Xốc lại thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 21/3, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin thêm một nhà đầu tư vừa bị Uỷ ban chứng khoán xử phạt số tiền 295 triệu đồng với lỗi giao dịch cổ phiếu “chui”. Thống kê, chỉ riêng trong năm 2022, cơ quan này đã ban hành hơn 400 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Ngoài phạt tiền, nhiều cá nhân bị đình chỉ giao dịch có thời hạn.

Đáng nói, từ đầu 2023 tới nay, xu hướng các vụ vi phạm như kể trên đang có dấu hiệu tăng với nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị xử lý. Nguyên nhân: chậm nộp báo cáo tài chính, cố tình không công bố thông tin mà “tiền trảm hậu tấu” (giao dịch xong rồi mới báo cáo hoặc thanh tra phát hiện lỗi của doanh nghiệp trên hệ thống). Theo quy định, mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng với tổ chức, 1,5 tỷ đồng với cá nhân vi phạm về hoạt động chứng khoán nhưng một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho rằng: mức phạt chưa… thấm!

Thị trường chứng khoán năm 2022 đi qua nhiều sóng gió thăng trầm, nhiều vụ dính vòng lao lý, nhiều ông chủ bị bắt vì các chiêu trò thao túng làm giá chứng khoán, tạo tài khoản, tạo “game”. Hàng loạt cổ phiếu phải rời sàn, hàng ngàn nhà đầu tư rơi nước mắt. Không ít nhà đầu tư đã quay lưng, rời bỏ thị trường. Hiện tại, với cơn “đột quỵ” sốc trái phiếu doanh nghiệp, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) kể cả doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, hầu hết đều là những giao dịch thỏa thuận chia lẻ tinh vi khi “sang tay” cổ phiếu dưới 5% để lách luật, tránh phải công bố thông tin nhà đầu tư, tổ chức nào sẽ sở hữu. Nhiều đội lái nằm im không mạnh tay mua bán còn công ty chứng khoán quay sang “dụ” tiền các nhà đầu tư bằng các sản phẩm lách huy động VND như cho vay, tích sản.

Chứng khoán đang loay hoay lấy lại niềm tin, lấy lại dòng tiền đã mất. Tuy nhiên, không thể muốn là được, bởi niềm tin là thứ vô giá, cần có thời gian cũng như khó đong đếm được bằng tiền. Hai tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng chưa đến 100.000 tài khoản. Đến thời điểm này tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,94 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 6,9% dân số. Sự sụt giảm lượng tài khoản mở mới cũng kéo theo giao dịch ngày càng ảm đạm.

Đề án phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2030, có một số dấu mốc phải vươn tới: Trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn góp phần làm tăng trưởng GDP đất nước; hoàn thiện các điều kiện, tiến đến mục tiêu nâng hạng thị trường để Việt Nam được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi, có cơ hội thu hút vốn ngoại hơn và nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chứng khoán phát triển bền vững, lành mạnh? Âu có lẽ phải trông vào sức mạnh của Luật , trông vào việc thực thi pháp luật, và quan trọng sự tôn nghiêm, mạnh tay giám sát thị trường của cơ quan quản lý. Có vậy, mới kỳ vọng thị trường được “xốc lại”.

MỚI - NÓNG