Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Cũng giống như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh là người rất biết quý trọng và nâng niu tình bạn. Những người bạn thực sự là chỗ dựa tinh thần của chị trong mọi bước vui buồn của đời sống.
Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Định (em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ, hiện làTBT báo Nông thôn ngày nay), Matxcơva 1987

Bạn bè của Xuân Quỳnh hầu hết đều là những người làm thơ viết văn. Từ khi lấy Lưu Quang Vũ, chị lại có thêm những người bạn mới thuộc giới sân khấu và hội hoạ.

Thật khó phân biệt rạch ròi đâu là bạn của Xuân Quỳnh, đâu là bạn của Lưu Quang Vũ. Chị vẫn nói đùa với các con rằng: Bố mẹ chơi chung bạn với nhau.

Là người phụ nữ thông minh sắc sảo, giỏi đối đáp, lại mang tiếng là “đáo để”, nhưng vốn chu đáo, tận tâm với mọi người nên chị được bạn bè yêu quý, nể trọng. Tính chị thẳng thắn, yêu ghét đều quyết liệt, rõ ràng và thường bày tỏ tình cảm của mình một cách nồng nhiệt.

Chị hay kể chuyện về những người bạn trong giới văn nghệ cho tôi nghe. Trong số các nhà văn thế hệ trước, chị đặc biệt quý trọng nhà thơ Anh Thơ - người đã động viên khuyến khích chị trong thuở ban đầu đến với văn chương.

Mỗi lần gặp, tôi đều được nghe cô Anh Thơ kể những kỷ niệm về Xuân Quỳnh. Đặc biệt là khi cuốn hồi ký “Từ bến sông Thương” của bà vừa ra đời, Xuân Quỳnh đã gửi ngay thư vào Sài Gòn để bày tỏ những suy nghĩ của mình về cuốn sách.

Chị Quỳnh có ba chuyến đi nước ngoài do Hội Nhà văn cử đi và đều đi Liên Xô (cũ). Không biết do sự sắp xếp thế nào, mà chuyến đi Nga đầu tiên Xuân Quỳnh được bố trí đi cùng nhà văn Nguyễn Minh Châu, còn chuyến sau đi cùng nhà văn Nguyễn Khải.

Chị Quỳnh kể rằng anh Châu viết văn sắc sảo, “tinh tướng” là thế mà khi đi ra nước ngoài lại rất rụt rè khi phải tiếp xúc với đám đông. Thấy cái gì cũng ngạc nhiên, cũng lạ lẫm.

Trước chuyến đi, mọi người họp nhau lại và cử anh Châu làm Trưởng đoàn. Anh Châu từ chối nhưng rồi bị mọi người “ép” quá, trong đó, Xuân Quỳnh “to mồm” nhất nên anh đành phải nhận.

Sang đến nơi, việc gì anh cũng phân công cho Xuân Quỳnh - từ tặng quà lưu niệm, phát biểu ý kiến, giới thiệu đoàn, cảm ơn phía bạn đã tiếp đón…

Có lần đến tham quan trao đổi tại Hội Nhà văn Létxtôni, người phiên dịch đưa đoàn đi yêu cầu Trưởng đoàn phải có “diễn văn” mở đầu thật “hoành tráng”.

Chị Quỳnh cũng ngại đám đông nên lần này kiên quyết từ chối. Nhà văn Nguyễn Minh Châu bèn nghiêm giọng nói: “Tôi là Trưởng đoàn, tôi giao việc đồng chí phải thực hiện”.

Thấy “nghiêm trọng” quá nên Xuân Quỳnh không dám có ý kiến gì nữa, tuy trong bụng rất ấm ức. Một lúc sau, đang ngồi chuẩn bị bài phát biểu, Xuân Quỳnh nghe thấy tiếng gõ cửa phòng, rồi nghe tiếng anh Châu gọi: “Quỳnh ơi, mở cửa cho tôi, Châu đây mà”.

Anh bước vào phòng với nét mặt vô cùng khổ sở và nói: “Quỳnh cố gắng giúp mình nhé. Mình biết là Quỳnh cũng ngại đám đông nhưng mình còn ngại hơn, lại còn dát và hay lúng túng nữa”.

Kết thúc chuyến đi, có người nhận xét: Xuân Quỳnh cứ như là trưởng đoàn, anh Châu không thực hiện được vai trò của mình. Anh Châu bác lại ngay và cười rất thích thú: Không, tôi thực hiện xuất sắc vai trò của mình, đó là cử Xuân Quỳnh làm trưởng đoàn thay tôi.

Về Hà Nội, khi gặp Lưu Quang Vũ, anh Châu kể lại chuyến đi và nói rằng: “Cứ bảo phụ nữ là phái yếu nhưng họ mạnh mẽ hơn chúng ta nhiều, bà Quỳnh nhà ông sắc sảo và quyền biến lắm”. Nói xong câu đó, anh Châu lại cười hì hì và hạ giọng nói với anh Vũ: “Bà ấy còn chỉ đạo tôi việc mua quà nữa, về nhà tôi được khen lắm”.

Sau này anh mới nói là không có ý định “khoán trắng” cho Xuân Quỳnh như vậy, nhưng sau lần đầu tiên nghe Quỳnh nói đàng hoàng tự tin quá nên anh quyết định rút lui.

Đến chuyến đi với nhà văn Nguyễn Khải, chị Quỳnh nói đùa rằng phải tranh chức làm Trưởng đoàn để còn dễ bề sai khiến mọi người. Nhưng ngay từ đầu nhà văn Nguyễn Khải đã được giao trách nhiệm Trưởng đoàn nên hết cả bàn cãi.

Những ngày chị Quỳnh ở Mátxcơva, cậu em trai tôi đang học ở bên đó, nhưng ở thành phố khác, đã đến thăm chị. Chị Quỳnh mang cậu em sang gửi ở nhờ phòng Nguyễn Khải.

Sáng dậy anh Khải nói với chị Quỳnh: “Tuổi trẻ thích thật, đã lâu lắm rồi mình không có khái niệm nằm xuống là ngủ được ngay. Cậu em Quỳnh trèo lên giường, chúc tôi một câu xong là đi ngủ liền. Tôi cứ nhìn nó ngủ mà thèm”.

Năm 2001, tôi có dịp vào làm việc với nhà văn Nguyễn Khải ở TP.Hồ Chí Minh, ông cũng kể lại câu chuyện này và nói thêm rằng hồi đó ông cũng mừng cho Quỳnh vì thấy chị có cả một gia đình lớn mà trong đó mọi người rất quan tâm đến nhau.

Là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết triết luận sâu sắc, nhưng trong quan hệ với bạn bè nhà văn Nguyễn Khải thường hay quan tâm đến chuyện gia đình và những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ông viết cho Xuân Quỳnh những bức thư rất tình cảm, dặn dò chị về việc giữ gìn sức khỏe khi nghe tin chị bị ốm.

Trong số các cây bút nữ, Xuân Quỳnh thân với Phan Thị Thanh Nhàn từ khá sớm. Khi chị Nhàn gửi thơ đến báo Văn nghệ dự thi, chị Quỳnh đã ở trong ban sơ khảo. Năm đó chị Nhàn được giải nhì và người đầu tiên báo tin vui đó là Xuân Quỳnh.

Bắt đầu từ đó họ trở thành những người bạn thân thiết. Cuối năm 1969, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, chị Quỳnh đi công tác ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và hầu như tuần nào cũng viết thư cho bạn, chia sẻ mọi buồn vui, lo lắng.

Thư ngày 4/10/69

“Nhàn thân yêu.

Tao đã viết một thư cho mày mà chưa nhận được thư của mày. Hôm nay tao cảm thấy buồn quá lại viết cho mày đấy.

Chả là khi tao xuống đây, tao về ngay hội sáng tác Quảng Bình. Khi đến thì họ cũng quý. Họ xúm xít đến chơi không còn làm gì được. Sau 1 ngày tao xuống xã Đồng Thành.

Sống thật là cực nhọc, 4 đêm liền không ngủ được vì rệp và muỗi như trấu. Nhà mới dựng rất nhỏ, ăn cơm thường là trộn cát. Ở trong nhà không ngủ được tao ra ngoài bãi biển ngủ trên 1 cái thuyền.

Đêm đó cũng không ngủ được, chợp mắt nghe tiếng sóng lại mơ là máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội, phải bế con chạy khắp các hầm. Tỉnh dậy thì ra là tiếng sóng, vừa mừng vừa thương con toát cả mồ hôi...”.

“...Ngày chưa có chồng cứ thoáng nghĩ đến ai tao lại chợt lo: nếu như mình yêu họ, thì liệu sau một năm mình có còn thấy họ đáng yêu không? Và ý nghĩ ấy làm tiêu tan cả mọi dự định. Thế đấy.

Nhàn thường bảo mình có nghị lực nhưng mình biết chính mình là người yếu đuối nhất. Bởi vậy muốn có chút nghị lực như người ta thì mình phải tập, cũng như bây giờ đang tập đi xa.

Chẳng ai bắt cả, nhưng nhất định mình sẽ không về Hà Nội trước tháng 12 - 1969 đâu. Nhàn hiểu tao không? Phải dằn lại nỗi nhớ con, nhớ bạn bè, phải tập từng tý một”.

Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang kể lại rằng chị không nhớ mình quen  Xuân Quỳnh từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi chị về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội thì đã gặp Xuân Quỳnh qua lại ở đó như người nhà.

Cả toà soạn ai cũng quý Xuân Quỳnh và thường đón tiếp nồng nhiệt mỗi khi chị ghé vào. Sau này hai người càng thân nhau hơn khi cùng học lớp ngoại ngữ tiếng Pháp ở báo Văn nghệ.

Mỗi khi tạp chí Văn nghệ quân đội được phân phối tiêu chuẩn lương khô, thịt cá, đường sữa… là chị Như Trang lại báo cho Xuân Quỳnh đến. Ai cũng vui vẻ, sẵn lòng san sẻ khẩu phần của mình cho chị.

Có lần Xuân Quỳnh ngại không đến, mọi người lại nhắc chị Như Trang phải lấy phần rồi mang đến cho Quỳnh. Xuân Quỳnh đã có một câu nói nổi tiếng vẫn hay được mọi người nhắc lại: “Tạp chí Văn nghệ quân đội là trụ sở Hội Nhà văn thứ hai của chúng tôi”.

Xuân Quỳnh còn thân thiết với Ý Nhi và Lê Minh Khuê. Không chỉ là những người bạn thơ văn, họ còn cùng làm việc với nhau ở NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn).

Những năm tháng đó là thời kỳ khó khăn gian khổ của đất nước, cuộc sống riêng của mỗi người cũng đầy gian nan vất cả. Họ đã chia sẻ cùng nhau bao nỗi niềm trong cuộc sống cũng như trong công việc. Họ đã từng chia cho nhau những đồng tiền cuối cùng, sẻ cho nhau những gói mì chính to bằng bao diêm…

Đã từng cùng dắt díu nhau đi bán một mảnh vải, một chiếc quần lụa đen với sự ngượng ngùng, lúng túng sợ bị người quen bắt gặp, để có tiền đi chợ. Và nhiều hơn cả là những lời tâm sự không dứt về đủ các thứ chuyện trên trời dưới bể, về mọi nỗi trần ai mà một người đàn bà dính vào nghiệp văn chương phải gánh chịu.

Lúc Lê Minh Khuê chưa lập gia đình, Xuân Quỳnh thường giục giã: “Em phải lấy chồng, có con. Phụ nữ phải có con. Có con là niềm hạnh phúc lớn nhất”.

Khi chị Khuê có con nhỏ, bận bịu gia đình, xao nhãng việc sáng tác, chị Quỳnh lại nhắc nhở, động viên bạn làm việc. Khi tập truyện ngắn của chị Khuê được hoàn thành, chị Quỳnh vui lắm. Chị vội đến ngay nhà chị Khuê để chia sẻ niềm vui cùng bạn.

Mỗi buổi sáng, khi có tâm trạng u uất, buồn khổ, Lê Minh Khuê đạp xe đến cơ quan và chỉ mong gặp được Xuân Quỳnh. Gặp Xuân Quỳnh là tất cả mọi buồn bực đều tiêu tan.

Hiếm có người phụ nữ nào nói chuyện có duyên và hấp dẫn như chị. Có nhiều câu chuyện bình thường, qua lời kể của chị cũng trở nên lôi cuốn. Đến cơ quan chị kể chuyện ở nhà: Trong khu tập thể có hai vợ chồng cãi nhau triền miên. Thấy vậy, mình nói với họ là sống căng thẳng thế thì nên bỏ nhau cho đỡ khổ. Anh chồng bảo là không thể bỏ được, vì đây là mối tình đầu của tôi. Nói vậy nhưng đến buổi chiều đã thấy cầm chổi đập vào mặt “mối tình đầu”.

Có nhà khác lại mắng nhau bằng “hình tượng văn học”: “Anh đối xử không tốt với bố mẹ tôi. Anh không bằng con bồ nông có hiếu trong câu chuyện cùng tên của nhà văn Phong Thu”.

Về nhà chị lại kể chuyện cơ quan: Có anh đang tập làm thơ, kẻ chữ nắn nót trong một cuốn sổ dày: Một trăm bài thơ hai câu, sau đó lại mở ngoặc đề: mới viết được hai bài. Mấy tháng sau lại chữa thành: đã viết được ba bài.

Lại có anh khác đề ra tiêu chuẩn chọn vợ: tuổi dưới 25, xinh đẹp, có học thức. Khi đó anh ta 30 tuổi. Lúc 40 tuổi vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn. Lúc 50 tuổi vẫn không thay đổi. Và khi về hưu vẫn giữ vững lập trường. Kết quả là đến cuối đời vẫn độc thân.

Chị cũng thường hay kể những câu chuyện cười nhạo mình khá hóm hỉnh: Ngày còn trẻ ở đoàn văn công, mình “mê” một anh to cao đẹp giai, nhiều tài lẻ. Khi anh ta được cử đi học nước ngoài mình khóc sưng cả mắt, ngày đêm mong nhớ.

Hôm nghe tin anh ta về nước mình hồi hộp chờ đón. Khi gặp nhau, sau vài lời xã giao, anh ta hỏi luôn: Quỳnh có mua quạt tai voi không, anh để rẻ cho một cái. Thế là tình yêu trong mình chết luôn.

Có lần mình đến cơ quan hơi muộn, thấy mọi người đã ngồi họp nghiêm chỉnh, mình vội vàng vào họp lại còn lấy sổ tay ra để ghi chép. Chẳng ai nói gì. Lúc đó “bà bô” đang mải viết, khi ngẩng lên thấy mình mới đến bảo nhỏ: Hôm nay họp chi bộ (mẹ tôi làm cùng cơ quan với chị Quỳnh).

Mình ngượng quá nhưng vẫn tươi cười đứng dậy chào: Các đồng chí ở lại họp nhé (chị Quỳnh chưa phải là đảng viên). Mẹ tôi nói rằng, ở cơ quan, cứ chỗ nào có những trận cười ré lên là biết ngay ở đó có Quỳnh.

Dẫu vậy Xuân Quỳnh có những nỗi khổ không bao giờ nói ra, có những nỗi buồn chỉ riêng mình gánh chịu và những giọt nước mắt được giấu kín. Ngay cả những người gần gũi nhất cũng chỉ mơ hồ cảm thấy mà khó lòng chia sẻ được.

Sau ngày chị Quỳnh mất ít lâu, chị Ý Nhi ở Sài Gòn viết thư cho tôi: “Bây giờ nghĩ đến chuyện xảy ra với Vũ Quỳnh mà vẫn không sao tin nổi. Cứ nghĩ đến việc mỗi khi ra Hà Nội không còn được gặp Quỳnh nữa là chị lại buồn chảy nước mắt. Quỳnh hay ăn nói táo tợn, hay cười đùa vui vẻ nhưng ít người biết Quỳnh còn có những nỗi đau không dễ nói, còn những tiếng thở dài phải nén lại.

Ở ngoài đó em nên bàn với anh Vương Trí Nhàn, chị Khuê… cố gắng làm một cuốn sách về Quỳnh Vũ. Chị có thể giúp được gì Thơ bảo chị nhé. Hôm qua chị nằm mơ thấy Quỳnh.

Quỳnh cứ nhìn chị không nói gì rồi bước vào sau một cánh cửa và biến mất. Chị thức dậy, làm bài thơ Chiêm bao gặp Xuân Quỳnh, gửi em đọc:

Cơn mưa ta ngóng đợi/Còn ở tận cuối trời/Đường dài ngày nắng xối/Bước chân trần Quỳnh ơi/Nào thấy đâu bến bờ/Sau gió Lào cát trắng/Thấy đâu mảnh vườn êm/Thấy đâu miền biển lặng/Ánh mắt nhìn thăm thẳm/Lệ trôi qua môi cười/Suốt một đời vội vã/Suốt đời không tới nơi/Kìa mây mùa thu trôi/Cúc đã vàng thắm lại/Thơ buồn trên mặt giấy/Bóng người về đơn côi”.

Và đâu phải chỉ có bạn gái mới hiểu Xuân Quỳnh. Tôi thấy có những người đồng nghiệp nam như nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng nhận xét khá chính xác về chị: “Quỳnh cách ngôn, lập ngôn còn hơn cả Vũ. Nói về ai đó, Quỳnh chỉ nói đúng một dòng là hiện ra đúng dáng vẻ và tâm tính của người đó. Bản năng nghệ thuật trong Xuân Quỳnh là hiện tượng khó giải thích.

Trong cả chồng bản thảo dày hàng gang tay, nếu cần chọn lấy vài bài hay nhất, Xuân Quỳnh đưa bàn tay vào một lúc là đưa ra đúng những bài cần tìm. Hỏi Quỳnh tại sao lại chọn bài ấy mà không chọn bài khác, thì Quỳnh lúng túng, giải thích rất khó khăn nhưng chắc chắn là Quỳnh đã tìm đúng.

Lại cũng giống Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh có gai, nhưng là gai của củ ấu như củ ấu mọc trên đầm Ao Châu thuở nhỏ Vũ đã đi tìm vớt. Cái lõi là hiền từ, nhân hậu. Xuân Quỳnh cứng cỏi bề ngoài thôi. Quỳnh vốn là người yếu đuối. Lại còn hay khóc nữa, nhưng chỉ với những người quen thân.

Bấy nhiêu tâm tình hàng ngày cũng là tâm tình trong thơ Xuân Quỳnh. Và bao nhiêu tình thương yêu đã hiện ra trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là những nét bình thường trong cuộc sống thường ngày của chị” (Báo Quân đội nhân dân, 1-9-1988).

Xuân Quỳnh luôn đối xử với mọi người bằng sự nhiệt thành, bằng tấm lòng bao dung, rộng mở, và chị cũng đã nhận được ở bạn bè bao tình cảm thân thương quý giá. Đó cũng là niềm hạnh phúc nối dài thêm cuộc đời ngắn ngủi của chị.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.