Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Trong gia tài thơ của Xuân Quỳnh có một chùm thơ độc đáo, mang tên Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ. Độc đáo, vì ta chưa hề gặp một trường hợp tương tự ở các tác giả khác, và đồng thời nó cũng là tiêu biểu cho hoàn cảnh riêng của Xuân Quỳnh.

>> Kỳ VI: Mẹ không ghét bỏ em đâu/Yêu anh em đã làm dâu trong nhà

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Từ trái sang phải: Quỳnh Thơ, Tuấn Anh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Minh Vũ

GS Nguyễn Xuân Nam thật có lý khi đánh giá rằng: “Chùm thơ này đã nâng bản năng làm mẹ lên thành nghệ thuật làm mẹ”. Tôi muốn nhấn sâu hơn nữa rằng, ở đây không chỉ là nghệ thuật mà cái chính là tấm lòng. Một tấm lòng yêu thương tha thiết của tình mẫu tử dành cho “con anh, con tôi, con chúng ta”.

Kỳ VII: Tình mẫu tử dành cho “con anh, con tôi, con chúng ta”

Xuân Quỳnh sáng tác chùm thơ này từ năm 1974, khi chị mới sống cùng Lưu Quang Vũ trong thời gian khoảng một năm. Nhân vật chính trong các bài thơ là ba cậu con trai: Tuấn Anh, Minh Vũ, Quỳnh Thơ. Khi đó Tuấn Anh lên 8 tuổi, Minh Vũ (Kít) 4 tuổi và Quỳnh Thơ (Mí) mới chuẩn bị ra đời.

Có thể nói Xuân Quỳnh là một người mẹ tuyệt vời. Chị không những đã lo lắng, nuôi dạy, hy sinh tất cả cho các con như bao người mẹ khác, mà điều đặc biệt hơn là trong hoàn cảnh riêng của mình, chị đã có cách cư xử và thể hiện tình cảm một cách khéo léo, khiến cho ba đứa trẻ rất thương yêu và quấn quýt với nhau. Mặc dù chúng đều là những đứa trẻ nhạy cảm, hiếu động và có cá tính riêng khá mạnh mẽ.

Chị Quỳnh sinh Tuấn Anh vào năm 1966, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã lan rộng ra miền Bắc. Một quả bom hạng nặng đã rơi xuống phố Huế, làm sụp đổ hoàn toàn mấy ngôi nhà và để lại một hố bom sâu hoắm, chỉ cách ngôi nhà 96 phố Huế của chúng tôi có mấy trăm mét.

Mới được mấy tháng tuổi, Tuấn Anh đã được chị Quỳnh mang đi sơ tán cùng cơ quan báo Văn nghệ ở Bình Đà (Hà Sơn Bình).

Chị Quỳnh kể rằng hồi nhỏ Tuấn Anh rất thích chui xuống hầm. Mỗi khi có báo động phải vào hầm, trong khi có những đứa trẻ khác la khóc thì Tuấn Anh lại cười thích thú; và khi báo yên rồi, bế ra khỏi hầm lại không chịu.

Vốn thiếu vắng tình mẫu tử từ nhỏ, nên khi có Tuấn Anh, chị Quỳnh đã dành cho con tình thương yêu vô bờ bến. Chị bảo có con rồi mình trở thành người khác hẳn. Lúc nào cũng chỉ muốn lo lắng chăm chút cho con và cảm thấy thật hạnh phúc khi có “một con người bé nhỏ - vì mình mà buồn vui”.

Lần đầu tiên gửi con cho bà nội để đi thực tế, chị nhớ con đến ngơ ngẩn cả người. Dự định đi 10 ngày, nhưng đến ngày thứ 6 không chịu nổi, chị phải báo cáo với trưởng đoàn xin về trước.

Chị vô cùng cảm phục và rất thương chị Dương Thị Xuân Quý khi phải xa đứa con gái nhỏ mới gần 2 tuổi để vào chiến trường. Trước khi lên đường, chị Xuân Quý có tặng chị Quỳnh một tấm ảnh chụp hai mẹ con. Chị Quỳnh nói rằng cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh là không thể cầm được nước mắt. Và chỉ riêng việc phải đứt ruột xa con như vậy cũng đáng là anh hùng.

Đối với Tuấn Anh, ngoài tình thương yêu, chăm sóc, chị luôn mang nỗi mặc cảm day dứt vì đã không dành được cho con một gia đình trọn vẹn. Khi Tuấn Anh học năm cuối cấp III, chị nói với tôi: “Tuấn Anh mà không vào được đại học thì chị có lỗi lớn với cháu. Chị không thể sống yên được”.

Mỗi khi Tuấn Anh có chuyện gì thiếu sót trong cách cư xử là chị lại tự trách là tại mình nên cháu mới như vậy. Năm Tuấn Anh thi đỗ vào khoa tiếng Anh - Đại học Ngoại ngữ, chị mừng lắm, chiêu đãi cả nhà liên miên.

Khi Tuấn Anh ra trường, chị lại đôn đáo lo xin việc cho con. Hiện nay, Tuấn Anh là Giám đốc một công ty thiết kế đồ họa - in ấn - quảng cáo ở Hà Nội.

Đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những ngày đạn bom ác liệt, nhân vật chính trong bao nhiêu bài thơ nổi tiếng của mẹ Quỳnh ngày nào (Tuổi thơ của con, Lời ru trên mặt đất, Khi con ra đời, Con yêu mẹ) bây giờ đã là một người đàn ông có gia đình riêng yên ấm với cậu con trai Thái Anh 4 tuổi khôi ngô, xinh xắn…

Xuân Quỳnh là người nói năng sắc sảo và hoạt bát. Chị có tài biến mọi chuyện dù nặng nề, nhạy cảm thành chuyện bông đùa, hài hước. Chị vẫn nói với bạn bè rằng: ngày tôi và ông Vũ lấy nhau, mỗi người đem theo một đống của “hồi môn” ương bướng và nghịch ngợm như quỷ sứ. Đó là hai cậu con trai trứng gà trứng vịt.

 Tuấn Anh thì có vẻ người lớn, tính tình kín đáo trầm lặng. Minh Vũ (Kít) còn nhỏ nên hiếu động, nghịch ngợm hơn. Khi bố mẹ chia tay nhau, Kít mới hơn 1 tuổi. Cậu chủ yếu sống với ông bà nội - đây cũng là nguyện vọng của mẹ tôi.

Bà nói rằng cả hai bố mẹ Kít đều còn trẻ tuổi, chắc chắn sẽ có gia đình mới. Để cháu ở với ông bà sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc và nuôi dạy hơn.

Đầu những năm 70, Kít theo cơ quan bà nội đi sơ tán ở làng Mía, xã Đường Lâm, Sơn Tây. Bài thơ Nói với con cuối năm của Lưu Quang Vũ được ra đời trong bối cảnh của làng quê sơ tán khi đó. “Cha lên làng sơ tán thăm con/ Hoa mận nở trắng vườn/ hai cha con ngồi trên bờ đê cao/ sông chiều ngút khói / gió rạp mình cỏ dại/ sau lưng Hà Nội sương mờ”.

Thời gian đầu, khi anh chị Vũ Quỳnh mới sống chung cùng nhau, lúc thì Kít ở với ông bà nội, lúc thì ở với mẹ, lúc thì ở với bố. Nhưng một thời gian sau, khi đã bắt đầu đi học, Kít về ở hẳn với bố để tiện cho việc trông nom cháu.

Chị Quỳnh đã chăm nom, săn sóc Kít chẳng khác gì con đẻ. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi mới 4,5 tuổi, không cần ai bảo, cháu đã rất tự nhiên gọi chị Quỳnh là Má.

Nhiều năm sau này, khi đã khôn lớn trưởng thành, Kít vẫn thường nói rằng thời gian cháu sống với má Quỳnh nhiều hơn với mẹ Uyên. Và điều quan trọng hơn là Kít đã chịu ảnh hưởng từ má Quỳnh rất nhiều trong tình cảm cũng như trong nhận thức cuộc sống.

Cũng giống như đối với Tuấn Anh, chị Quỳnh đã làm tất cả mọi điều để bù đắp cho Kít nỗi thiệt thòi vì cảnh bố mẹ ly hôn. Chị đã dành cho Kít những câu thơ thật cảm động: “Tuy con má chẳng sinh/ Con vẫn quen gọi má… Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/ Của bà và của ông/ Của má nữa - Biết không/ Con làm bằng tất cả”.

Mùa hè năm Kít học lớp 2, cháu bị viêm ruột, rồi lại bị tắc ruột. Trong vòng chưa đầy một tháng cháu phải mổ hai lần. Má Quỳnh và bố Vũ thay nhau chăm sóc Kít trong bệnh viện.

Sợ anh Vũ đàn ông vụng về làm đau con, tự tay chị Quỳnh lo từ tắm rửa cho đến việc đi tiêu đi tiểu của con. Khi Kít ra viện, về nhà, vết mổ chưa lành hẳn, hàng ngày má Quỳnh lại phải lau rửa, thay băng vết thương cho cháu. Ai nhìn thấy cũng phải nể phục.

Việc chị Quỳnh chăm lo cho Kít không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn bằng tình cảm thật sự từ đáy lòng. Chị có một kho chuyện vô tận về các trò nghịch ngợm, tinh quái và cũng hết sức ngộ nghĩnh của các cậu con trai.

Chị thường kể lại một cách rất có duyên với vẻ thích thú của một người mẹ đang hạnh phúc. Các anh chị cùng làm việc ở cơ quan với chị Quỳnh như Ý Nhi, Lê Minh Khuê, Xuân Tùng, Vương Trí Nhàn… thường cảm thấy rất thú vị khi nghe Xuân Quỳnh kể chuyện về các con mình.

Trong đó, những câu chuyện về Kít thường buồn cười hơn cả. Chị kể có lần đưa các con đi ăn cưới, Kít vốn háu đói nên ăn uống “tự nhiên” quá khiến má Quỳnh phải “nhắc nhở”.

Lúc ra về Kít dặn dò má một cách nghiêm chỉnh rằng: “Má ơi, khi nào cưới con má đừng mời ai, để con được ăn một mình cho thoải mái!”.

Những năm sau này, anh Vũ bận bịu nhiều với công việc sáng tác. Mọi việc học hành của các con chị Quỳnh phải đảm đương hết. Khi Kít thi vào khoa Quay phim - Đại học Sân khấu Điện ảnh, chị nhắc anh Vũ phải tìm một vài người bạn ở Xưởng phim để kèm cặp, phụ đạo chuyên môn cho con.

Anh chỉ đưa chị đi được 1-2 lần đầu. Còn sau đó một mình chị tự lo liệu mọi việc. Khi Kít thi đỗ thủ khoa vào trường, có triển vọng được đi học nước ngoài, chị mừng đến phát khóc.

Chị thường dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho Kít kịp đi học. Thấy chị vất vả, anh Vũ bảo chị để con tự lo ăn sáng ngoài hàng. Nhưng chị bảo không yên tâm, sợ Kít bỏ ăn sáng ảnh hưởng sức khoẻ. Hơn nữa thấy má chăm sóc như vậy, con sẽ có ý thức phấn đấu, chăm chỉ học hành hơn.

Ngày chị Quỳnh mang thai, cả nhà ai cũng mong con gái. Cha tôi đặt tên cháu là Quỳnh Thơ - với ý nghĩa là “bài thơ của Quỳnh”, cũng như trước đây ông đã đặt tên tôi là Khánh Thơ - tức là “bài thơ của Khánh” (mẹ tôi tên là Vũ Thị Khánh).

Khi cháu ra đời, tuy là con trai nhưng anh chị đều không muốn đổi tên khác, vẫn lấy tên là Quỳnh Thơ. Vì thích con gái, nên hồi Quỳnh Thơ (Mí) còn nhỏ, chị Quỳnh cho cháu để tóc dài, ăn mặc như con gái.

Mí cũng có vẻ xinh xắn, đáng yêu như con gái. Da trắng, mắt đen láy, miệng cười tươi và có lúm đồng tiền giống mẹ. Mí ra đời, tình yêu và hạnh phúc của anh chị được nhân lên gấp bội phần.

Ngay từ nhỏ, Mí đã sớm tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, tài hoa, có năng khiếu nghệ thuật. Mới 3 tuổi cháu đã vẽ rất nhiều tranh. Có bức dự thi đạt giải thưởng trong cuộc thi vẽ Thiếu nhi quốc tế.

Năm 6 tuổi, cháu đã vẽ minh hoạ và vẽ bìa cho tập thơ Bầu trời trong quả trứng của mẹ Quỳnh. 7, 8 tuổi Mí đã làm thơ, viết truyện đăng báo và đọc trên đài.

Có lần phóng viên buổi phát thanh Măng non phỏng vấn, Mí đã trả lời ngay không phải nghĩ ngợi lâu la gì: “Khi chưa biết chữ thì em thích vẽ. Nhưng khi đã biết đọc thì em thấy viết nói được nhiều hơn vẽ”.

Đề tài của Mí là những điều gần gũi, quen thuộc như bà, bố mẹ, các đồ vật trong nhà. Các truyện ngắn của cháu như: Ngôi nhà bằng đất sét, Ấm trà Thạch Sanh, Cái đồng hồ gọi… thể hiện những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ, ngộ nghĩnh qua một ngôn ngữ linh hoạt, tứ truyện rõ ràng, giàu tình cảm.

Năm 1985, Mí đã được Đoàn kịch Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) mời đóng một vai kịch trong vở Nữ ký giả (Lưu Quang Vũ). Cả khu tập thể ai cũng yêu quý cháu.

Mí là niềm tự hào của cả nhà. Mỗi khi bố mẹ bận việc, bà nội đi họp phụ huynh cho cháu về, khoe đến mấy ngày cũng chưa hết chuyện. Môn nào Mí cũng đạt điểm 10, từ văn toán đến thể dục, vẽ, nhạc.

Tuy được cả nhà yêu chiều nhưng Mí rất ngoan và chăm làm việc nhà giúp đỡ mẹ, biết quan tâm tới bà, tới bố mẹ và các anh. Mỗi khi mua quần áo mới cho các con, chị Quỳnh thường chỉ mua cho hai anh, lấy lý do là các anh mặc chật, ngắn thì sẽ đến lượt em.

Những ngày khó khăn thì đã đành. Nhưng sau này khi anh Vũ sáng tác nhiều, nhuận bút khá hơn, chị vẫn giữ thói quen tiết kiệm đó. Có lần anh Vũ bảo chị nên mua quần áo mới cho Mí. Cháu vội nói ngay: “Mẹ đừng mua cho phí, con mặc quần áo cũ của các anh cho mát”…

Chị Quỳnh chăm chút từng bước phát triển của Mí và đặt nhiều hy vọng vào đứa con thông minh, tài hoa của mình. Những bài thơ về Mí của chị thật vui tươi, dí dỏm và tràn đầy tình thương yêu. Giá như “số phận” không bắt Mí đi theo bố mẹ, có thể chỉ một thời gian ngắn nữa, cháu sẽ nối nghiệp ông, nối nghề cha mẹ một cách xứng đáng.

Những bài thơ, những truyện ngắn dành cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh đầy ắp những hình ảnh, những bóng dáng thân yêu của ba cậu con trai. Chưa biết những sáng tác ấy có tác động tới xã hội ở mức nào, nhưng giá trị nhân văn trong các tác phẩm đó đã có tác động rất lớn trong gia đình nhỏ của chị.

Những đứa trẻ tuy không cùng cha mẹ sinh ra, nhưng đã vô cùng gắn bó thương yêu nhau. Dù đi xa đã 20 năm, nhưng mãi mãi mẹ Quỳnh của Tuấn Anh, má Quỳnh của Minh Vũ luôn là một hình mẫu cho các con về lòng nhân ái và các giá trị làm người.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.