> Thu hồi 36 nhà siêu mỏng tốn 450 tỷ đồng
> Những kiểu nhà 'quái dị' giữa Hà Nội
Ông Trần Ngọc Hùng đánh giá, trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch Đô thị đều có quy định rõ và khẳng định tầm quan trọng việc xây dựng đô thị theo quy hoạch, nhằm cải thiện bộ mặt đô thị và điều kiện sống của người dân.
Tuy nhiên, tại nhiều đô thị còn tình trạng phát triển không theo quy hoạch; xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; vi phạm mật độ sử dụng đất, mật độ xây dựng… gây nhiều hậu quả và bức xúc cho nhân dân.
“Để xảy ra tình trạng trên là do công tác xây dựng quy hoạch còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Từ đó dẫn tới hiện tượng xin - cho, chạy dự án, thay đổi quy hoạch…”, ông Hùng nói.
Ông cũng dẫn chứng hàng loạt nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM xây dựng với mật độ dày đặc, nhấp nhô, khấp khểnh (như các khách sạn lớn: Melia, Hanoi Tower, tòa nhà Vietcombank Tower… ngay trung tâm Hà Nội).
Theo ông Hùng, phải chăng có một phần nào đó thể hiện nhóm lợi ích trong việc xin - cho, khi nhiều chủ trương đúng đắn không được thực hiện nghiêm. Điển hình là việc di dời nhà máy, trường học, bệnh viện, công sở ra ngoại thành, nhưng thay vào đó lại là các công trình mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư.
Công tác quản lý xây dựng lỏng lẻo dẫn tới vi phạm, như hàng nghìn nhà dân, chung cư mini cao tầng sai phép bị bỏ qua, phạt cho tồn tại, “lệ ngoài cao hơn phạt trong”, ông Hùng nói.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh khẳng định: “Bộ Xây dựng đã và đang từng bước xây dựng hoàn chỉnh các quy định pháp luật, với mục tiêu cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính”. Đề xuất giải pháp, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần thay đổi cách thức quản lý hiện nay.