Tư vấn giám sát cũng sai

Xử phạt Keangnam 235 triệu đồng

Xử phạt Keangnam 235 triệu đồng
Sau một tháng thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) tại Tổ hợp công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower (Keangnam), mới đây, Đoàn thanh tra của TP.Hà Nội có kết luận thanh tra, ra quyết định xử phạt tổng số tiền 235 triệu đồng.

Nguyên nhân của việc TP.Hà Nội phải thành lập đoàn thanh tra là do trước đó, từ tháng 7 - 2009 tới tháng 2 - 2010, tại công trình toà nhà cao nhất Việt Nam này đã liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm sáu người chết và ba người bị thương.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra, tại thời điểm thanh tra, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng làm việc, thi công tại công trình như nhà thầu chính (Cty TNHH Keangnam Enterprises, Hàn Quốc), đơn vị tư vấn giám sát (Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam – IBST), 24 nhà thầu phụ có hợp đồng kinh tế trực tiếp với nhà thầu chính và khoảng 50 nhà thầu khác, ký hợp đồng thi công, cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ khác với các nhà thầu phụ.

Cũng tại thời điểm thanh tra, số cán bộ, lao động làm việc tại công trình mỗi ngày khoảng 3.500 người, trong đó 198 người nước ngoài (chủ yếu là người Hàn Quốc) và trên dưới 3.300 người Việt Nam, làm việc ba ca.

Theo bà Nguyễn Thị Phúc, Trưởng đoàn thanh tra, kết quả thanh tra cho thấy nhà thầu chính chưa tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về ATLĐ, cụ thể như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình, thiếu phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát (IBST) để kiểm soát ATLĐ. Bộ máy chuyên trách an toàn của nhà thấu chính chưa đủ để giám sát 25 đầu công việc, không kiểm soát được chất lượng lao động.

Ngoài ra, nhà thầu chính không thực hiện báo cáo định kỳ về TNLĐ cho cơ quan chức năng: Các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại công trình đều không được báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời tới thanh tra lao động (Sở LĐTBXH).

Tư vấn giám sát cũng sai

Đối với đơn vị tư vấn giám sát IBST, Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm như số cán bộ được cử giám sát công trình chưa có đủ chứng chỉ hành nghề, chưa kịp thời phát hiện một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không có phiếu kết quả kiểm định.

Qua kiểm tra, có tới 12/42 thiết bị chưa có phiếu kết quả kiểm định. Cả 42 thiết bị này đều chưa đăng ký với Sở LĐTBXH. Cán bộ tư vấn giám sát thiếu kiểm tra, yêu cầu các nhà thầu trang bị đủ phương tiện bảo vệ cho người lao động.

Qua kiểm tra lao động của các nhà thầu phụ, đoàn nhận thấy, đa số các nhà thầu không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Các nhà thầu (có trụ sở, chi nhánh đóng tại HN) chưa báo cáo định kỳ TNLĐ với Sở LĐTBXH, không lập sổ thống kê TNLĐ. Quy trình xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng chưa được thực hiện đúng theo quy định...

Với những hành vi vi phạm ATLĐ của 15 nhà thầu tại công trình toà nhà Keangnam, đoàn thanh tra đã xử phạt với tổng số tiền là 235 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Giám đốc Sở LĐBTXH TP.Hà Nội, trưởng đoàn thanh tra - nhận định: Một nguy cơ tiềm ẩn gây ra các TNLĐ tại công trình này là tỉ trọng lao động qua đào tạo của các thầu phụ, thầu phụ con của Việt Nam rất thấp (dưới 30%).

Tình trạng tuyển, sử dụng lao động ở các địa phương chưa có nghề là khá phổ biến nên người lao động hạn chế về trình độ, kinh nghiệm. Khả năng thích nghi của lao động Việt Nam với điều kiện tổ chức thi công công trình do người nước ngoài quản lý, điều hành cũng kém do bất đồng về ngôn ngữ.

Đoàn thanh tra cũng kết luận, vụ TNLĐ xảy ra ngày 22 - 2 - 2010 khiến kỹ sư Vũ Văn Lâm tử nạn có một phần trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát IBST trong việc kiểm tra biện pháp an toàn và giám sát thi công lắp dựng cốp pha vách vào ngày 10 - 2 - 2010, do chi nhánh Cty Cofico thực hiện.

Cụ thể, công nhân đã lắp dựng chống tạm tấm cốp pha, chưa néo gông chắc chắn, sau đó nghỉ tết 12 ngày. Đến ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tấm cốp pha đã đổ đè lên người kỹ sư Lâm gây tai nạn chết người.

Theo Hải Phong
Lao Động

MỚI - NÓNG