Xử lý xe dù, bến lậu tại TP.HCM: Có hay không việc “trên bảo dưới không nghe”?

Nếu không kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến lậu” thì hậu quả sẽ rất lớn, trật tự vận tải trong cả nước sẽ bị phá vỡ nghiêm trọng và không loại trừ nhiều cán bộ sẽ hư hỏng vì “bảo kê” cho vi phạm.

Chỉ đạo quyết liệt

Gần đây, vấn nạn “xe dù, bến cóc” đang trở thành vấn đề nóng trong xã hội và đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo kiên quyết xử lý.

Xử lý xe dù, bến lậu tại TP.HCM: Có hay không việc “trên bảo dưới không nghe”? ảnh 1

Bến xe Thành Bưởi hoạt động trên khu đất thuê lại của CTCP Giày Sài Gòn. Ảnh: Tấn Lợi

Tháng 7/2016, sau khi nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM viết đơn kiến nghị về việc xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc” nhằm lập lại môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, tránh tình trạng “xe dù” trốn các loại thuế, phí, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời gây mất trật tự an toàn giao thông. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.

Trước thực trạng nhức nhối của xe khách trá hình, xe dù, bến lậu ở thành phố lớn nhất đất nước, gây bức xúc dư luận suốt nhiều năm qua và đặc biệt là gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông. Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn.

Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự giao thông 7 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo kiên quyết: “Yêu cầu Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm bến cóc, xe dù trên địa bàn thành phố nhất là bến xe trái phép đang hoạt động ở Q.10 mà Công ty Giày Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê trái phép, phải dẹp ngay trong tháng 8".

Giám đốc Sở GTVT cũng đã thừa nhận bến xe ở số 1 Vĩnh Viễn, Q.10 là bến lậu, đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết dẹp ngay trong tháng 8/2016. Thế nhưng đến nay, bến lậu này vẫn ngang nhiên hoạt động.

“Không thực hiện vì còn nhiều lý do khác?

Ngày 14/9, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM có Văn bản số 945/TTS-TMTH gửi Chánh Thanh tra Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ chuyên ngành để xử lý hành vi vi phạm “Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại số 1 Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM.

Xử lý xe dù, bến lậu tại TP.HCM: Có hay không việc “trên bảo dưới không nghe”? ảnh 2

Bến xe số 1, Vĩnh Viễn vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức dư luận và "phớt lờ" ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Tấn Lợi

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Sanh, Chuyên gia về GTVT cho rằng: “Việc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xin ý kiến cấp trên về việc xử lý bến lậu tại số 1 Vĩnh Viễn, Q.10 là nhằm đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian xử lý vi phạm đồng thời đổ lỗi cho sự chậm trễ xử lý bến lậu này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND và cam kết của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM (phải dẹp xong trong tháng 8/2016), là do còn phải xin ý kiến cấp trên!".

“Thật vô lý, khi Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho rằng, do nhận thức pháp luật chưa thống nhất trong nội bộ đơn vị và một số cơ quan nên phải xin ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT. Đây là điều vô lý, không chấp nhận được bởi một cơ quan chuyên ngành về GTVT cấp Sở mà lại nhận thức về pháp luật chưa thống nhất?”, ông Sanh cho biết thêm.

Việc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM không xử lý nổi một bến xe lậu rất quy mô, nằm sát trụ sở của mình không có giấy phép hoạt động bến bãi, không đúng quy hoạch, đón trả khách trái phép, xác nhận đặt chỗ cho xe hợp đồng trá hình chở khách theo tuyến cố định... diễn ra rất công khai, ai cũng có thể nhận ra và báo chí đã nhiều lần phản ảnh nhưng Thanh tra Sở GTVT nói là không có chứng cứ cụ thể để xử lý... thì quá lạ!

Trong khi đó, UBND Q.10 là đơn vị chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành đã khẳng định rõ hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe tại số 1 Vĩnh Viễn là trái pháp luật, không nằm trong quy hoạch và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Xử lý xe dù, bến lậu tại TP.HCM: Có hay không việc “trên bảo dưới không nghe”? ảnh 3

CTCP Giày Sài Gòn cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê lại phần diện tích đất để làm làm địa điểm kinh doanh là hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai.

Xử lý xe dù, bến lậu tại TP.HCM: Có hay không việc “trên bảo dưới không nghe”? ảnh 4

Với hành vi vi phạm trên, CTCP Giày Sài Gòn đã bị UBND Q.10 "tuýt còi" và yêu cầu bến xe Thành Bưởi ngừng hoạt động. Ảnh: Tấn Lợi

Tại Văn bản số 12299/SGTVT-VTĐB ngày 12/9/2016 của Sở GTVT do Phó Giám đốc Lê Hoàng Minh ký, gửi UBND TP.HCM báo cáo, đề xuất giải quyết tình trạng “xe khách trá hình, bến xe khách lậu” trên địa bàn thành phố đã đổ lỗi cho việc xử lý “xe dù, bến lậu” có trách nhiệm của UBND các cấp và cảnh sát giao thông, cho rằng trong thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền chưa có sự phối hợp đồng bộ với nhau để kiểm tra, xử lý.

Văn bản trên còn đổ lỗi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) “dễ dãi” khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kiểm tra điều kiện hoạt động, nên sau khi cấp thì một số vị trí này lập tức trở thành “bến cóc”. Như vậy là Sở GTVT cố tình “quên” trách nhiệm của mình, bởi theo quy định thì Sở KH-ĐT chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, còn Sở GTVT phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải (vì kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT).

Có thể nói, việc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM nêu lý do khó xử lý “xe dù, bến lậu” trên địa bàn nói chung và bến xe khách lậu tại số 1 Vĩnh Viễn, Q.10 nói riêng, đang khiến dư luận cùng nhiều nhà xe làm ăn chân chính rất bất bình, bức xúc.

Nhiều chuyên gia về GTVT và đại diện các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, tránh những dư luận cho rằng có sự “bảo kê” cho xe dù, bến lậu. Cần có sự vào cuộc của Bộ GTVT, Bộ Công an, lãnh đạo UBND TP.HCM tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của các nhà xe có dấu hiệu vi phạm, trước hết là nhà xe Thành Bưởi và bến lậu ở số 1 Vĩnh Viễn để xử lý những vi phạm (nếu có). Làm rõ việc có sự dung túng, bao che cho xe dù, bến lậu như đơn thư phản ánh, tố cáo hay không và trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc để xe dù, bến lậu lộng hành. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cần xem xét, xử lý nghiêm việc cho thuê đất trái phép để lập bãi đỗ xe, bến lậu ở số 1 Vĩnh Viễn, Q.10.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Sanh, vấn nạn “xe dù, bến lậu” trên địa bàn TP.HCM  là quá rõ ràng, gây bức xúc dư luận suốt nhiều năm qua. Nếu không kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến lậu” thì hậu quả sẽ rất lớn, trật tự vận tải trong cả nước sẽ bị phá vỡ nghiêm trọng và không loại trừ nhiều cán bộ sẽ hư hỏng vì “bảo kê” cho vi phạm.   

Theo Theo Người tiêu dùng
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.