Ngăn chặn “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”
Đề cập việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được thì tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Ông thấy sao về điều này?
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng tập trung vào ba vấn đề, nhưng cả ba vấn đề đều gắn với công tác cán bộ. Cán bộ chính là vấn đề then chốt của then chốt, là cái gốc của mọi công việc. Do vậy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thực chất là đi vào đột phá về công tác cán bộ.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 từ năm 2012 đến nay, phải khẳng định chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, kiên quyết trong việc xử lý cán bộ. Đến năm 2014, khoảng 54 nghìn cán bộ các cấp đã bị xử lý, đây là một con số không hề nhỏ. Rồi những vụ án lớn, trọng điểm được khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử như vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, rồi gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh… đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta.
Nhưng đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những tồn tại đòi hỏi sự quyết tâm hơn nữa, nhất là vấn đề cán bộ. Ngăn chặn tiêu cực trong cán bộ cũng là đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí - hai lĩnh vực này vẫn chưa được đầy lùi, ngăn chặn.
Bây giờ lại nổi lên một số vấn đề nữa trong công tác cán bộ, điển hình là sự chi phối bởi những quan điểm rất nặng nề, như: “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, gắn với lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu. Từ đó dẫn đến hiện tượng con cháu, người nhà vào bộ máy lãnh đạo ở nhiều nơi mà báo chí đã phát hiện, nêu ra trong thời gian qua.
Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã trong nước và quốc tế.
Theo ông, phải làm thế nào để ngăn chặn tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bét trí tuệ”?
Phải vào cuộc, ngăn chặn bằng những biện pháp quyết liệt mới mang lại hiệu quả, còn nếu chỉ kêu gọi thôi sẽ không thành công. Muốn làm được điều này phải chỉ rõ địa chỉ, rồi xác định rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như vụ Trịnh Xuân Thanh, giờ phải đi vào từng địa chỉ cụ thể chứ không thể chung chung, và phải xử lý đến nơi đến chốn. Có như vậy mới góp phần khắc phục được những tiêu cực hiện nay.
Người đứng đầu phải gương mẫu
Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, hám danh, tham nhũng, bè phái cục bộ, mất đoàn kết... Đâu là nguyên nhân và liều thuốc để “điều trị” căn bệnh này, theo ông?
Sở dĩ chưa đẩy lùi, ngăn chặn được tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tham nhũng chưa hiệu quả, nguyên nhân đầu tiên là công tác giáo dục chưa tốt, chưa mạnh, chưa hiệu quả. Nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi thấy ngày xưa các cụ giáo dục nghiêm túc lắm, thành ra cán bộ được rèn luyện, nêu gương. Còn bây giờ vấn đề giáo dục của ta vẫn còn hời hợt, chưa nghiêm, cần phải khắc phục.
“Tôi nhớ ngày xưa cán bộ chỉ tham ô vài chục cân thóc, mấy chục đồng bạc thôi đã bị cách chức, khai trừ Đảng rồi, còn bây giờ tình trạng này không được làm đến nơi đến chốn”
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Thứ hai, dù đã có kỷ luật Đảng rất nghiêm trong điều lệ, cương lĩnh rồi, nhưng khi thực thi vẫn còn tình trạng né tránh, dĩ hòa vi quý, không đến nơi đến chốn thành ra nhờn. Do vậy phải siết chặt kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Tôi nhớ ngày xưa cán bộ chỉ tham ô vài chục cân thóc, mấy chục đồng bạc thôi đã bị cách chức, khai trừ Đảng rồi, giờ tình trạng này không được làm đến nơi đến chốn. Sắp tới đây tiếp tục đưa ra xét xử 6 vụ án trọng điểm cũng là một cách làm tích cực, nhưng trong từng ngành vẫn còn nhiều chuyện lắm, phải cố gắng thực thi kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước cho tốt.
Nguyên nhân thứ ba là việc kiểm tra, giám sát, phát hiện vấn đề còn chậm và yếu. Khi phát hiện được cũng không vào cuộc khẩn trương, bài bản. Kể cả vụ Trịnh Xuân Thanh dù đã phát hiện khá lâu, nhưng việc xử lý kỷ luật Đảng, Nhà nước còn chậm, để cho đối tượng trốn đi nước ngoài mất. Cần phải đề cao trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát từng hành động, hành vi nhất là với những người nắm trong tay khối tài sản lớn.
Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Trung ương thống nhất ban hành. Ông mong chờ gì sau Hội nghị Trung ương và Nghị quyết mới này?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu đề án xây dựng chỉnh đốn Đảng với 4 nhóm giải pháp được nêu ra. Việc ra Nghị quyết mới nhằm đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chính là sự tiếp tục của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Muốn Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định...
Tôi hi vọng sắp tới, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở phải vào cuộc, thể hiện được trách nhiệm người đứng đầu, có như vậy mới giúp chuyển biến được tình hình. Còn nếu cứ khơi khơi sẽ rất khó thực hiện. Việc xử lý cán bộ cũng nhằm làm cho Đảng mạnh lên chứ không phải xử lý cán bộ để rồi gây phân tâm, mất đoàn kết. Làm sao nội bộ Đảng, nội bộ Nhà nước, nội bộ chính trị phải trong ấm thì ngoài mới êm. Có như vậy mới hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo trong điều kiện mới này, mới phát triển đất nước nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Mục tiêu phê bình hay xử lý cán bộ cũng là củng cố sức mạnh của Đảng ta. Nếu Đảng mạnh lên, có khả năng tự đề kháng tốt sẽ chống được mọi sự phá hoại của các thế lực thù địch.
Cảm ơn ông.