Học sinh giỏi, có điểm thi quá thấp
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường lựa chọn ít nhất hai phương thức và nhiều nhất là 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, nhiều trường ĐH top trên lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả ghi trên học bạ của học sinh. Theo quy định, tất cả các trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TPHCM có 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, có phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường.
Theo đó, đối tượng ưu tiên xét tuyển gồm: Học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu thuộc các trường ĐH, tỉnh thành trên toàn quốc; Học sinh các trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong các năm 2016, 2017 và 2018. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM dành 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức này. Các trường khác của ĐH quốc gia TPHCM cũng dành số lượng chỉ tiêu tương tự để xét tuyển bằng phương thức này.
Tại khu vực phía Bắc, Học viện Tài chính đi đầu trong việc xét tuyển dựa trên kết quả học bạ của học sinh giỏi 3 năm liên tiếp. Học viện Tài chính sử dụng phương thức này đã 4 năm nay. Cho đến hiện tại, có nhiều trường sử dụng phương thức này.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH ngoài công lập, ĐH tại các địa phương đưa ra phương thức xét tuyển dựa trên điểm ghi trong học bạ là chủ yếu với yêu cầu chỉ cần đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kết quả học tập loại giỏi ghi trên học bạ không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực lực của thí sinh. Nhiều phụ huynh cho biết, kỳ thi THPT vừa qua có những thí sinh học cùng lớp với con em của họ, lực học như thế nào, các bạn trong lớp biết rõ là chưa giỏi, thế nhưng vẫn được ghi là học lực giỏi. Ví dụ như, thí sinh có số báo danh 0101xxx học tại một trường THPT ngoài công lập của Hà Nội, học lực được xếp loại giỏi, đủ điều kiện để xét tuyển thẳng vào Học viện Tài chính. Thế nhưng, điểm thi tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ của thí sinh này chưa đạt đến điểm sàn để đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Ngoại thương. Lựa chọn ưu tiên số 1 của thí sinh này là vào ĐH Ngoại thương nhưng phải chuyển sang đăng ký xét tuyển thẳng vào Học viện Tài chính và đã trúng tuyển.
Cần thước đo chung
Là trường lần đầu tiên sử dụng phương thức tuyển sinh xét tuyển học sinh trường chuyên học giỏi, đại diện trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã xong thủ tục nhập học cho những thí sinh xét tuyển bằng phương thức này. Theo quy định của trường, những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp phải đáp ứng đủ các điều kiện: Là học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên, điểm tổng kết đạt 8,5 trở lên, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
“Trường đã “chạy” thử ngẫu nhiên điểm thi THPT quốc gia của một số thí sinh trong diện xét tuyển này, kết quả cho thấy, các em đều đủ điểm để trúng tuyển vào trường nếu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia”, vị đại diện này cho hay. Vị này cũng phân tích, mỗi địa phương thường chỉ có 1 trường THPT chuyên, mỗi môn học lại chỉ có 1 lớp chuyên nên thí sinh vào học đã được “lọc” đầu vào khá kỹ. Không những thế, để trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp này, các em còn phải đạt hai điều kiện nữa (kết quả học tập trung bình phải từ 8,5 và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).
Còn đối với hình thức tuyển thẳng, riêng những thí sinh được giải của cuộc thi khoa học kỹ thuật, Trường ĐH Ngoại thương đặt thêm một điều kiện là phải có điểm thi THPT quốc gia theo tổ hợp xét tuyển đạt từ điểm sàn của trường trở lên (20,5 điểm/tổ hợp xét tuyển). Với quy định này, một số thí sinh đạt giải quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật nhưng vẫn không được vào trường.
PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa cho rằng, mỗi phương thức có một quy chuẩn để xét tuyển. Vấn đề là thước đo nào đủ tin cậy để làm việc đó. Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức ngày càng hoàn thiện, tin cậy. Đồng thời, dựa vào đó có thể đánh giá được mặt bằng chung chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng đầu vào của các trường ĐH.
Theo PGS Trần Văn Tớp, học bạ chỉ là điều kiện để xét tuyển. Ví dụ như Mỹ có kỳ thi SAT, ACT… ngoài ra học sinh phải làm thêm một bài luận. Còn ở Việt Nam, thường nhiều trường chỉ xét thuần túy bằng học bạ. Nếu học bạ của học sinh Việt Nam phản ánh đúng năng lực của các em, không vì thành tích thì đây hoàn toàn là cơ sở để xét tuyển. Nhưng theo PGS. Tớp, ngay cả những người trong ngành cũng nhận thấy đôi khi học bạ chưa phản ánh đúng năng lực của học sinh. “Bài học rất rõ là cuối những năm 1990, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH tuyển thẳng học sinh giỏi 3 năm THPT. Thế nhưng, ngay sau đó phải dừng. Vì sao phải dừng chắc ai cũng biết. Hiện nay các trường tự chủ nên hoàn toàn có quyền đưa ra phương án tuyển sinh xét tuyển dựa trên kết quả học tập ghi trên học bạ. Tôi lo rằng, trong thời gian tới, phương thức xét tuyển này có thể bị lợi dụng, các trường ĐH không tuyển được người giỏi, tạo ra một bất công khác”, PGS Trần Văn Tớp nói.
“Tôi lo rằng, trong thời gian tới, phương thức xét tuyển này có thể bị lợi dụng, các trường ĐH không tuyển được người giỏi, tạo ra một bất công khác”.
PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa