Luật quy định các hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp, như quản lý, sử dụng vốn nhà nước không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát...
Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định và có hành vi vi phạm để xảy ra lãng phí có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của chủ sở hữu, cơ quan thanh tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật; tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì cũng có trách nhiệm giải trình, tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách và có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu.
Tùy theo mức độ cũng bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ được xem xét giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí.
Việc sử dụng phương tiện đi lại của cơ quan, tổ chức phải đúng mục đích, đối tượng và không vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại theo các phương thức: Trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ, địa bàn, ngành nghề công tác; Thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp dịch vụ để phục vụ công việc; Khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại.
Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành chỉ được thực hiện đối với các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2014.