Xử “bầu” Kiên: Chỉ một bị cáo được giảm án

"Bầu" Kiên cùng các đồng phạm đứng nghe tuyên án
"Bầu" Kiên cùng các đồng phạm đứng nghe tuyên án
TP - Sau 10 ngày xét xử, chiều 15/12, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tuyên y án 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên (còn gọi bầu Kiên) về 4 tội danh. Hầu hết các bị cáo còn lại đều bị bác kháng án, chỉ riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ được giảm án 1 năm.

Trong phần tuyên án, HĐXX dành thời gian điểm lại diễn biến, nội dung vụ án. Theo đó, quá trình xét xử phúc thẩm, cơ quan công tố đã khẳng định việc bị cáo bị kết tội như cáo buộc là không oan. Quá trình xét xử, HĐXX cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với bị cáo Kiên cùng đồng phạm. Theo đó, HĐXX phúc thẩm phán quyết: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

  

Đơn cử như hành vi cố ý làm trái, HĐXX xác định, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không cho phép ngân hàng được mang tiền huy động từ dân rồi đem gửi ở ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy vậy, phớt lờ quy định này, HĐQT Ngân hàng ACB đã cố tình làm trái quy định của Nhà nước, dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị mất số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Đánh giá về vai trò, vị trí của “bầu” Kiên trong vụ án, Tòa Phúc thẩm phân tích, khi triển khai chủ trương ủy thác tiền gửi, các thành viên trong HĐQT ACB đã phải nghe theo định hướng của bị cáo Kiên. Vì lẽ đó, bị cáo Kiên phải chịu trách nhiệm chính về hành vi phạm tội này.

Theo xác định của Tòa Phúc thẩm, số tiền hơn 718 tỷ đồng mà Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (viết tắt là Vietinbank) chưa thu hồi được là thiệt hại chung của các cổ đông trong Ngân hàng ACB. Điều này đã làm ảnh hưởng đến những người gửi tiền tại Ngân hàng ACB, cũng làm ảnh hưởng xấu đến chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước, đến hoạt động của những ngân hàng chân chính. 

Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX cho hay, việc bị cáo Kiên làm đơn kháng cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ. Theo trình bày của ông Kiên, bị cáo này không có ý thức chiếm đoạt, nhưng thực tế chứng minh “bầu” Kiên đã chỉ đạo thuộc cấp bán 20 triệu cổ phần, qua đó chiếm đoạt thành công số tiền 264 tỷ đồng của Cty Thép Hòa Phát. “Đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” - bản án phúc thẩm khẳng định.

Với các hành vi trên của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Tòa Phúc thẩm tuyên phạt ông Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép; 6 năm tù về tội trốn thuế, áp dụng hình phạt tiền bổ sung hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Kiên phải thụ án 30 năm tù. Ngoài ra, sau khi mãn hạn tù, bị cáo Kiên còn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngành ngân hàng trong 5 năm.

Hầu hết các bị cáo còn lại, HĐXX cho rằng, không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng án, do đó giữ nguyên mức án sơ thẩm. Riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ, do được xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, đã được giảm án 1 năm, phải thụ án 4 năm tù về hành vi cố ý làm trái.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.