> Trần Đăng Khoa: 'Chống tham nhũng xem ra chả khó'
> Khâu giám sát phát hiện xử lý tham nhũng còn thiếu chặt chẽ
> Quốc tế giúp Việt Nam chống tham nhũng cấp địa phương
Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đắk Lắk (38 người), Cao Bằng (31 người)…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11, sáng 6-12. Ảnh: L.D
Thông tin trên được Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết tại cuộc Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 mang chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương – thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 6-12, tại Hà Nội.
Tại cuộc Đối thoại, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay: tiến triển của công tác phòng chống tham nhũng kể từ cuộc đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 10 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng đã có nhiều tiến bộ. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kềm chế. Quyết tâm của Việt Nam trong PCTN tiếp tục được khẳng định qua sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
“Thông qua hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 132 tỷ đồng và đã kiến nghị xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự theo đúng mức độ vi phạm pháp luật. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm đã phát hiện, khởi tố 222 vụ, 469 bị can, thu hồi nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng”- ông Hùng cung cấp thông tin.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, bên cạnh những kết quả tích cực, song công tác PCTN tại địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được bổ sung; công khai, minh bạch, dân chủ trên một số mặt hoạt động còn hạn chế (nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý thu chi ngân sách)…
Để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng, ngoài các giải pháp có tính đồng bộ, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Tăng cường, phát huy mạnh mẽ vai trò phát hiện, giám sát của nhân dân, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của báo chí và mỗi đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo Đại sứ Vương quốc Anh Antony Stokes đánh giá, năm 2012, Việt Nam đã có 3 bước phát triển lớn: sửa đổi Luật PCTN; phân tích, nghiên cứu và tích cực xuất bản các báo cáo về PCTN; các nhà lãnh đạo địa phương cũng cam kết hành động để PCTN. Vị Đại sứ này cũng cho rằng, nên cạnh những thành công thì căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nặng nề cho nên cần phải có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo địa phương cũng cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để PCTN nhất là trong lĩnh vực công.
Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ, ĐSQ các nước và đại biểu quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tập trung làm rõ thực trạng, nhất là những mặt còn yếu kém, từ đó đề xuất giải pháp gắn với đặc thù của công tác PCTN ở địa phương. “Mọi lý thuyết đều là màu xám nên thực tiễn luôn là tiêu chuẩn kiểm định chân lý. Vì thế những điển hình thành công luôn có tính thuyết phục cao. Các cơ quan chức năng, các địa phương cần nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm, xem xét khả năng vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đối với những điển hình tốt của các địa phương, cần có sự đánh giá từ đó xây dựng mô hình chuẩn để triển khai nhân rộng trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.