Xử lý tài sản không giải trình được: Phạt, đánh thuế hay...?

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: PV.
Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: PV.
TP - Trong khi phương án truy thu thuế 45% còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa đề xuất thêm phương án xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được về tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý. Mức phạt tương đương với 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cần thiết sẽ sửa luật thuế

Ban soạn thảo dự án Luật PCTN sửa đổi vừa tiến hành phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Phương án này nhận được nhiều quan điểm khác nhau từ các bộ.

Tỏ ra không đồng tình, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, quan điểm của Bộ Tư pháp là phải hết sức thận trọng đối với việc đánh thuế 45%. “Qua rà soát, Luật Thuế thu nhập cá nhân không có khoản đó. Tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì không phải đối tượng để chịu thuế. Nếu chúng ta cứ gán vào để chịu thuế thì khiên cưỡng”, ông Dũng nêu.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng tỏ ra băn khoăn vì có khả năng một tài sản bị đánh thuế đến hai lần. Ông Dũng nêu ví dụ: Tôi mua nhà 10 tỷ và đã chịu thuế một lần rồi, anh bán cho tôi cũng đã chịu thuế một lần rồi. Bây giờ nói cái nhà đó không kê khai, nên lại bị đánh thuế thêm một lần nữa. Như vậy, cái nhà đó bị đánh thuế hai lần.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng, với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc thì phải truy thu vào ngân sách nhà nước. Ông đề nghị phải thiết kế làm sao để không trùng vào luật thuế, không phải là truy thu thuế thu nhập cá nhân và xử lý vi phạm hành chính về thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đồng ý với phương án truy thu thuế ban soạn thảo đưa ra. Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, cần coi đây là biện pháp phòng ngừa, mang tính răn đe. Nếu không có biện pháp mạnh thì có khả năng lại trở về con số 0, vì để xác minh tính hợp pháp, nguồn gốc tài sản, thu nhập rất khó trong bối cảnh sử dụng tiền mặt như hiện nay. Cũng theo ông Tuyến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhất trí với phương án truy thu thuế. Còn trường hợp luật thuế chưa quy định, thì sau khi Quốc hội thông qua luật này thì sẽ sửa luật thuế.

Phạt hành chính và truy thu thuế đều chưa thỏa đáng?

Theo Thanh tra Chính phủ, để giải quyết vấn đề phức tạp này, ban soạn thảo đề xuất thêm phương án mới là xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp qua xác minh, kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương đương với 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) lại cho rằng, cả hai phương án trên đều “chưa thỏa mãn”. Ông Công phân tích, nếu kê khai không trung thực nhưng nguồn gốc tài sản hợp pháp thì đó là vi phạm luật cán bộ, công chức và có thể bị kỷ luật. Cho nên, áp dụng biện pháp kinh tế bằng con đường truy thu thuế hay xử phạt hành chính để đánh vào vi phạm của cán bộ, công chức thì không đúng bản chất của vấn đề.

Còn trường hợp vừa kê khai không trung thực, vừa có nguồn gốc không hợp pháp, theo ông Công, nếu thu 45% trước, rồi thu 55% sau thì lại làm tăng thêm các thủ tục. “Nếu chưa thể xác minh tài sản đó là hợp pháp hay không hợp pháp thì áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên theo quy định. Sau đó chứng minh, nếu nó không hợp pháp thì thu hồi toàn bộ”, ông Công đề xuất.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa thích hợp. Còn phương án xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền thì chưa thể hiện được thái độ của nhà nước đối với loại tài sản này. Chưa kể còn mâu thuẫn với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; vi phạm nguyên tắc không xử lý 2 lần đối với cùng một hành vi…

Từ phân tích trên, Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh. Đây được coi là một mức thuế suất “đặc biệt” thuộc biểu thuế toàn phần. Mức thuế suất này cũng tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% và tiền phạt từ 1 – 3 lần số tiền thuế trốn theo quy định.

Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định việc truy thu thuế nêu trên không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, quy định này tránh cách hiểu rằng, phương án trên vô hình chung đã hợp pháp hóa 55% số tiền còn lại hoặc trái với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Việc thu thuế này chỉ được áp dụng khi đã được xác minh, kết luận.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, ban soạn thảo thống nhất đề xuất Chính phủ trình hai phương án truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính để Quốc hội cho ý kiến.

“Cả hai phương án trên đều chưa thỏa mãn. Nếu chưa thể xác minh tài sản đó là hợp pháp hay không hợp pháp thì áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên theo quy định. Sau đó chứng minh, nếu không hợp pháp thì thu hồi toàn bộ”,

Ông Nguyễn Chí Công,

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học

“Nếu chúng ta không có biện pháp mạnh thế này thì rất có khả năng lại trở về con số 0, vì để xác minh tính hợp pháp, nguồn gốc tài sản, thu nhập rất khó trong bối cảnh sử dụng tiền mặt như hiện nay”.

Ông Đặng Ngọc Tuyến,

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính

“Cần phải thiết kế làm sao để không trùng vào luật thuế, không phải là truy thu thuế thu nhập cá nhân và xử lý vi phạm hành chính về thuế thu nhập cá nhân”.

            Phó Tổng Kiểm toán

Nhà nước Vũ Văn Họa

3 phương thức xử lý tài sản không giải trình được

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý được thực hiện theo 3 phương thức chính, bao gồm:

- Xử lý thông qua bản án hình sự của tòa án (tội phạm hóa hành vi kê khai không trung thực và hành vi chiếm giữ tài sản, thu nhập mà không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý);

- Thông qua trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự chứng minh tài sản, thu nhập không thuộc về người kê khai);

- Xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập thông qua quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền) hoặc các công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý).

MỚI - NÓNG