Xóa sổ làng bè trên sông Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè đoạn trên sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa sẽ phải lên bờ trong kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm, tạo cảnh quan đô thị, đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai.

Làng cá bè Tân Mai (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) hình thành từ hàng chục năm qua trên khu vực sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai). Ở thời cao điểm, làng có đến 850 bè nuôi cá của gần 400 hộ dân. Ngoài nuôi cá, bè còn là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình.

Do quá nhiều bè nuôi cá, mật độ cá cao, cộng với nguồn thức ăn nuôi cá, nguồn thải sinh hoạt gây ảnh hưởng đến môi trường nước sông Đồng Nai và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Năm 2015, thành phố Biên Hòa đã sắp xếp, giảm số lượng bè, hộ nuôi cá và di dời sang phần sông phía xã Hiệp Hòa. Tuy vậy, đến nay khu vực sông Cái đoạn qua phường Hiệp Hòa, phường Tân Mai và đoạn sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình Tân, vẫn có hơn 400 hộ dân sinh sống và làm nghề nuôi cá bè.

Xóa sổ làng bè trên sông Đồng Nai ảnh 1

Người dân sinh sống trên bè, và nuôi cá bè trên sông Đồng Nai tại TP Biên Hòa sẽ phải di dời

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho biết, theo chủ trương của thành phố, tất cả các hộ nuôi cá trên sông, đoạn thuộc thành phố Biên Hòa phải giải tỏa, di dời lên bờ sinh sống và chuyển đổi nghề khi thành phố triển khai hàng loạt dự án ven sông, trong đó triển khai trước 2 dự án giao thông trọng điểm là cầu Thống Nhất và đường ven sông Cái, cũng như giải phóng thông thoáng lòng sông.

Không để dân thiệt thòi

Dù đồng thuận với chủ trương của thành phố, nhưng nhiều người nuôi cá trên bè không khỏi băn khoăn khi phải bỏ nghề nuôi cá để lên bờ.

Ông Nguyễn Can một hộ dân nuôi cá bè cho hay: “Hàng trăm hộ dân ở đây đã quen môi trường sông nước, làm nghề nuôi cá mưu sinh từ hàng chục năm nay. Giờ lên bờ, đa số chúng tôi đã lớn tuổi, không thể vào nhà máy làm việc được và cũng không biết làm nghề gì để sinh sống”.

Bà Trần Thị Hoa, một chủ bè cá khác cũng bày tỏ mong muốn được nhà nước hỗ trợ khi lên bờ tìm sinh kế mới. “Mỗi bè cá tùy vào diện tích lớn hay bé, chúng tôi đầu tư vào từ hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng, giờ không nuôi cá thì chỉ có nước bán ve chai”, bà Hoa nói.

Ngoài những hộ nuôi cá, nhiều nhà bè trên sông Đồng Nai đoạn qua phường Long Bình Tân lại là “nhà” của hàng chục gia đình. Bà Thu, một chủ “nhà bè” cho hay, xóm nhà bè này hầu hết là người dân từ nhiều tỉnh miền Tây đến đây lập nghiệp. Những người dân này làm bè sinh sống, hàng ngày lên bờ đi làm thuê, làm công nhân trong các nhà máy.

“Bây giờ lên bờ, chúng tôi không có đất làm nhà, trong khi thuê nhà trọ cũng rất khó đối với các hộ nghèo chúng tôi”, bà Thu nói.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc khẳng định, việc giải tỏa các nhà bè, lồng bè nuôi cá là chủ trương của thành phố phải thực hiện. Hiện thành phố đang trình đề án di dời cho tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Thành phố sẽ chi ngân sách 30 tỷ đồng để hỗ trợ người dân di dời, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như hỗ trợ thuê nhà ở.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương có hộ nuôi cá bè tăng cường tuyên truyền chủ trương bằng nhiều hình thức, đồng thời nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các hộ để thành phố xây dựng các phương hướng giải quyết phù hợp, không để người nuôi cá bị thiệt thòi.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.