sừng trâu hay bò? Đọc kỹ lại thì mừng quá, phát hiện ra Vũ Trọng Phụng viết là sừng hươu.
Đoạn nào khó vẽ nhất, với anh?
Chương đầu tiên bao giờ cũng khó nhất, vì phải chọn phong cách tạo hình cho truyện, màu sắc các thứ. Ban đầu tôi định chọn phong cách cartoon, sau nghĩ bản thân câu chuyện đã hài rồi, không cần quá bóp hình, thế là vẽ giản dị hơn.
Vì sao lại là tông hồng cho toàn bộ minh họa "Số đỏ"?
Thứ nhất, màu hồng gây ấn tượng về mặt thị giác. Thứ hai, màu này cũng khá “đĩ thõa”, hợp với tình tiết câu chuyện.
Cô Tuyết với trang phục "xuyên thấu". Tranh Thành Phong
Tác phẩm "Số đỏ" đã được in rất nhiều lần, bởi nhiều đơn vị xuất bản, trong rất nhiều năm qua.
Ở ấn bản này, Đông A in lại theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938) - Đây là bản "Số đỏ" đầu tiên được in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Ban đầu, "Số đỏ" được tác giả ra mắt người đọc dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo (từ số 40, ra ngày 07.10.1936) liên tục 16 kỳ (tương ứng với 16 chương) thì bị dừng (năm 1937, do tờ Hà Nội Báo bị cấm). Bản in của Nhà xuất bản Lê Cường năm 1938 là bản in đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm. Đến năm 1946, khi tác giả đã mất được 7 năm, tác phẩm mới được in lần thứ hai bởi một nhà xuất bản khác.
Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của "Ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939), "Số đỏ" không chỉ thành công với nội dung phản ánh thực trạng xã hội lố lăng, kệch cỡm, mà còn là một đỉnh cao trong nghệ thuật trào phúng, với những trích đoạn đến nay vẫn còn được giảng dạy như hình mẫu trong chương trình văn học phổ thông, hay những câu thoại kinh điển đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt Nam.