Xót xa tiền vay

TP - Còn quá sớm để quy kết dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM trị giá gần 2,5 tỷ USD bị rút ruột hoặc có tiêu cực. Song những diễn biến bất thường tại Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM và chuyện tùy tiện thay đổi thiết kế, đặc biệt là làm tường vây nhà ga mỏng hơn nửa thước so với thiết kế ban đầu đã buộc dư luận phải đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Liệu có phải vì muốn ưu ái, tạo công ăn việc làm cho nhân viên cũ mà người đứng đầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã quyết định làm tường vây mỏng hơn thiết kế, bất chấp sự can gián của một đơn vị tư vấn thiết kế, dẫn đến việc xem nhẹ an toàn cho các công trình lân cận và đặc biệt là quyền được thụ hưởng hiệu quả dự án mang lại của đại bộ phận người dân.

Các chuyên gia có kinh nghiệm về thi công công trình ngầm chỉ ra tường vây nhà ga metro càng mỏng thì mặt đất xung quanh sẽ càng bị biến dạng, tường sẽ bị “phình” ra dưới tác động của áp lực và làm mặt đất phía trên bị lún xuống, gây mất ổn định cho các công trình trên mặt đất. Trong khi đó, xung quanh nhà ga có vô số những công trình kiến trúc, di sản cần bảo tồn như Nhà hát thành phố, trụ sở UBND TPHCM,… và thực tế, TPHCM đã phải chi một số tiền không nhỏ để sửa chữa sai lầm. Đó là chưa nói việc UBND thành phố đã chi nghìn tỷ tạm ứng nhưng cơ quan quản lý lại thanh toán nhỏ giọt cho các nhà thầu khiến công trình đã chậm càng chậm hoàn thành hơn và đã có những lúc tưởng chừng như bị “bức tử”.

Càng lo lắng hơn khi xuất hiện làn sóng xin nghỉ việc của cán bộ, nhân viên, trong đó có cả các lãnh đạo chủ chốt của cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sự thành bại của dự án này.

Dự án tuyến metro số 1 TPHCM chỉ là một ví dụ. Còn quá nhiều dự án tương tự gây không ít lo ngại, hoài nghi về hiệu quả đích thực, trong khi tiền đi vay đã to như quả núi. Không phải ngẫu nhiên mà trong các kỳ họp Quốc hội, các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, vấn đề nợ công và quản lý nợ công được đặt ra một cách bức xúc và bức thiết, khi ngày càng nhiều dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay nhưng công tác quản lý yếu kém, đầu tư dàn trải, thậm chí có tiêu cực, sai phạm, thậm chí tham nhũng bị phanh phui.

Tiền phải đi vay, chúng ta và nhiều thế hệ con cháu sẽ phải oằn lưng trả nợ. Có ai không thấy xót xa, lo lắng khi kinh phí đầu tư bị đội lên gấp nhiều lần mà công trình vẫn ngổn ngang, hiệu quả đầu tư chưa rõ và chưa biết đến bao giờ mới “bò lết” về đến đích.

Để chắt chiu, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn vay, tiết kiệm mồ hôi công sức của người dân, đã đến lúc nói không với những dự án có nguồn vốn đầu tư quá lớn song hiệu quả đem lại chưa thật rõ ràng để tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm một số công trình dở dang để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả cũng như có cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn từ trong trứng nước những dự án cứ nhấp nhổm đòi… đội vốn.          

MỚI - NÓNG