Xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng: Dừng hội ý vì xuất hiện tình tiết mới

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TPO - Tại tòa, nhân chứng khai không nhớ rõ các tài liệu liên quan hành vi phạm tội của những người nguyên là lãnh đạo tập đoàn Dầu khí. Có bị cáo khẳng định bản thân có chứng cứ ngoại phạm…  

Chiều 20/6, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để hội  do có tình tiết mới phát sinh. Sau đó, chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của kiểm sát viên và tiếp tục vào sáng nay (21/6).

Trước đó, 4 bị cáo nguyên là Thành viên HĐTV PVN và các nhân chứng là thư ký HĐTV có lời khai mâu thuẫn liên quan đến lần góp vốn thứ ba của PVN vào OceanBank.

Theo án sơ thẩm, OceanBank từng có văn bản đề nghị cổ đông là PVN hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào OceanBank tức PVN phải góp thêm 100 tỷ đồng trước ngày 15/5/2011. Lúc này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.

Ngày 12/5/2011, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN ký văn bản số 124 gửi HĐTV xin ý kiến về việc góp tiền vào OceanBank. Ngày 13/5/2011, các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức đồng ý; bị cáo Đinh La Thăng và 2 người khác không biểu quyết. 

Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Tổ trưởng tổ thư ký HĐTV ký báo cáo tuần thể hiện có 4/7 Thành viên HĐTV biểu quyết đồng ý tăng vốn điều lệ. Từ đó, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng ký nghị quyết chấp thuận tăng vốn điều lệ của OceanBank và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn ký quyết định góp thêm 100 tỷ đồng vào ngân hàng này, nâng số vốn của PVN tại OceanBank lên 800 tỷ đồng.

Tại tòa, bà Thủy Tiên khai, gửi kèm theo công văn 124 nói trên có tờ trình của TGĐ, công văn của OceanBank và dự thảo Nghị quyết (về việc góp vốn - PV) của HĐTV về việc góp vốn. Ngược lại, các cựu thành viên HĐTV đều khẳng định, ngoài văn bản 124, họ không nhận được dự thảo Nghị quyết của HĐTV.

Xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng: Dừng hội ý vì xuất hiện tình tiết mới ảnh 1

Bị cáo Phan Đình Đức trả lời HĐXX.

Bị cáo Phan Đình Đức còn khẳng định ngày 17/5/2011 mới nhận được văn bản 124 nói trên và ông ký vào chỉ để khẳng định đã xem, không có ý kiến chấp thuận hay không.

“Văn bản thể hiện thời hạn cho ý kiến cuối cùng là ngày 15/5 nhưng ngày 17/5 tôi mới nhận được… Tôi khẳng định không ký vào ngày 13 và tôi có chứng cứ ngoại phạm...” - ông Đức khai.

Chủ tọa hỏi: “Nếu bị cáo không ký (đồng ý), thì bị cáo Nguyễn Xuân Thắng ký nghị quyết 4266 (góp thêm 100 tỷ đồng) là vi phạm pháp luật, vì mới có 3/7 thành viên HĐTV đồng ý?”. Bị cáo Đức đáp: “Bị cáo ký để hoàn thành trách nhiệm khi nhận hồ sơ phải trả hồ sơ. Sự việc đã hết thời gian cho ý kiến thì không thể cho ý kiến được”.

Chủ tọa hỏi bà Thủy Tiên: “Khi thu hồi lại (các ý kiến của HĐTV), bà có nhận đủ ba tài liệu này không? Bà Thủy Tiên đáp: “Thời gian 7 năm rồi tôi không nhớ nữa. Khi thu hồi lại, tôi chuyển cho anh Lê Hải Ninh - chuyên viên giúp việc”.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng cho biết không nhớ việc này. Chủ tọa cho rằng đây là vấn đề liên quan đến trách nhiệm lưu giữ hồ sơ và yêu cầu đại diện PVN làm rõ vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.