Xoay xở và... chờ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chị họ tôi bán bánh canh trên đường Quách Điêu ở huyện Bình Chánh, TPHCM, nơi tập trung nhiều khu trọ công nhân kể rằng, gần 2 tháng nay buôn bán ế ẩm.

Trước đây, mỗi ngày quán của chị bán hàng trăm tô bánh canh và thường quá trưa sẽ hết hàng nhưng từ ngày các doanh nghiệp cắt giảm lao động, công nhân nơi đây thất nghiệp, lượng khách vào ra chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Câu chuyện công nhân mất việc là vấn đề không mới, tuy nhiên, từ ngày dịch COVID-19 bùng phát thì thực trạng này được cho là ở mức báo động. Từ sau Tết Nguyên đán 2023, số doanh nghiệp cắt giảm lao động tăng mạnh. Tình hình kinh tế khó khăn, thiếu việc làm xuất hiện ngay tại những doanh nghiệp xưa nay chưa hề cắt giảm lao động. Điều này khiến thị trường lao động việc làm thêm phần ảm đạm hơn. Thế nhưng, vấn đề tôi muốn nói đến ở đây, không phải là thực trạng thất nghiệp, cắt giảm lao động, mà chính là giải pháp cho những lao động mất việc.

Từ trước đến nay, vấn đề này luôn được giải quyết không tới, vướng mắc được được đưa ra nhưng dường như giữa chính sách và thực tế chưa bao giờ tìm được điểm chung. Tôi hỏi nhiều công nhân mất việc, vì sao người lao động ít tìm đến các cơ quan, đoàn thể, trung tâm hỗ trợ việc làm, thì thường nhận được câu trả lời là, họ không có thông tin, họ cũng không đủ thời gian chờ đợi.

Hôm qua, tôi đặt xe ôm công nghệ từ nhà lên cơ quan, tài xế xe ôm là anh Tuấn, một “cựu” công nhân Công ty PouYuen, chia sẻ: “ Khi biết mình nằm trong danh sách nghỉ việc, trong đầu tôi đã phải tính toán việc về quê hay ở lại, ở lại thì làm gì, về quê thì sống như thế nào…và tôi đã phải nghĩ đến chạy xe ôm công nghệ vì mỗi ngày tôi vẫn phải chi tiêu cho ăn uống và nhà trọ. Ban đầu nghĩ là chạy tạm rồi có thời gian tìm việc làm, nhưng rồi công việc tưởng tạm thời cũng lấy đi gần hết thời gian của mình”.

Tôi cũng có đưa vấn đề này đi hỏi các chuyên gia nhân sự và tuyển dụng, họ nói rằng, dự báo và giải pháp của cơ quan quản lý trước nay vẫn mang nặng lý thuyết, chung chung, trong khi người lao động lại cần thực tế hơn. Vì thế, họ luôn phải chủ động tìm cho mình một công việc thời vụ gì đó.

Một chuyên gia nguồn nhân lực của Đại học Quốc gia TPHCM còn chỉ ra sự khập khễnh giữa số liệu và thực tế thị trường. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động quý 1/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.000 người so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm ngoái. Và thu nhập bình quân của người lao động theo cơ quan này rõ ràng là vẫn tăng so với năm ngoái. Nếu theo những số liệu nói trên, rõ ràng thực trạng cắt giảm lao động hay thất nghiệp năm nay là điều hết sức bình thường, không phải là vấn đề “đáng báo động”.

Thế nhưng, thực tế bi đát hơn rất nhiều. Hàng quán đóng cửa, công nhân trả nhà trọ, đi rút bảo hiểm trước hạn… Tất cả phản ánh một bức tranh về đời sống khó khăn mà những giải pháp mang nặng lý thuyết hay những con số thống kê không giải quyết được.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.