Xóm nổi ven sông Hồng trong giá buốt

Khu nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Duy Phạm
Khu nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Duy Phạm
TP - Trong căn nhà nổi ở xóm Phao, bãi giữa sông Hồng, ông Nguyễn Văn Phương (60 tuổi) run lên vì bệnh tật và giá rét. Gia đình ông Phương sống trong một trong nhiều căn nhà nổi trên mặt nước sông Hồng

Mấy ngày lạnh, ông Phương không đi làm, ngồi ở nhà chờ con gái. Con gái ông sinh năm 1995. “Con bé được bao nhiêu tuổi cũng là từng ấy năm tôi kiếm sống ở Thủ đô”, ông Phương kể.

Để đến được nhà ông Phương, phải di chuyển khá vất vả. Từ trên cầu Long Biên, vượt qua vài đoạn đường ngoằn ngoèo, qua vài ngã rẽ mới đến. Xung quanh nhà ông Phương, khoảng chục hộ khác cũng sống trong cảnh tương tự. Mấy căn nhà được dựng lên san sát, nổi trên mặt nước bằng thùng phuy. Mỗi căn khoảng vài mét vuông, che chắn bằng liếp, vải, cánh cửa… “Trông thế thôi, mỗi nhà này cũng phải mất vài chục triệu đấy chứ không ít tiền đâu”, ông Phương nói. Ông nhẩm tính, giá mỗi chiếc thùng phuy đã 300 nghìn đồng, ngoài ra còn gỗ, đồ dùng, vật liệu khác…

“Bà nhà tôi mất cách đây đã vài năm”, ông Phương ngậm ngùi kể. Ông bảo, lên Hà Nội, hai người bén duyên, nương tựa vào nhau mà sống. Hỏi quê, ông bảo, mỗi người một quê, cũng chẳng muốn nhắc tới. Trước đây còn khỏe mạnh, ông thuê nhà ở nơi khác, hằng ngày đi lao động, làm thuê đủ nghề. Sau yếu đuối, để tiết kiệm tiền thuê nhà, ông ra bãi giữa làm một căn nhà nổi, hai bố con sống qua ngày. Ngó qua, trong nhà chẳng có đồ đạc gì. Thấy ông run rẩy, phóng viên hỏi: Lạnh vậy, sao ông không đắp chăn? Ông nói, run do bệnh, sức khỏe yếu, chứ không phải do lạnh. “Tôi mặc 4 - 5 cái áo, gãi ngứa cũng khó. Nhưng cứ run như vậy, cũng yếu rồi”, ông nói.

Cách nhà ông Phương một căn nhà nổi, một bà cụ ngồi ngay cửa nhà bỏm bẻm nhai chiếc bánh mỳ. Bà cụ không cho biết tên, không muốn chụp hình lên báo. Bà cụ nói mình 82 tuổi. Mấy ngày trời lạnh cụ không ra ngoài đi nhặt ve chai như thường lệ. Cụ bảo, không thấy lạnh lắm, dù ngồi ngay chỗ gió thổi dưới nước hắt lên. Cụ kể đã ở xóm nổi được vài chục năm. Nhà có ba bà cháu làm lụng nuôi nhau. Hai cháu của bà cụ giờ đã lớn, hằng ngày đi làm trên phố. Quê cụ ở huyện Ba Vì, nhưng nhiều năm nay không về quê mà thường đón Tết ngay bãi nổi. “Cuối năm, bên phường rồi nhiều nhà hảo tâm cũng đến tặng quà. Nói chung là cũng có Tết”, bà cụ chia sẻ. Nói thêm về “căn nhà”, cụ bảo, không gọi là nhà, mà gọi là thuyền nổi. Trông thế, nhưng cũng phải tiết kiệm nhiều tiền mới làm được, vì chi phí hết mấy chục triệu đồng. “Chúng tôi không phải nộp chi phí gì cả. Cũng có gì đâu mà nộp. Chính quyền nhiều khi còn hỗ trợ chúng tôi nữa”, bà cụ nói.

Lúc phóng viên đến, anh Trần Đức Huân đang cho đàn gà, đàn lợn trên vườn ăn. Nhà anh ở xóm nổi, nhưng chăn nuôi ở khu đất ngay phía trước nhà. Anh quây một khu nhỏ lại bằng lưới mắt cáo, thả ba con lợn rừng. “Lợn này mình đang nuôi để nhân giống chứ không bán”, anh Huân giải thích khi phóng viên nói nhiều người muốn mua lợn rừng dịp Tết. Anh Huân cũng nuôi gần chục con gà lai Đông Tảo. Anh kể, đã ở xóm nổi hàng chục năm. Những ngày giá rét, cuộc sống thay đổi nhiều. Ở dưới nước, gió thốc lên rét buốt hơn. “Con cái mình cũng đã lớn nên không còn lo nhiều như trước. Nhưng vẫn rét buốt hơn so với ở trong đê”, anh nói.

Vài người dân ở đây chia sẻ, khu vực này có mấy nóc nhà, an ninh cũng không phải lo ngại vì đều là dân lao động, đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng. Trong nhà cũng không có đồ đạc gì nhiều, thành ra nhiều người đi làm không cần khóa cửa. Lúc chúng tôi ra về, vài người dân xóm nổi lửa lục tục nấu cơm chiều.

Ông Phương bảo, giờ già yếu, chỉ ở nhà cơm nước, chờ con gái đi làm về. Mong sớm qua đợt rét để bố con đỡ vất vả, vì ở dưới nước, che chỗ nào cũng vẫn hở, vẫn lạnh. 

MỚI - NÓNG