Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”:

Xin được tâm tình cùng bạn đọc

Xin được tâm tình cùng bạn đọc
TPCN - Sau 20 năm, Xuân Khải, tác giả bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác có dịp được giãi bày tâm tư tình cảm, trao đổi với bạn đọc yêu quý những điều mà lâu nay được nhiều bạn đọc hết sức quan tâm...
Xin được tâm tình cùng bạn đọc ảnh 1
Cuộc gặp mặt sau 4 năm bài thơ MXNB đăng báo. (Từ trái qua phải: Xuân Khải, đồng chí Vũ Mão, đồng chí Đinh Văn Nam (cố TBT báo Tiền Phong) và người cuối cùng là nhà báo Lê Văn Ba) tháng 3/1990

Loạt bài phóng sự nhiều kỳ Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” và những ý kiến phản hồi của độc giả trên báo Tiền Phong cho thấy không khí dân chủ, tự do ngôn luận ở nước ta đang được cải thiện rõ rệt.

Ý chí vươn lên, tinh thần trách nhiệm công dân đối với vận mệnh quốc gia của nhân dân cả nước là động lực mạnh mẽ, tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.

Thật xúc động và hạnh phúc, vì đối với tiến trình phát triển của nhân loại thì thời gian 20 năm chỉ là “cái chớp mắt của lịch sử” nhưng là quãng thời gian quá dài đối với đời người phải trải qua nhiều gian nan vất vả, thế mà bạn đọc xa gần vẫn còn nhớ đến bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, nhớ đến tác giả Phạm Thị Xuân Khải.

Nhờ vậy, sau 20 năm, Xuân Khải mới có dịp được giãi bày tâm tư tình cảm, trao đổi với bạn đọc yêu quý những điều mà lâu nay được nhiều bạn đọc hết  sức quan tâm nhưng vẫn chưa nhận được sự hồi âm của  tác giả và Tòa soạn báo Tiền Phong.

Suốt 20 năm qua, Xuân Khải luôn mang nặng nỗi băn khoăn và áy náy trong lòng, vì vẫn chưa biết cơ hội nào để Xuân Khải và “những người trong cuộc” có thể giãi bày tâm sự với bạn đọc, sau sự kiện bài thơ MXNB đăng trên báo Tiền Phong ngày 25/3/1986.

Mỗi năm trôi qua, Xuân Khải càng thêm áy náy hơn, vì biết rằng trong số hàng trăm, hàng nghìn bức thư và hàng triệu tấm lòng đầy nhiệt huyết với quê hương, đất nước có không ít những cụ già, những thương bệnh binh, những người gặp  điều oan trái không thể sống để tiếp tục chờ đợi…

Biết làm thế nào được, khi mà tất cả đều phải kiên trì chờ đợi, nôn nóng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Xuân Khải hy vọng rằng, loạt bài đăng trên báo Tiền Phong vừa rồi, phần nào đã đem đến bạn đọc những thông tin về sự kiện chung quanh bài thơ gây chấn động dư luận từ 20 năm trước, về những gì đã xảy ra đối với tác giả bài thơ MXNB.

Khi chưa có điều kiện công khai thông tin rộng rãi những điều bạn đọc muốn được biết, Xuân Khải và những người trong cuộc hồi ấy vẫn lưu giữ tư liệu, lặng lẽ hồi tưởng, ghi chép lại, với ý nghĩ rằng: Cần phải viết cái gì đó để lại.

Năm 1990, sau cuộc gặp lại anh Vũ Mão và các anh Đinh Văn Nam, Lê Văn Ba (anh Lưu Văn Lợi đi làm Tham tán Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô), Xuân Khải đã bắt tay vào ghi chép lại để giữ làm tư liệu về những sự kiện sôi động, sau khi bài thơ MXNB ra đời, chuẩn bị dần cho tác phẩm sau này..

Hiện nay Xuân Khải đã viết thành cuốn sách, dưới dạng bản thảo để đấy. Bởi vì, thời gian và cuộc sống trôi qua không đợi ai cả, sức khỏe và trí nhớ của con người cũng có giới hạn theo tuổi tác nên mỗi buổi sáng sớm từng ngày, dù bận đến thế nào đi nữa, Xuân Khải vẫn dành thời gian từ 4 giờ đến 7 giờ sáng để viết một cái gì đó.

Viết để lưu giữ tư liệu, sau này có điều kiện sẽ hình thành những tác phẩm. Viết cũng để tự mình làm vợi đi những nỗi niềm suy tư, vơi đi những nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai, dù là người thân gần gũi nhất trong gia đình.

Bạn bè thân thiết cũng ít ai nghe Xuân Khải tâm sự điều gì liên quan đến chuyện riêng tư trong 20 năm qua. Mãi đến năm 2005 thì Xuân Khải mới bắt đầu hé mở vài câu chuyện liên quan bài thơ MXNB năm 1986 với các con.

Với các con, Xuân Khải càng phải giữ kín câu chuyện đời quá buồn của riêng mình, vì không muốn để cho các con biết sớm, trong khi cần tập trung vào việc học hành, không nên để các cháu bận tâm quá sớm về chuyện buồn của mẹ, sẽ ảnh hưởng không tốt cả một quãng đời tương lai còn dài của con cái.

Thật ra, có nhiều lúc buồn lắm chứ. Lẽ ra, nếu không vì sự kiện bài thơ MXNB, với bằng tốt nghiệp Đại học vào loại khá, với chứng chỉ Triết học sau Đại học vào loại giỏi, Xuân Khải có thể tiếp tục trở về cơ quan Nhà nước, tiếp tục cống hiến khả năng, sức lực của mình cho đất nước. Có thêm kiến thức mà ngày trở về chịu trắng tay là điều không dễ chịu chấp nhận đối với một người đã từng trải qua thực tế.

Sau khi học xong, Xuân Khải mới ở lứa tuổi 40 – Là thời kỳ con người đã đạt “độ chín” về nhiều mặt, nếu có kiến thức thì đó là thời kỳ làm được nhiều việc nhất.

Nhiều lúc Xuân Khải đã khóc một mình  nhưng rồi lại tự an ủi, động viên mình không biết bao nhiêu lần trong suốt 20 năm qua. Để buồn lâu sẽ dễ mất phương hướng trong cuộc sống. Và Xuân Khải lại một mình tự tìm lối thoát cho nỗi buồn về sự thiệt thòi, phải trả giá quá đắt, bằng chính sự nghiệp của mình.

Có những lúc cuộc sống vất vả, căng thẳng tưởng chừng không còn đủ sức chịu đựng, không thể tiếp tục vượt qua khó khăn được nữa. Cũng may là thần kinh của Xuân Khải vững vàng, thừa hưởng được trí nhớ và sự bình tĩnh của người cha mỗi khi gặp khó khăn và sự cần cù chịu khó của mẹ, cộng với nếp sống khá điều độ, phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý mỗi ngày từ khi còn nhỏ, lúc Xuân Khải học ở Trường học sinh miền Nam, đã giúp Xuân Khải vượt qua, cố gắng đứng vững trong cuộc sống.

Giá như những lúc khó khăn như vậy, nỗi buồn được  giãi bày với người thân, bạn bè thì nỗi buồn ấy được chia sẻ, cũng vợi đi nỗi lòng. Nhưng suốt 20 năm qua, Xuân Khải không thể chia sẻ cùng ai câu chuyện dài, có liên quan đến sự kiện bài thơ MXNB năm 1986. Nhưng Xuân Khải sống tự lập, tự tin, nên cũng đỡ phần nào.

Những người trong cuộc

>> Bài thơ "Mùa Xuân nhớ Bác"

>> Loạt bài của Tiền Phong về bài thơ gây chấn động dư luận.

Qua một loạt bài viết về Bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” trên báo Tiền Phong, các anh gợi ý Xuân Khải nên viết bài để giãi bày cùng độc giả về sự kiện bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác. Xuân Khải nhận thấy thời điểm này là thuận lợi để nói về những điều liên quan đến bài thơ.

Quả thật thời ấy, từ ý kiến cho phép đăng báo bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác của đồng chí Lê Đức Thọ đến việc đồng chí Lưu Văn Lợi (thư ký đồng chí Lê đức Thọ - người đầu tiên đọc bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác đã bày tỏ suy nghĩ của mình về bài thơ với đồng chí Lê Đức Thọ), Vũ Mão, Đinh Văn Nam, Lê Văn Ba.

Và các đồng chí trong Ban biên tập đã dám quyết định đưa bài thơ lên trang báo Tiền Phong lúc bấy giờ là một hành động can đảm, không hề đơn giản như dư luận cho rằng: Đồng chí Lê Đức Thọ đã “bật đèn xanh” là được, chẳng việc gì phải lo ngại gì nữa (!?)

Thời điểm ấy không phải ai cũng dám làm, cấp lãnh đạo không phải ai cũng sẵn sàng đồng tình ủng hộ cho việc "nói thẳng, nói thật” như bây giờ. Với tinh thần trách nhiệm của mình trước tình hình chung của đất nước có thể nói, lúc thực hiện một cách thận trọng nhất các bước chuẩn bị cho việc đăng bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác trên báo Tiền Phong, luôn tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ cũng là lúc các anh và báo Tiền Phong phải luôn chuẩn bị những tình huống khó khăn, sẵn sàng đối phó với mọi điều có thể đến bất kỳ lúc nào.

Phải nói, đó là thời kỳ “những người trong cuộc” đã sống những tháng ngày hết sức căng thẳng về tinh thần, lắng nghe dư luận quần chúng, theo dõi những vụ việc diễn ra trong “thời điểm nóng”, hết sức nhạy cảm này.

Tôi vẫn còn nhớ mãi nét mặt luôn luôn căng thẳng của Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam. Anh Đinh Văn Nam đã già đi trông thấy, tóc bạc rất nhanh trong những ngày tháng căng thẳng ấy.

Sau này, trong cuộc gặp gỡ với báo Tiền Phong tháng 3/2006 vừa qua, anh Dương Xuân Nam, Tổng Biên tập hiện nay của báo Tiền Phong đã kể chuyện lại về anh Đinh Văn Nam giữa thời điểm hết sức khó khăn phức tạp ấy, cũng trùng khớp với điều Xuân Khải đã biết và luôn nhớ về anh Đinh Văn Nam – Cố Tổng biên tập đầy tâm huyết với nghề báo và dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn phức tạp.

Có lẽ vì vậy nên anh Đinh Văn Nam đã đề nghị Xuân Khải ghi phía sau một trong những tấm ảnh mấy anh em chụp chung, trong dịp gặp lại nhau năm 1990, tại nhà anh Lê Văn Ba ở số  nhà 14 Trần Nhân Tông: “Những người sống sót bởi dám sống” để ghi nhớ sự kiện của năm 1986. 20 năm trước, anh Đinh Văn Nam đã thư cho Xuân Khải, mong muốn đến vận hội nào đó để sự kiện bài thơ MXNB được nhắc lại, được tỏ bày tâm sự với bạn đọc xa gần những câu chuyện kể, những điều tâm sự của “những người cùng trong cuộc”.

Giữa những ngày sôi động trước thềm Đại hội X, bài thơ  MXNB gây chấn động dư luận thuở nào được đăng trở lại, báo Tiền Phong và tác giả bài thơ lại được đón nhận tình cảm chân thành của độc giả và có thêm nhiều ý kiến phản hồi, để vừa đồng tình với việc đăng tải bài thơ của báo Tiền Phong, vừa muốn đóng góp thêm nhiều ý kiến với Đảng sắp khai mạc Đại hội lần thứ X sắp đến.

Họ mang theo vào bài viết những kỳ vọng với Đại hội X, mong muốn đất nước tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Giữa những ngày này, “những người trong cuộc” ngày ấy còn hiện diện ( Lưu Văn Lợi, Vũ Mão, Lê Văn Ba và Xuân Khải) vẫn nhắc đến bác Sáu Thọ, nhớ đến cố Tổng biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam và thấy mình càng gắn bó hơn với báo Tiền Phong.

Khi tiến hành nhiệm vụ này, chính là lúc các anh Vũ Mão, Đinh Văn Nam, Lê Văn Ba đã đặt uy tín và sự nghiệp công danh của mình trên “bàn chính trị” của đất nước. Nhất là sau đó một thời gian, có một số ý kiến không đồng nhất như ban đầu thì vấn đề càng trở nên phức tạp hơn và căng thẳng hơn đối với việc Ban biên tập báo Tiền Phong đưa bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác trên trang báo.

Từ trạng thái phấn khởi,vì nghĩ mình đã làm được một việc hết sức khó khăn phức tạp cho dân cho nước, được đại đa số quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ nhưng đến khi có những ý kiến thay đổi, có phần khác đi so với ý kiến chỉ đạo ban đầu, do có quá nhiều sức ép từ nhiều phía, càng gần đến ngày chuẩn bị khai mạc Đại hội VI, sức ép càng lớn. . .

Để dung hòa bớt những căng thẳng ấy, các anh đã phải đi xin lỗi cho tình hình phản ứng của một số Bí thư Tỉnh ủy dịu xuống. Sau đó là những ngày hết sức căng thẳng với mấy anh em chúng tôi.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn kiên định, động viên nhau bình tĩnh để vượt qua được những tháng ngày vô cùng khó khăn ấy. Chính vì lý do này mà Xuân Khải phải đành sống trong cảnh “ tranh tối, tranh sáng” như bạn đọc đã nói.

Xuân Khải rất cám ơn các  đồng chí Lê Đức Thọ, Lưu Văn Lợi, Vũ Mão, Đinh Văn Nam, Lê Văn Ba và Ban biên tập báo Tiền Phong, về việc đã can đảm quyết định cho đăng bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác giữa “thời điểm nóng”, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Đoàn 26/3/1986.

Tôi xin cám ơn độc giả đã đồng tình, ủng hộ bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, đã động viên tinh thần để Xuân Khải vững vàng hơn trong những lúc khó khăn.

Đến nay, nhiều độc giả vẫn còn hỏi: Vì sao Phạm Thị Xuân Khải đã viết bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác? Vì sao sau khi bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác được độc giả chào đón, mến mộ, muốn biết rõ hơn về tác giả, muốn gặp gỡ Xuân Khải nhưng hầu như rất ít người biết thêm những thông tin về người đã viết bài thơ “động trời dư luận”...

Thậm chí, vợ chồng anh Minh Thảo công tác ở Thông tấn xã Việt Nam cho biết đã ngậm ngùi, thương bạn, khi nghe có người nói: Xuân Khải đã qua đời lâu rồi. Mãi đến tháng 3/2006 , khi đọc loạt bài trên báo Tiền Phong, anh Minh Thảo đã cố tìm cách liên hệ để gặp được Xuân Khải tại Hà Nội thì họ mới biết là Xuân Khải vẫn còn sống, đang có mặt tại Hà Nội và vẫn tiếp tục viết.

Lẽ ra, khi nhận được hàng trăm bức thư bạn đọc, Xuân Khải rất muốn được hồi âm ngay, không nên im lặng quá lâu như vậy nhưng hoàn cảnh lúc ấy chưa cho phép.

Thậm chí, có những người bị oan sai, ở xa vẫn cố công tìm gặp Xuân Khải nhiều lần để giãi bày tâm sự nhưng không được và chắc đến nay, có những người đã vĩnh viễn từ giã cõi đời . . .

Và cũng những năm tháng diễn ra những vấn đề phức tạp, mọi chuyện đều có thể xảy ra nên Xuân Khải không muốn bạn đọc phải bị liên lụy vì đã đồng tình ủng hộ bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác.

Vừa qua, thời gian ở Hà Nội, Xuân Khải gặp được một số bạn đọc từ những vùng quê xa xôi, liên hệ tìm gặp tác giả bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, được nghe câu chuyện quá khứ đau buồn của gia đình họ, có liên quan đến việc vì đồng tình ủng hộ bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác của Xuân Khải, khiến cho Xuân Khải suy nghĩ , mất ngủ mấy đêm liền, vì thương cho tình cảnh của gia đình ấy, thương cho các cháu bé đã sớm  có những ấn tượng ngay từ thời niên thiếu về những điều không vui.

Đối với Xuân Khải, sau sự kiện bài thơ là thời kỳ đầy khó khăn và thách thức, không thể chia sẻ cùng ai, kể cả người thân trong gia đình mà trong một loạt bài viết của các phóng viên Phùng Nguyên, Phương Hiếu, đăng trên báo Tiền Phong gần đây, cũng mới chỉ nêu được một phần khó khăn vất vả mà Xuân Khải đã phải trải qua suốt 20 năm qua...

(Trích bài viết của tác giả bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” vừa gửi cho báo Tiền Phong)

MỚI - NÓNG