Xử lý nhóm lợi ích, sân sau

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại hội nghị.
TP - “Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 29/6.

Tham dự hội nghị còn có Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị lần này nhằm quán triệt, cung cấp thêm và giúp lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan trung ương, tất cả các địa phương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. Đồng thời vận dụng các mục tiêu, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Trong đó phải đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã nêu trong nghị quyết và hướng dẫn của trung ương. Qua đó, cần chú trọng thống nhất nhận thức và các nội dung cốt lõi của nghị quyết. Trong đó khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN lần này được hoàn thiện và nói rõ hơn để có nhận thức đầy đủ.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.

Hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ của toàn hệ thống chính trị. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đối với Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. “Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển

Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý đến việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện các nghị quyết phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết khác của trung ương. Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thực sự hành động, đoàn kết, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với các cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

“Để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu nội dung cơ bản về 3 nghị quyết: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.