Xử lý trách nhiệm ông độc quyền

Xử lý trách nhiệm ông độc quyền
TP - Lần đầu tiên, một cơ quan lãnh đạo cao nhất của một tỉnh (Tỉnh ủy Khánh Hòa) có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét trách nhiệm trong việc cung ứng điện của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

>> Lúa chết khô vì thiếu điện
>> Vì sao hay mất điện
>> Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân

 
Xử lý trách nhiệm ông độc quyền ảnh 1

Cúp điện đã gây thiệt hại lớn cho thương hiệu du lịch của Khánh Hòa. Ảnh: Vfej.vn

Lý do mà Tỉnh ủy Khánh hòa đưa ra là tỉnh này liên tiếp bị cúp điện, khiến du khách kêu trời ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho thương hiệu du lịch tỉnh nhà. Sự kiện này nói lên điều gì?

Lâu nay, tiếng EVN là một doanh nghiệp, nhưng nhìn vào cơ cấu tổ chức của EVN, nó thực sự là siêu doanh nghiệp: Vừa thực hiện chức năng kinh doanh, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước khi thực hiện việc phân phối điện, xử phạt vi phạm... Nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện, về hình thức, do Bộ Công Thương đảm trách, nhưng thực tế gần như Bộ Công Thương khó can thiệp vào những hoạt động của EVN. Bằng chứng là, năm 2009, Bộ Công Thương đã thất bại trong nỗ lực tái thiết ngành điện do bị EVN phản đối.

Hồi đó, nhằm phá thế độc quyền của EVN, xây dựng thị trường điện cạnh tranh thực sự, Bộ Công Thương đề xuất phương án “Tái thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện” theo hướng: Gom các nhà máy phát điện thuộc EVN để thành lập một số tổng Cty phát điện có tổng công suất mỗi đơn vị đến 2015 là từ 7.000 MW đến 8.000 MW với tổng vốn đạt khoảng 150.000 tỷ đồng mỗi đơn vị; Tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), Tổng Cty Truyền tải Điện quốc gia ra khỏi EVN thành Tổng Cty hoặc Cty điều độ hệ thống điện quốc gia ra hoạt động độc lập; Hợp nhất các công ty điện lực của EVN thành năm tổng công ty điện lực trực thuộc EVN.

 
Xử lý trách nhiệm ông độc quyền ảnh 2

Tình trạng cắt điện đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và sinh hoạt Ảnh: AT

Theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Công Thương là tiến bộ, bởi chỉ có như vậy mới xây dựng được thị trường điện cạnh tranh thực thụ ở Việt Nam, chứ không phải kiểu thị trường cạnh tranh nửa vời như hiện nay (hiện doanh nghiệp ngoài EVN mới chỉ có thể tham gia xây dựng tạo nguồn điện, toàn bộ các khâu khác vẫn do EVN nắm).

Tuy nhiên, đề xuất trên lập tức bị ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, phản đối, vì cho rằng các phương án đề xuất của Bộ không phù hợp, dẫn đến khả năng thu hẹp EVN, khiến tập đoàn này không còn là tập đoàn kinh tế mạnh như chủ trương của Nhà nước. Sau phản đối này, người ta không thấy các cơ quan bàn bạc tới chuyện phá thế độc quyền của ông EVN nữa.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh điện đóm chập chờn, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền của EVN là cần thiết. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, nếu thị trường điện cạnh tranh được thành lập thì chúng ta không phải chịu cảnh giá điện cứ tăng mà có lúc sẽ phải giảm (từ xưa đến nay giá điện ở Việt Nam chỉ tăng, không giảm). Và quan trọng hơn, nguồn điện sẽ được cung ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển đất nước.

Nhưng với thực tế hiện nay, chắc chưa thể xây dựng thị trường điện cạnh tranh ngày một ngày hai. Bởi thế, việc đòi hỏi xử lý trách nhiệm lãnh đạo EVN của Tỉnh ủy Khánh Hòa là rất cần thiết. Thực tế, lợi nhuận làm ra của EVN làm sao sánh với những thiệt hại của nền kinh tế do cắt điện gây ra. Dư luận đang chờ câu trả lời.

MỚI - NÓNG