Xóa đường 'đau khổ' ở Gia Lai

Lữ đoàn Công binh 7 cùng người dân mở đường vào làng Đê Kôn
Lữ đoàn Công binh 7 cùng người dân mở đường vào làng Đê Kôn
TP - Vượt 3km đường đất mất hơn 2 giờ; ngày mưa phải quấn dây xích vào bánh xe máy mới đi được. Hơn 50 hộ dân làng Đê Kôn, xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai nhiều năm như bị cô lập với cuộc sống bên ngoài do phải vật lộn hơn 2 giờ đồng hồ đi qua 3km đường đất “nát như bị bom cày xới” (lời người dân ví). 

Con đường này sẽ đi vào dĩ vãng sau vài ngày nữa, khi các chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) đang cùng người dân san phẳng dốc núi, rãnh sâu, giúp buôn làng có đường mới đón Tết.

Ám ảnh đoạn đường “đau khổ”

Từ Quốc lộ 19 vào làng Đê Kôn chỉ 6,6km nhưng các phương tiện giao thông đi qua phải vật lộn nhiều giờ đồng hồ, nhất là với 3km đường đèo. Tới chân đèo, đất đỏ bazan ôm chặt cứng bánh xe máy, phóng viên Tiền Phong quyết định đi bộ tới làng Đê Kôn. Hai bên đường là triền núi hiểm trở, càng lên cao đường càng nhiều dốc, khó đi, nhiều đoạn phải 3 người còng lưng đẩy xe máy. Mỏi gối, chúng tôi ngồi bệt xuống đường. Cùng lúc anh Klưn, thôn trưởng làng Đê Kôn, đi xe máy, nhích từng đoạn xuống dốc. Anh than thở, ngày nắng, đường này bụi mù, đến ngày mưa xuất hiện rãnh hào vừa sâu, vừa bé, đất đỏ bazan bị cày xới bám chặt bánh xe. 

“Người dân trong làng hễ thấy trời nhiều mây sẽ phải nhờ, hoặc rủ thêm một người nữa đi cùng, vì chỉ một cơn mưa nhỏ sẽ khiến đường đèo trơn trượt, không có người đẩy sau, cứ xác định để xe giữa đường mà cuốc bộ về. Những người giỏi lái xe máy lắm cũng phải quấn dây xích vào bánh mới bò qua đèo được”, anh Klưn nói. Ngồi trầm ngâm một lúc, anh Klưn ngoảnh nhìn dốc đèo, kể câu chuyện diễn ra từ 6 tháng trước. Trong làng có 2 anh em chưa đầy 5 tuổi đang chơi đùa thì bị ong bắp cày (vò vẽ) đốt. Người nhà cùng dân làng đưa cả 2 tới bệnh viện, nhưng đường đèo mùa mưa khó đi, tới bệnh viện thì 1 em tử vong. 

Mệt lả sau 2 giờ vượt đèo, chúng tôi thấy làng Đê Kôn nằm biệt lập giữa những cánh rừng. Mỗi người dân nơi đây đều có một câu chuyện về con đường “đau khổ” này. Khi bị đau ốm vặt, người dân đành chịu đau, hoặc chữa theo cách dân gian. Tới vụ thu hoạch nông sản, giá bán sắn, lúa… chỉ bằng một nửa giá thị trường vì đường vận chuyển xuống núi quá khó khăn, chi phí vận chuyển lớn. Vì vậy, làng Đê Kôn hơn 50 hộ dân (tất cả là người Ba Na) nhưng có tới 16 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo.

Đường đèo làng Đê Kôn còn là thách thức với thầy cô giáo. Điểm trường làng Đê Kôn (trường Tiểu học Hra số 2, xã Hra) có 2 lớp ghép, một lớp cho học sinh khối 1-2, lớp còn lại cho học sinh khối 3-4 do cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (49 tuổi) làm chủ nhiệm. Hai lớp ghép có 42 học sinh. “Dù đi lại vất vả nhưng thấy ánh mắt long lanh của các em nhỏ vùng nghèo khó này, chúng tôi lại có thêm động lực. Thời gian đầu chưa quen, đi vất vả, chảy cả nước mắt, giờ đỡ hơn rồi, hôm nào lên đèo xe bị hỏng, chúng tôi gọi điện nhờ trưởng thôn nói học sinh chờ. Hôm nào về muộn, chúng tôi nhờ thanh niên trong làng đưa xuống. Tôi đã đi qua con đường đèo gần 2 năm, nhờ nó mà tôi lái xe máy siêu hơn”, cô Linh nói vui.

Cô Linh tâm sự, một trong những động lực khiến cô yêu làng Đê Kôn là người dân nơi đây rất chăm lo việc học của con em mình. Điểm trường luôn được dân làng thay phiên quét dọn. Cô nói sẽ không bao giờ quên được hình ảnh dân làng cho từng bó rau, hạt gạo; mỗi dịp có lễ cúng, bà con đều dành một phần riêng cho thầy cô giáo. Mùa mưa, nhiều lần cô rớt nước mắt khi có cả chục thanh niên tới khiêng xe máy qua thân cây đổ chắn ngang đường. 

Đường mới đón Tết
Những vất vả của người làng Đê Kôn đã được báo Tiền Phong phản ánh qua nhiều bài viết. Sau đó, Sở GTVT Gia Lai đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bước đầu làm 3km đường đèo. Về lâu dài, sẽ hoàn thiện toàn tuyến đường (6,6km) từ Quốc lộ 19 vào làng. Nhưng trước tình cảnh cấp bách, chính quyền huyện Mang Yang đã nhờ sự giúp đỡ của Lữ đoàn Công binh 7 san gạt, xóa bỏ con đường “đau khổ”, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn trước Tết dương lịch 2021.

Lữ đoàn Công binh 7 đã điều một máy đào đến san gạt, sau đó, dân làng và bộ đội dùng cuốc, xẻng cào lại bằng phẳng. Việc làm đường sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020.
Ông Trần Đình Hiệp, Bí thư Huyện ủy Mang Yang cho biết, ngoài việc nhờ Lữ đoàn Công binh 7 san gạt, mở lối, huyện đang kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ của một số nhà hảo tâm về nguyên vật liệu như đá dăm, cát, đất để làm đường cho bà con. 

Già làng Đê Kôn, ông Drưm than thở, chỉ những ai sống trên ngọn núi Đê Kôn, phải đi qua con đường này mới hiểu hết người dân cần có đường như thế nào. Ông nói, chỉ cần có đường bê tông, làng Đê Kôn sẽ không bị cô lập vào mùa mưa bão; dân làng sẽ có cơ hội vận chuyển nông sản ra bán tận trung tâm xã, huyện; cuộc sống chắc chắn sẽ ấm no hơn. Còn mỗi khi ốm đau, người làng cũng không còn phải vất vả khiêng hay cõng nhau vượt cung đường độc đạo gian nan.


MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.