Theo ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã làm việc với TAND Cấp cao và thống nhất: từ ngày 1/1/2018, khi Luật hình sự mới có hiệu lực sẽ chuyển hồ sơ và hình sự hóa tội danh trốn đóng BHXH. Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN ở các tỉnh, thành là hơn 16,6 nghìn tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tổng số tiền nợ BHXH là hơn 11,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,8% tổng số tiền nợ. “Nợ BHXH là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động, tước đi quyền lợi chính đáng của người lao động. Việc hình sự hóa tội danh này là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”, ông Đại cho biết.
Cũng theo số liệu từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2017, sau 9 năm triển khai (từ năm 2008), tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 220 nghìn người. Trong khi theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2020, 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
“Con số 220 nghìn người đóng BHXH tự nguyện là rất thấp, với mức tăng như vậy, khó có thể thực hiện mục tiêu 50% người lao động đóng BHXH vào năm 2020. Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Sắp tới đây, từ ngày 1/1/2018, khi Luật BHXH mới có hiệu lực, khi người lao động được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện được kì vọng sẽ tăng nhanh”, ông Nguyễn Trí Đại cho biết thêm.