Thừa Thiên Huế:

Xót cảnh dân chui dưới rào, trườn bò vào chợ trung tâm thị xã

TPO - Cổng vào một khu chợ trung tâm thuộc thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) mới đây đột ngột “cấm cửa” dân. Người dân phải vòng ra Quốc lộ 1 đầy xe cộ nguy hiểm để tiếp cận cổng trước của chợ, hoặc tìm cách trườn, bò, lăn dưới đáy rào sắt của chiếc cổng chợ đã bị khóa để vào được bên trong, tạo nên những tình huống và hình ảnh “cười ra nước mắt”.
Người dân bò vào chợ Tứ Hạ, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Theo phản ánh của người dân thị xã Hương Trà, chợ Tứ Hạ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) do nhà nước đầu tư xây dựng, hình thành từ hàng chục năm nay và luôn tồn tại hai cổng vào ra. Một cổng trước đấu nối thẳng ra Quốc lộ 1, cổng bên còn lại mở về phía đường Nguyễn Khoa Thuyên hiện nay - xem như là một đường gom dân sinh để vào ra chợ.

Dân tìm cách vào chợ Tứ Hạ kể từ khi công bên - một lối đi hợp pháp - bị ban quản lý chợ vô hiệu hóa

Ngoài chức năng giao thông, các cổng này còn phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm, chữa cháy khi xảy ra các sự cố cháy nổ, hỏa hoạn. Tuy nhiên mới đây, cổng bên của chợ Tứ Hạ đột ngột bị những người có trách nhiệm tại địa phương vô hiệu hóa gây bức xúc cho nhiều người dân và tiểu thương.

Tình trạng “cười ra nước mắt” này xảy ra kể từ khi ban quản lý chợ Tứ Hạ tùy tiện đóng cổng bên chợ mà không lấy ý kiến của dân

“Tôi khẳng định, cổng vào trên đường Nguyễn Khoa Thuyên là một lối đi hợp pháp. Ban quản lý chợ gọi đây là cổng phụ, nhưng lối vào chợ theo đường Nguyễn Khoa Thuyên theo tôi cũng là cổng chính. Người dân vào ra chủ yếu theo lối cổng bên này, do lộ trình đi đường gom rất gần, an toàn và thuận tiện. Khi đi theo cổng bên, chúng tôi không phải chịu cảnh đã đến bên nách chợ mà thêm hai lần băng qua quốc lộ dày đặc xe cộ phóng nhanh nguy hiểm, lộ trình lại vòng vèo quá xa”, anh Nguyễn Dũng (dân Tứ Hạ) cho biết.

Cụ bà này vào chợ một cách nhọc nhằn

Người dân tại Hương Trà còn phản ánh, trước đây, khi xây dựng chợ Tứ Hạ, hai lối vào này đều nằm trong phương án kiến trúc, giao thông, thoát hiểm do cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền phê quyệt. Do đó, lối bên vào ra chợ Tứ Hạ theo đường Nguyễn Khoa Thuyên là một cổng chợ hợp pháp, không vi phạm đấu nối giao thông, không trái với quy hoạch và phương án kiến trúc chợ trước đây.

Những người vào chợ mua hàng xong lại chui ra

“Nếu ban quản lý chợ cho rằng, việc đóng cổng bên của chợ là chính đáng thì họ phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân ở các tổ dân phố, thậm chí xin ý kiến các cơ quan chuyên môn về phòng cháy chữa cháy, về an toàn giao thông; chứ không chỉ nghe một phía theo phản ánh của một vài tiểu thương. Cả thị xã Hương Trà này có hàng ngàn dân. Người dân có quyền được đi lại an toàn ở những nơi pháp luật không cấm”, một người dân Tứ Hạ phản ánh.

Một người phụ nữ bất lực nhìn xuyên qua cổng chợ vbị khóa

Theo ông Trần Tự Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Hạ, trước phản ứng của dân về việc cổng bên chợ Tứ Hạ bị ban quản lý chợ “cấm cửa”, chính quyền địa phương sẽ xem xét, tham mưu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý phù hợp, nhằm tránh gây bức xúc thêm cho bà con.

Việc “cấm cửa” cổng bên chợ đẩy dân ra hết Quốc lộ 1 để vào chợ, làm nảy sinh nhiều trường hợp đi ngược chiều, tiềm ẩn tai nạn chết người

Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khu chợ tồn tại dọc tuyến Quốc lộ 1 phải tìm các nguồn đầu tư bổ sung để xây thêm đường gom, tạo cổng phụ vào ra; hoặc di dời chợ đến nơi mới, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cháy nổ. Trong khi đó, tại thị xã Hương Trà, chính quyền phường Tứ Hạ và Ban quản lý chợ lại làm điều ngược lại.

Tình trạng đi ngược chiều Quốc lộ 1 để vào cổng duy nhất hiện nay của chợ Tứ Hạ ngày càng gia tăng kể từ sau khi cổng bên bị vô hiệu hóa

Họ đã cho đóng cổng chợ Tứ Hạ ở phía có đường gom, rồi tìm cách đẩy hết dân ra Quốc lộ 1 để vào cổng trước của chợ. Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao, đặc biệt là đối với số lượng người điều khiển phương tiện xe máy phóng nhanh, chạy ẩu vào làn đường ngược chiều để đến chợ Tứ Hạ ngày càng gia tăng kể từ khi cổng bên chợ bị vô hiệu hóa.