Xét xử vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người chết

Các bị cáo trong vụ án (3 người ngồi bàn khai báo).
Các bị cáo trong vụ án (3 người ngồi bàn khai báo).
TPO - Cơ quan truy tố xác định chủ quán karaoke đã tự ý thay đổi, không làm theo đúng thiết kế về PCCC theo thiết kế đã duyệt, không giám sát thi công; khi đang sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn cho 2 tốp khách vào hát tại các phòng 502 và 602.

Từ vi phạm quy định phòng chống cháy...

Sáng 26/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở Hà Đông, Hà Nội), Hoàn Văn Tuấn (SN 1993, ở Nghĩa Đàn, Nghệ An), Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo khoản 3 điều 240 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 7 đến 12 năm.

Theo cáo trạng, khoảng 14h ngày 1/11/2016, một vụ cháy xảy ra tại quán Karaoke 68, đường Trần Thái Tông (Hà Nội) sau đó cháy lan sang các cố nhà 70,72,74 đường Trần Thái Tông. Đám cháy được lực lượng công an, quân đội… dập tắt vào 17h cùng ngày.

Theo điều tra, nhà số 68 nói trên được cấp phép xây 6 tầng nhưng chủ nhà xây thành 9 tầng và 1 tum. Căn nhà được Nguyễn Diệu Linh thuê với giá 155.750.000 đồng/tháng làm trụ sở kinh doanh và hoạt động dịch vụ karaoke. Ngày 13/10/2016, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho bà Linh nhưng đến thời điểm xảy ra vụ cháy, việc thi công PCCC vẫn chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu.

Đơn vị thi công PCCC tại nhà số 68 đã lắp đặt các thiết bị PCCC gồm trung tâm báo cháy tự động, đầu báo cháy khói quang học, đầu báo cháy nhiệt gia tăng, chuông, đèn… nhưng chưa kết nối nên hệ thống các thiết bị chưa hoạt động.

Ngoài ra, hồ sơ thiết kế tòa nhà cho thấy, ở tầng hai phải lắp cửa thoát hiểm nhưng bị cáo Linh không lắp; vách ngăn các phòng phải xây bằng gạch, nhưng từ tầng 3 đến tầng 6 tòa nhà gồm có 7 phòng hát, các vách ngăn được làm bằng sắt, gỗ và nguyên liệu cách âm; Linh còn cho lắp đặt biển quảng cáo rộng hơn 5m, cao 13m (vi phạm quy định của Bộ Công an).

Tiếp đến, Nguyễn Diệu Linh giao nhóm Trương Văn Tuyên (SN 1983) thi công phần cách âm tại quán. Sáng 01/11/2016, ông Tuyên đến liên hệ bị cáo Lê Thị Thì khảo sát và thỏa thuận công việc là hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ.

...đến thảm họa chết 13 người

Khoảng 13h30 cùng ngày, Lê Thị Thì cùng Hoàng Văn Tuấn và Lê Văn Viện (Tuấn và Viện là thợ hàn sắt không có chứng chỉ) mang theo máy móc, dụng cụ hàn cắt đến quán Karaoke 68 Trần Thái Tông. Tuấn lấy máy hàn, cắm điện, dùng máy hàn thổi lửa, dùng nhiệt cắt bản lề tầng 2 dù không có các dụng cụ che chắn, bảo đảm an toàn về PCCC khiến lửa vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy.

Xét xử vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người chết ảnh 1

Hiện trường vụ cháy.

 

Khi phát hiện có khói, nhóm thi công dùng nước đổ vào nhưng không dập được lửa nên ra ngoài hô hoán để mọi người chạy ra ngoài.

Thấy vậy, khách đang hát tại phòng 601 chạy ra ngoài thì chỉ còn anh Trần Quang Khánh khi đó đang trong nhà vệ sinh chạy ra sau và tử vong tại phòng 502.

Tốp khách hát tại phòng 502 có 14 người nhưng chỉ có 2 người dùng áo thấm nước chùm lên đầu và chạy thoát.

Tổng cộng, có 13 người bị tử vong trong đám cháy. Về tài sản, toàn bộ quán karaoke 68, 11 xe máy, 1 xe đạp điện bị cháy đồng thời cháy lan sang các quán Bách Lộc số 70, quán Kstar 72, quán Nhật số 74 và khách sạn Yến Hotel 66 cạnh đó.

Theo giám định, nguyên nhân cháy do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực của ra vào phòng phía ngoài (tính từ Đông sang Tây) làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến các vụ cháy nói trên.

Cơ quan truy tố xác định, Nguyễn Diệu Linh đã tự ý thay đổi, không làm theo đúng thiết kế về PCCC theo thiết kế đã duyệt, không giám sát thi công; khi đang sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn cho 02 tốp khách vào hát tại các phòng 502 và 602.

Bị cáo Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy, dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bàn lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề trực tiếp gây cháy.

Bị cáo Lê Thị Thì là chủ sử dụng lao động Hoàn Văn Tuấn đã sử dụng lao động không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các qui định an toàn phòng cháy nổ, không có biện pháp phòng chống cháy nhưng vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa.

Trong buổi sáng 26/3, chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước các bị cáo, nhân chứng, đương sự… và kiểm sát viên công bố cáo trạng.

Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.