Xử lý taxi 'dù' ở TPHCM: Bắt cóc bỏ đĩa

Xử lý taxi 'dù' ở TPHCM: Bắt cóc bỏ đĩa
TP - Dù lực lượng liên ngành liên tục tuần tra, xử lý, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm ra quân xử phạt nhưng tình trạng taxi “dù”, taxi “nhái” trên địa bàn TPHCM vẫn không giảm, khiến hành khách bị móc túi, doanh nghiệp kinh doanh chân chính kêu trời.

> Phạt không xuể taxi vi phạm 

7 km đòi 400 USD

Tình trạng xe taxi “dù” nhái thương hiệu các hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun để lừa hành khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài ở TPHCM diễn ra khá phổ biến.

Đơn cử như ngày 13-5, 3 hành khách Malaysia trực tiếp đến trụ sở hãng taxi Mai Linh để phản ánh việc bị thu tiền cước quá cao. Họ cho biết, sáng 10-5 đón xe taxi 4 chỗ có logo M. taxi Group đi từ chợ Bến Thành đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và bị lái xe đòi hơn 400 USD, sau đó giảm xuống còn 4 triệu đồng, trong khi quãng đường trên chỉ dài hơn 7km.

Sau khi được phản ánh, đại diện hãng Mai Linh đã cùng nạn nhân đến “hiện trường”, thì phát hiện “nghi can” là một taxi nhái nhãn hiệu Mai Linh. Tài xế chiếc xe trên còn hành hung, đuổi đánh các nhân viên Mai Linh và du khách. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Mai Linh, việc du khách tìm đến hãng, phản ánh chuyện bị taxi nhái “chặt chém” ngày càng nhiều. Mai Linh đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng giải quyết nhưng những taxi nhái này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ngoài hãng Mai Linh, Cty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun) cũng vừa cử nhân viên đi điều tra những taxi “dù” nhái nhãn hiệu Vinasun, rồi gửi toàn bộ hồ sơ nhờ Sở GTVT can thiệp.

Theo Hiệp hội taxi TPHCM, hiện trên địa bàn có trên 2.000 taxi “dù” đang hoạt động và số này đang tiếp tục tăng lên. Taxi “dù” có... 1.001 kiểu nhái song chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký kinh doanh, được dán tem lưu hành và phù hiệu taxi do Sở GTVT cấp, song lại nhái hộp đèn và số điện thoại của các thương hiệu taxi lớn.

Loại thứ hai là xe của các cá nhân, không đăng ký kinh doanh, trên xe không có bộ đàm và đồng hồ cước như xe chính hãng. Đối với loại xe hoạt động tự do này, hộp đèn và logo thường được gắn tạm thời vào thân xe bằng nam châm, lúc cần có thể gỡ ra dễ dàng, ngay lập tức trở thành xe nhà.

Ngoài ra, gần đây xuất hiện một kiểu taxi nhái rất tinh vi. Đó là các tài xế từng làm việc trong các hãng lớn sau khi nghỉ việc đã thuê, mua xe và hành nghề riêng lẻ, họ nắm được các đặc điểm của xe chính hãng nên nhái xe rất giống (một số xe nhái còn bắt được tần số bộ đàm của hãng). Các loại xe nhái này hoạt động chủ yếu ở các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chợ Bến Thành, bến tàu cánh ngầm và một số tuyến đường trung tâm thành phố.

Nộp phạt rồi… chạy tiếp

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, lực lượng thanh tra giao thông vẫn thường xuyên ra quân dẹp taxi “dù”. Điểm taxi “dù” lộng hành nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua cũng được liên tục kiểm tra.

Trong năm 2009, thanh tra đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Việt, do quy định xử phạt đối với taxi nhái còn quá nhẹ (từ 2,5-3 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe. Các tài xế trực tiếp xuống xe bắt khách hoặc qua cò đưa khách ra tận xe, nếu không bắt quả tang được rất khó xử phạt. Kể cả khi bị bắt quả tang, lái xe taxi “dù” chỉ cần nộp phạt xong lại cho xe... chạy tiếp.

Một thực tế khác, hiện nhiều HTX vận tải không còn quản lý được đội ngũ xã viên của mình. Các chủ xe chỉ cần nộp từ 50.000-70.000 đồng/tháng phí quản lý cho HTX để được cấp phù hiệu taxi, sau đó định kỳ 6 tháng mới quay về lấy giấy giới thiệu đưa xe đi xét lưu hành. Tình trạng trên góp phần làm taxi nhái, taxi “dù” ngày càng “loạn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.