Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn:

Xử lý hóa chất mà không gom nước thải, bao nhiêu tiền đổ vào sông Tô Lịch?

Chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm cải tạo 1 đoạn sông Tô Lịch.
Chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm cải tạo 1 đoạn sông Tô Lịch.
TPO - “Như vấn đề xử lý sông Tô Lịch. Rõ ràng dùng hóa chất xử lý mà không gom lại nước thải để xử lý thì không biết đổ bao nhiêu tiền vào đó được”, Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn nói.

Sáng 18/7, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị Giao ban công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, cứ 10 vấn đề dư luận quan tâm thì có 2 – 3 vấn đề liên quan đến khoa giáo. Vì vậy, cần thường xuyên có trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin cho hệ thống chính trị và xã hội để có định hướng và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nói về vấn đề xử lý rác thải của Hà Nội, ông Phong cho rằng, không đơn thuần chỉ là vấn đề môi trường, kinh tế xã hội, mà thực chất đã là vấn đề an ninh.

“Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải vô cùng khó khăn, ở địa phương nào cũng vướng chứ không chỉ thành phố lớn. Chúng tôi ví von, làm sân bay có thể lựa chọn vị trí khác, xây một cây cầu có thể lựa chọn vị trí khác nhưng mà bãi rác thì gần như là duy nhất, chỉ trên nền mở rộng hoặc thay đổi công nghệ của các bãi rác cũ thì mới làm được”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, vấn đề này cần có sự quan tâm đặc biệt hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế, chính sách nhiều khi còn vướng mắc. Như thực tế ở Sóc Sơn, nơi có bãi rác lớn nhất miền Bắc, có những chính sách 20 năm nay chưa giải quyết cho người dân.

“Cho nên câu chuyện người dân còn chặn xe chở rác, xử lý không dễ dàng. Có những hệ thống chính sách thuộc về địa phương, nhưng cũng có những hệ thống chính sách cần sự đồng bộ của bộ, ngành T.Ư. Nếu không giải quyết, vấn đề môi trường sẽ thành vấn đề xã hội, vấn đề an ninh, tạo ra những hệ lụy rất lớn, thành tiền lệ cho những diễn biến khác”, ông Phong nói thêm.

Trong khi đó, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, TPHCM cũng gặp vấn đề trong xử lý rác thải. Như cuối năm 2018, thành phố đã triển khai cuộc vận động, kêu gọi người dân không xả rác ra đường, giữ môi trường sạch, đồng thời tích cực tuyên truyền việc phân loại rác, hạn chế rác thải nhựa.

“Nhưng đây thực sự là vấn đề không dễ, bởi vì ý thức, thói quen của người dân. Không chỉ cấp ủy, chính quyền địa phương, mà cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành. Làm sao có giải pháp thiết thực hơn, để người dân tham gia vào quá trình này. Nếu chỉ có cơ quan quản lý nhà nước không thì không tác động với người dân. Trong khi đó, sự tham gia hưởng ứng của người dân mới đem lại kết quả thực sự”, bà Hoài nói.

Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị, cần ưu tiên chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường. Theo thông tin ông Sơn nắm được, các địa phương đều nói rằng, khiếu kiện về môi trường đang đứng thứ hai, chỉ sau khiếu kiện về đất đai.

“Rõ ràng vấn đề môi trường không đơn thuần chỉ là vấn đề xã hội mà là vấn đề chính trị, trong đó, có vấn đề xử lý rác thải”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn chỉ ra một thực tế, như TPHCM có chương trình phân loại rác thải, nhưng cuối cùng không đi đến đâu bởi rác thải sau khi phân loại xong thì... không biết xử lý thế nào. Nhiều địa phương cũng đang xây dựng các lò đốt rác, tốn rất nhiều tiền, nhưng không phân loại rác thì ... tốn tiền mà còn ô nhiễm hơn.

“Như vấn đề xử lý sông Tô Lịch. Rõ ràng dùng hóa chất xử lý mà không gom lại nước thải để xử lý thì không biết đổ bao nhiêu tiền vào đó được. Vấn đề môi trường cấp thiết, nhưng cũng phải xem xét tính đồng bộ. Chứ xử lý ngọn của vấn đề thì vừa tốn kém, vừa không đảm bảo đạt được kết quả”, ông Sơn nói thêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.