Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Đến tháng 8 này là đã 20 năm, anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh và cháu Mí yêu thương của gia đình chúng tôi vĩnh viễn đi vào cõi trời hoa mộng. Thời gian cũng đã góp phần làm cho nỗi đau đớn của sự mất mát bớt đi vẻ sắc nhọn ban đầu.

>> Chuyện chưa kể trong căn nhà sáu mét vuông của Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Hai chị em Xuân Quỳnh (trái) và Đông Mai thời trẻ

20 năm, nỗi đau đã dần lắng lại, nhưng tình yêu và nỗi nhớ về những người thân theo thời gian cứ được nhân lên mãi. Anh Lưu Quang Vũ có vở kịch Người trong cõi nhớ. Vở diễn đạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết.

Đã chết như chỉ là mất đi cái phần thân xác, còn tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của người hôm nay.

Qua lời của một nhân vật kịch, Lưu Quang Vũ đã nói quan niệm của anh về sự sống chết: Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống TRONG TRÍ NHỚ CỦA NGƯỜI KHÁC, những người không bị lãng quên…

Quả đúng như vậy.

20 năm, quãng thời gian có thể đã làm nhoà mờ nhiều thứ. Nhưng tình cảm của mọi người đối với anh chị vẫn tươi nguyên như vừa mới hôm qua còn gặp gỡ.

Thời gian vừa qua, khi có dịp đi cùng êkíp thực hiện bộ phim tài liệu về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tôi lại càng thấm thía hơn những tình cảm sâu nặng, ân nghĩa mà bạn bè đã dành cho hai người. Tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến những lời kể nghẹn ngào khiến cả người nói lẫn người làm phim trào nước mắt.

Thời gian sau khi anh chị mất, với tư cách là đứa em trong gia đình gần gũi nhất với hai người, tôi đã thực hiện một số cuốn sách về Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Tôi nghĩ đó cũng là việc duy nhất mà mình còn có thể làm được cho anh chị mình.

Tôi đã từng viết về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh không chỉ một lần. Và bây giờ, bạn đọc hãy vui lòng cùng tôi hành hương vào cõi thứ ba, cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người khác, cùng tôi đi vào thế giới đời thường của chị dâu tôi – nhà thơ Xuân Quỳnh.

Kỳ I.   “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”

Chị Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại làng La Khê thuộc Hà Đông (cũ). Vốn là một làng nông nghiệp nhưng La Khê lại nổi tiếng hơn cả bởi nghề dệt the lụa, canh cửi quanh năm.

Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lại sớm đi bước nữa và có một đàn con nheo nhóc. Tuổi thơ của Xuân Quỳnh trôi qua trong nghèo nàn, cơ cực, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm.

Thuở bé chị hầu như chỉ gắn bó và sống với tình cảm yêu thương đùm bọc của bà nội và chị gái Đông Mai. Chị rất yêu cái làng quê hiền hoà, nhỏ bé ven bờ sông Nhụê, nhưng hầu như rất ít khi về thăm. Có lẽ bởi ở đó không còn những mối liên hệ ruột thịt thân thiết và hơn nữa nó lại gắn với những kỷ niệm tuổi thơ đơn độc nhiều nước mắt. 

“Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ - Hái rau dền rau rệu nấu canh - Tập vá may, tết tóc một mình- Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ”. Sự thiếu vắng tình mẫu tử từ sớm đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn trong cuộc đời Xuân Quỳnh. Chị coi đó là nỗi bất hạnh đầu tiên trong tuổi thơ của mình.

Hình ảnh người mẹ đối với Xuân Quỳnh thật xa xôi. Chị không còn nhớ rõ gương mặt mẹ. Bà mất sớm. Sau khi sinh Xuân Quỳnh được ít lâu, bà mắc bệnh lao, một bệnh truyền nhiễm mà thời đó bị coi là nan y, không thuốc nào chữa được.

Sợ lây bệnh cho con, bà tự nguyện cách ly con, sống lặng lẽ, âm thầm trong một căn phòng riêng. Hàng ngày chỉ dám nhìn con qua khe cửa. Ngày mẹ mất, chị Quỳnh còn quá nhỏ, chưa đội được khăn tang. Chị được người bà con bế ra đầu ngõ tiễn mẹ rồi lại phải quay vào nhà vì sợ đưa ra nghĩa trang sẽ bị ốm.

Tuy mất mẹ từ nhỏ, nhưng sau này, trên bước đường đời, những lúc vui buồn sướng khổ, Xuân Quỳnh luôn nghĩ và nhớ đến mẹ. Chị tin rằng bà rất thiêng và lúc nào cũng ở bên mình.

Sau khi vợ mất được khoảng nửa năm, bố chị tục huyền và ra sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về quê thăm mẹ và hai cô con gái nhỏ. Xuân Quỳnh vẫn nhớ những lần đứng nhìn theo bóng cha khuất sau bụi tre đầu làng.

Chị vừa mong lại vừa sợ ngày cha về thăm. Mừng vì được gặp cha, được sà vào lòng cha quấn quýt. Nhưng lại buồn đứt ruột, khi chiều xuống ông lại vội vã rảo bước cho kịp chuyến xe cuối ngày trở về thành phố.

Ông thương hai đứa con nhỏ sớm mồ côi mẹ. Nhưng hoàn cảnh của ông cũng rất ngặt nghèo. Bà vợ kế của ông mâu thuẫn nặng nề với mẹ chồng, lại không chấp nhận cảnh dì ghẻ con chồng, xa lánh, hắt hủi hai chị em Xuân Quỳnh.

Cuộc sống của ông bố cũng đầy bất hạnh. Hai vợ chồng xung khắc. Người vợ sau khác hẳn với người mẹ hiền thục, dịu dàng của Xuân Quỳnh. Ông bố chị Quỳnh rất khổ tâm nhưng cũng không biết làm thế nào. Ông cũng không thể bỏ được người vợ sau, vì ông đã có với bà bốn người con.

Năm 1950 ông cùng bà vợ kế và đàn con vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Và từ đó, cùng với nỗi đau mất mẹ, hai chị em Xuân Quỳnh lại phải chịu nỗi đau chia xa đằng đẵng với cha mình, vì hoàn cảnh chiến tranh chia cắt đất nước.

Mãi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, sau vài tháng trời chờ đợi, chị Quỳnh mới được gặp lại cha mình. Dù chịu nhiều đau khổ, nhưng chưa bao giờ Xuân Quỳnh trách hận điều gì ở cha.

Mặc dù thời đó việc có một ông bố di cư vào Nam, hiện đang sống trong chế độ Mỹ Diệm ở Sài Gòn, lại không có tin tức gì, khiến người trong cuộc luôn cảm thấy day dứt. Phần vì một câu hỏi cứ lơ lửng trong lý lịch, phần vì nỗi nhớ thương đau đáu không phải lúc nào cũng tiện nói ra.

Chính vì thế, nên sau giải phóng, biết tin bố còn sống, Xuân Quỳnh mừng lắm. Nhưng niềm vui lại đến cùng với nỗi ngậm ngùi, đau xót, khi chị biết rằng cha mình sống rất khổ sở, nghèo túng, gần như đầy đọa trong một cuộc sống từ lâu đã như là địa ngục.

Rất nóng ruột, nhưng chưa thể vào Sài Gòn ngay, chị Quỳnh viết thư cho cha tôi đang ở trong đó, để nhờ cậy bố chồng đến thăm nom và giúp đỡ bố đẻ khi mình chưa đi được.

Cha tôi đã có mặt ở Sài Gòn rất sớm. Ngay tháng 5/1975 ông đã đi cùng với cơ quan là Nhà hát Chèo trung ương, mang một số trích đoạn và vở diễn vào phục vụ đồng bào miền Nam chưa bao giờ được xem chèo một cách thực sự.

Lúc đó chưa có tàu hỏa, đường bộ cũng khó khăn. Cha tôi cùng với Nhà hát Chèo phải đi ô tô xuống Hải Phòng, đi tiếp bằng tàu thủy, ròng rã đến gần chục ngày mới vào được Sài Gòn.

Thành phố Sài Gòn lúc đó mới giải phóng, bề bộn, phức tạp. Cha tôi rất bận rộn, công việc biểu diễn, rồi gặp gỡ bà con họ hàng mấy chục năm xa cách. Nhưng khi nhận được thư chị Quỳnh gửi vào, ông vội vã đi tìm gặp thông gia.

Bức của chị Quỳnh viết đầy lo lắng: “Bố ơi! Hôm qua con nhận được tin của bố con. Cả đêm không sao ngủ được. Bố con hiện sống rất nghèo túng, khổ sở, cuộc sống chẳng khác gì địa ngục. Con đau lòng quá. Chắc là thời gian tới con và anh Vũ chưa có cách gì đi được. Con nhờ cậy bố đến thăm bố con và đưa cho bố con 20 đồng.

Được gặp bố và nghe bố nói chuyện về tình hình chúng con chắc là bố con sẽ vui lắm. Bố ơi! Con biết là bố rất thương con nên con mới dám làm phiền bố như vậy. Địa chỉ của bố con là: Nguyễn Quang Lục, 41 Trần Quốc Toản (gần chợ Tân Định).”

Thời gian đó thư từ gửi giữa hai miền rất lâu. Chị Quỳnh nóng ruột như ngồi trên lửa. Chắc cũng đoán được tình cảm của chị Quỳnh nên ngay sau khi gặp thông gia về, cha tôi đã đánh điện tín báo tin ngay để cho chị Quỳnh yên tâm.

Sau khi cha di cư, hai chị em Xuân Quỳnh ở lại miền Bắc và sống ở quê với bà nội. Mấy bà cháu lần hồi nuôi nhau. Hai cô bé sống cuộc sống trẻ con nông dân, dựa vào mấy sào ruộng phải nhờ người cấy hái.

Hai chị em Xuân Quỳnh tuy còn nhỏ nhưng cũng phải giúp bà việc xay lúa, giã gạo. Bà nội thương cháu, nhưng cuộc sống ở làng quê khiến ai cũng phải vất vả, lam lũ.

Tình thương yêu của bà dù rộng lớn đến đâu cũng không thể bù đắp nổi nỗi mất mẹ vắng cha của hai chị em Xuân Quỳnh. Ngay từ nhỏ, Xuân Quỳnh đã không thể sống hồn nhiên, vô tư như những đứa trẻ xung quanh. Lúc nào chị cũng sợ bị bỏ rơi.

Chị kể rằng, hồi nhỏ chị sợ nhất là mỗi khi chị Đông Mai có việc phải đi đâu xa nhà. Có đêm chị nằm ôm con mèo, thao thức không sao ngủ được, chỉ mong trời sáng để chị Mai chóng về.

Kỷ niệm về những ngày ấy sau này đã được chị viết lại qua những câu thơ thấm đầy nước mắt: “Em trở thành bé bỏng - Trong cánh tay chị xưa - Muốn ngồi bên bếp lửa - Chị kể chuyện thay bà - Như ngày xưa tháng Ba - Những đêm dài chó sủa - Rồi ôm chị nức nở - “Chị ơi đừng đi đâu - Em nghe như đằng sau - Có tiếng người đang bước!” - Chị cười: “Quỳnh đừng khóc - Chị chẳng đi đâu mà…” - Bấy giờ là tháng Ba - Tu hú kêu ngoài bãi”.

Cuộc sống vất vả, tự lập từ nhỏ khiến Xuân Quỳnh sớm già dặn trước tuổi. 15 tuổi chị đã trở thành một cô thiếu nữ nhạy cảm, hát hay, múa giỏi. Khi có người về làng tuyển văn công, Xuân Quỳnh đã “liều mình” đi thi. Chị may mắn trúng tuyển ngay đợt đầu.

Bà nội buồn vì phải xa cháu nhưng cũng mừng vì cháu đã trở thành người của đoàn thể, có điều kiện học hành bay nhảy, lại đỡ phải nuôi cháu. Xuân Quỳnh được nhận vào đoàn Ca múa nhạc Trung ương, được đào tạo thành diễn viên múa chuyên nghiệp theo lối học truyền nghề ngay tại Đoàn.

Vốn có năng khiếu, lại thông minh và xinh đẹp, cô em út của Đoàn đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người và trở thành một diễn viên đầy triển vọng. Một trang đời mới đã mở ra trước mắt Xuân Quỳnh.

Cuộc đời mồ côi thiếu thốn trăm bề, càng khiến cho Xuân Quỳnh nhận rõ được may mắn và hạnh phúc mà cuộc sống đã dành cho mình. Chị không quản ngày đêm lao vào tập luyện.

Vừa học văn hoá, vừa học chuyên môn. Có những lần tập tóe máu đầu ngón chân, chị vẫn cắn răng chịu đựng. Chỉ mới về Đoàn được mấy năm, Xuân Quỳnh đã tiến bộ nhanh chóng.

16, 17 tuổi chị đã được cùng Đoàn đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Rồi được tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 8 tại Helsinki (Phần Lan).

Trong kỳ Đại hội đó, Xuân Quỳnh được các bạn quốc tế tặng nhiều hoa nhất trong cuộc thi chọn người đẹp của Liên hoan. Sống trong môi trường nghệ thuật, Xuân Quỳnh cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào.

Và cũng chính vào thời gian đó, năng khiếu thơ ca của chị bắt đầu được bộc lộ. Xuân Quỳnh đã ghi chép lại những cảm xúc của mình lên trang giấy, những vần thơ mộc mạc thuở ban đầu đã báo hiệu “một chồi thơ xanh biếc”:

Ai biết đâu con bé mồ côi đó

Nay lớn khôn rồi - cô gái văn công

Mẹ ơi mẹ từ trong lòng đất

Có nghe chăng đời hát yêu thương?

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.