> Em trai thủ lĩnh al-Qaeda được tự do
Hội đồng Lập hiến, cơ quan mới được bầu ra, tuần trước tổ chức kỳ họp đầu tiên và chọn người phát ngôn của Hội đồng Dân tộc Saad el-Katatni làm chủ tịch.
Tuy nhiên, kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Lập hiến vắng mặt 20 thành viên, chủ yếu là đại diện của các đảng cấp tiến và thế tục, những người phản đối tình trạng chiếm đa số của các nhóm Hồi giáo trong hội đồng.
Không chỉ vậy, căng thẳng còn đến từ bối cảnh chỉ còn hai tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào hai ngày 23 và 24-5. Ai Cập đang được điều hành bởi tổng thống tạm quyền Mohamed Hussein Tantawi.
Hội đồng Dân tộc (Hạ viện) và Thượng viện Ai Cập mới đây mở hội nghị để chọn ra 100 thành viên của Hội đồng Lập hiến.
Nhưng những đảng phái tự do và thiên tả đã chỉ trích những người Hồi giáo chiếm đa số trong cơ quan có trách nhiệm soạn thảo hiến pháp, cáo buộc họ đã làm ngơ những đề xuất của nhóm thiểu số trong quốc hội.
Những đảng này kêu gọi người dân hành động để ngăn chặn quyết định thành lập Hội đồng Hiến pháp cho đến khi xây dựng được các tiêu chuẩn để lựa chọn thành viên tham gia tổ chức này. Các đơn từ khiếu nại cũng đã được chuyển đến tòa án.
Và mới đây, người đứng đầu Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, Tổng thống tạm quyền Hussein Tantawi tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo 18 đảng phái, thúc giục các bên đạt được một thỏa thuận.
Nhưng không có bất cứ tiến bộ nào xuất hiện, để có thể phá thế bế tắc. Thực ra, không hẳn là không có giải pháp. Các nhà phân tích chính trị chỉ ra rằng, ủy ban lập pháp hoàn toàn có thể bao gồm các luật sự, các nhà kỹ trị.
Và ai cũng hiểu rằng Ai Cập cần một bộ hiến pháp có thể tồn tại nhiều thập kỷ chứ không phải chỉ là tạm thời. Nhưng vấn đề là vẫn có những lực lượng không muốn chia sẻ quyền lực và lợi ích và tất nhiên là họ không nhượng bộ.
Điều đáng ngại là những chia rẽ trong bộ máy nhà nước ở Ai Cập hoàn toàn có thể dẫn tới xung đột xã hội. Sâu xa hơn, đây là xung đột của những người Hồi giáo và những người không muốn Ai Cập trở thành một nhà nước Hồi giáo.
Vậy nên, “mùa xuân Ảrập” đã tới nhưng cây có đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, đậu quả hay không lại là chuyện khác.