> Phụ nữ thành phố ngàn hoa 'vào cuộc' tiết kiệm điện
> Tận dụng lợi thế nắng để tiết kiệm điện năng
Đèn compact từ nhà ra ngõ
Tinh thần tiết kiệm điện ráo riết thể hiện từ trong suy nghĩ lẫn hành động, và dễ dàng cảm nhận được trong cuộc họp giao ban đầu tuần ở phường 8 thành phố Bến Tre.
Chú Võ Anh Kiệt, trưởng khu phố 2 cho biết: “Đường hẻm các tổ 13A, tổ 5, 6, 11 trước đây dây điện chằng chịt như mạng nhện, gây thất thoát điện năng lớn nay được khu phố vận động bà con quyên góp thay mới”. Khu phố 5 thì vận động bà con tắt bớt các thiết bị điện trong giờ cao điểm.
Từ những buổi họp sôi nổi và nhiều ý tưởng, lãnh đạo phường 8 nhận thấy nhu cầu tiết kiệm điện là thiết thực và mang lại hiệu quả lâu dài cho bà con nên bắt tay thực hiện thí điểm rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Chú Võ Anh Kiệt trưởng khu phố 2 giới thiệu hệ thống điện mới của quán ăn Đông Giang, phường 8, Bến Tre. |
Lễ phát động phong trào “Tiết kiệm điện ở khu phố văn hóa” gọn nhẹ mà ý nghĩa đã diễn ra vào một ngày giữa tháng 6 năm 2013. Khu phố 2 được chọn làm nơi thí điểm trước khi nhân rộng mô hình ra toàn phường.
Bà con khu phố 2 đón nhận phong trào với sự nhiệt tình khiến chú Kiệt “bất ngờ trong vui sướng”. Chú Kiệt tâm sự: “Tui đâu có ngờ bà con mình lại ủng hộ nhiệt tình như vậy, 100% trong tổng số 482 hộ giơ tay biểu quyết đồng ý tiết kiệm điện. Nhìn những cánh tay bà con giơ lên đầy tin tưởng, tui biết công việc sắp tới của mình nặng nề không ít nhưng vẫn… khoái gì đâu ý”.
Chú Kiệt bắt tay vào viết những bảng cam kết phù hợp với tình hình ở khu phố của mình cho bà con ký và thực hiện. Song song với đó là những phổ biến và hướng dẫn cách tiết kiệm điện hiệu quả được lồng ghép khéo léo và các cuộc họp tổ dân phố. “Mưa dầm thấm đất” thói quen tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm được bà con thực hiện hằng ngày.
Dì Năm bán cơm tấm đầu hẻm tổ 5, bộc bạch: “Trước đây, do thói quen, ra đằng trước bán đồ cả buổi mà vẫn để đèn với quạt đằng sau nhà chạy vù vù. Khi được mấy chú trong khu phố vận động, mới hiểu tiết kiệm điện để lợi cho mình đầu tiên nên tôi hay nhắc nhở con cái làm theo. Hễ ra nhà trước là tắt điện nhà sau, mấy giờ gần tối ai cũng xài điện nhiều, điện yếu đi trông thấy, chắc do quá tải, nên mình tranh thủ nấu cơm sớm chút cho khỏe. Qua 3 tháng thực hiện, chẳng cần ai nhắc nữa, dì làm theo thói quen rồi, dễ ợt hà”.
Ngày phát động, khu phố 2 cam kết sau 6 tháng, tổng hóa đơn tiền điện cả khu phố giảm 15%. Chú Kiệt bảo, với mong muốn “đạt vượt chỉ tiêu” tạo cú hích cho các khu phố khác bắt nhịp làm theo mô hình này, cả khu phố nỗ lực qua từng hành động nhỏ. “Cần nhất là thay thế các thiết bị hao tốn điện năng bằng bóng đèn compact cộng với cải tạo lại lưới điện đã cũ mèm sau gần 10 năm trời” - chú Kiệt nói.
Bắt tay vào làm ngay khi phát động cho “nóng”, các tổ 6, 11, 13A, 13B góp tiền thay lưới điện và hệ thống đèn chiếu sáng compact 18W thay cho bóng đèn dài 220W trước đây.
Rất may khi trong khu phố có anh Trần Văn Châu, nhân viên điện lực thành phố Bến Tre và chú Kiệt cũng vốn thợ điện, cả hai chịu công thay bóng, mắc dây điện giùm bà con. “Ai có nhu cầu thay chúng tôi đến tận nhà lắp miễn phí, bà con nào không thể mua bóng điện compact, khu phố sẵn sàng hỗ trợ thay” - chú Kiệt nói.
Anh Châu cũng cho biết: “Lâu nay hệ thống tải điện của khu phố chưa an toàn, mức hao hụt cao do phần lớn bà con dùng dây điện tải nhỏ cỡ 10. Nay chúng tôi đề xuất thay thế, may có đợt vận động tiết kiệm điện, bà con lồng ghép làm luôn. Chúng tôi hỗ trợ công, bà con đóng góp thêm chút ít, hộ vài chục ngàn đồng nhưng hiệu quả lâu dài, yên tâm khi mùa mưa bão đến”.
“Trái ngọt” đầu mùa
Chú Kiệt không giấu được sự tự hào về hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trong khu phố 2 có 100% là đèn compact. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, chú Kiệt vừa nhẩm tính: Cả khu phố có 14 tổ, mỗi tổ có 10 bóng đèn và mỗi bóng tiết kiệm gần 150W một đêm. Tính sơ sơ cũng thấy số điện năng tiết kiệm được “rất khá khẩm”.
Đèn compact từ nhà ra ngõ ở khu phố 2. |
Sau khi hệ thống đèn compact của tổ dân phố đi vào hoạt động, mọi người phân công nhau, thậm chí tự nguyện cúp cầu dao lúc trời hửng sáng để tránh lãng phí. Chú Tư An thường đi bán cháo từ tờ mờ sáng, tiện thể xung phong làm nhiệm vụ ngắt cầu dao 10 bóng đèn đường trong tổ 13A.
Cứ mờ sáng là chú Kiệt tranh thủ vừa đi tập thể dục, vừa kiểm tra hệ thống điện, hễ ai lơ là, quên cúp cầu dao là nhắc nhở ngay. “Sử dụng đèn compact nhưng vẫn phải tắt mở điện đúng lúc, những tiết kiệm nho nhỏ sẽ gộp nên giá trị lớn”- chú Kiệt nói.
Để việc tiết kiệm thật sự hiệu quả, ban lãnh đạo ở khu phố trực tiếp xuống vận động những hộ kinh doanh, các quán ăn và quán karaoke,... những địa chỉ xài điện “khủng” nhất do đó nguy cơ lãng phí cũng nhiều nhất. “Là chỗ làm ăn, buôn bán đôi khi người ta bận bịu không lưu tâm đến tiết kiệm điện vì nghĩ chẳng đáng là bao, mình thuyết phục cho chí tình chí lí thì mới được. Chủ yếu đánh vào thực tiễn, giúp bà con nhận ra ý nghĩa việc tiết kiệm điện sẽ có lợi nhất cho họ” - chú Kiệt bảo.
Hiện đã có 60% các quán ăn và karaoke ký cam kết tiết kiệm điện, cụ thể như thay bóng đèn dài bằng đèn compact ở khu vực nấu nướng, gửi xe. Quán ăn Đông Giang (tổ 13B) còn bổ sung cả hệ thống chiếu sáng “từ nhà ra ngõ” bằng đèn compact. “Những lúc vắng khách quán chỉ bật đèn compact, khi khách đông mới bật đèn công suất lớn”- chủ quán ăn Đông Giang, cô Võ Thị Lan chia sẻ.
Cô Lan tâm sự: “Đi họp tổ dân phố và được bà con chia sẻ kinh nghiệm nhiều nên cũng “thấm thía” dần dần, chứ trước kia nhận “hóa đơn khủng” tôi cho đó là do nhu cầu kinh doanh nên chẳng quan tâm. Giờ nhận ra và để tâm vào việc tiết kiệm điện thì giảm được một khoản tiền điện không nhỏ. Nhân viên trong quán được nhắc nhở sử dụng điện hợp lý hệ thống lò vi sóng, tủ lạnh, quạt và đèn thắp sáng… sao cho hợp lý, ai lãng phí là chỉnh liền”.
Dì Nguyễn Thị Đằng (tổ 13A) hồ hởi khoe hóa đơn tiền điện chỉ còn phân nửa kể từ ngày “thắt chặt” việc dùng điện. Dì cho biết: “Nhà có 5 nhân khẩu, cộng với bán tạp hóa, có thùng đá bán kem và nước giải khát nên tiền điện ngốn khá nhiều. Từ ngày “compact hóa” dàn điện 7 bóng trong nhà, cộng với “ý tứ” hơn, không dùng là tắt liền các thiết bị điện như quạt, điện, ti vi… nên tiền điện giảm ngoài mong đợi”.
Chú Kiệt cũng hồ hởi không kém: “3 tháng đầu vượt chỉ tiêu và khu phố 2 tiết kiệm được 18% điện năng so với cùng thời điểm năm ngoái”. Chú Kiệt tin tưởng, với hiệu quả như hiện nay, mô hình “Khu phố văn hóa tiết kiệm điện” sẽ sớm được nhân rộng ra nhiều khu phố, cũng như nhiều địa phương khác.