Ngày 24/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả điểm thi Tốt nghiệp THPT 2022. Nếu tính theo điểm trung bình các bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại Ngữ và 2 bài thi tổ hợp KHTN; KHXH, Nam Định là địa phương dẫn đầu với số điểm 7,047.
Tính theo điểm trung bình các môn, Hà Nội đứng thứ 25 tương đương năm ngoái. |
Top địa phương có điểm trung bình cao tiếp theo phải kể đến là: Vĩnh Phúc (7,026); Bình Dương (7,021); Ninh Bình (7.0); Hải Phòng (6.89); Hà Nam (6.76); Phú Thọ (6.722); Hà Tĩnh (6.72); Thái Bình (6.63)….
Về bài thi đạt điểm 10, năm nay Thanh Hoá chỉ có 37.700 thí sinh dự thi nhưng có tới 422 bài thi đạt điểm 10, dẫn đầu toàn quốc. Các địa phương có số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều lần lượt là: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang…
Kỳ thi năm nay với khoảng 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn tuy nhiên tính cả điểm trung bình các môn thi và lượng bài thi đạt điểm 10 đều không dẫn đầu. Cụ thể, Hà Nội có gần 98.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 401 bài thi đạt điểm 10 (xếp sau Thanh Hoá) và tính theo điểm trung bình các môn, Hà Nội đứng thứ 25, tương đương năm ngoái. Chưa kể, môn Sinh học, Hoá học, Hà Nội còn lọt top 10 địa phương có điểm trung bình môn thấp nhất.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cũng có hơn 85.000 thí sinh dự thi, chỉ có 223 bài thi đạt điểm 10. Nếu tính theo điểm trung bình các môn, địa phương này năm nay xếp thứ 13, tụt 4 bậc so với năm ngoái.
Qua dữ liệu xếp hạng các địa phương theo kết quả thi THPT trong 5 năm liên tục, từ 2017 đến nay, Nam Định luôn là tỉnh lọt vào danh sách 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Vì sao Hà Nội không lọt top đầu?
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, những địa phương như Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh lâu nay vốn được coi là “đất học”. Điều này có nghĩa, cả gia đình, nhà trường, xã hội đều tập trung thời gian, nguồn lực cho con cái được học tập tốt nhất trong môi trường giáo dục ổn định.
Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nhưng địa bàn rộng lớn, đông học sinh nhưng chất lượng học tập không đồng đều giữa các vùng, các nhà trường. Nếu nói về sự quan tâm của cha mẹ học sinh, Hà Nội có một tỉ lệ nhất định đầu tư rất lớn cho giáo dục, còn nhiều em có gia đình khó khăn hoặc phụ huynh bận làm ăn chưa thật sự quan tâm dẫn đến kết quả học tập không được như ý. Ông lấy ví dụ, ngay cả môn Tiếng Anh nhưng tại Hà Nội sẽ có 2 nhóm rõ ràng, một nhóm đạt điểm cao và nhóm chỉ rơi vào điểm 4-5.
“Ngoài ra, các trường học còn “sính” thành tích, chạy theo tỉ lệ học sinh giỏi các cấp, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng giáo dục thực chất, đồng đều giữa các học sinh”, ông Khuyến nói.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hoá học, Trung tâm HOCMAI Hà Nội lại cho rằng, lý do Hà Nội xếp thứ hạng thấp điểm trung bình các môn thi là có 2 lý do.
Thứ nhất là chênh lệch trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao của Hà Nội còn lớn, các quận trung tâm có chất lượng giáo dục tốt hơn hẳn so với ngoại thành (bằng chứng là điểm chuẩn đầu vào lớp 10). Nếu tính riêng điểm trung bình các quận trung tâm thì rất cao nhưng khu vực ngoại thành lại rất thấp.
Thứ hai là nhiều học sinh Hà Nội không quá quyết tâm với kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Do nền tảng tài chính tốt, không phải lo chi phí ăn ở, sinh hoạt như các bạn ngoại tỉnh về Hà Nội học, không ít em đã có nhiều lựa chọn khác để vào ĐH.
Ví dụ như, ở các trường học sinh có năng lực hoặc gia đình có điều kiện đã có lựa chọn đi du học, học các chương trình Liên kết quốc tế hay học các trường ĐH Quốc tế ở Việt Nam, các ĐH Dân lập - tư thục có học phí đắt đỏ, .... “Các trường này thường có các điều kiện tuyển sinh khác, trong đó điểm thi Tốt nghiệp đóng vai trò không quá lớn. Thậm chí, ngay cả với mục tiêu xét tuyển vào các trường ĐH top đầu thì các bạn cũng chuộng phương thức xét tuyển kết hợp hơn do năng lực ngoại ngữ tốt hơn”, thầy Ngọc phân tích.
Về lý do, các bộ môn như Hoá học, Sinh học Hà Nội lọt tốp 10 địa phương có điểm thi trung bình thấp nhất toàn quốc, thầy Ngọc nói rằng: "Sở dĩ có thực tế này là vì hơn chục năm liền, địa phương này tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ bằng 2 môn Toán và Ngữ văn. Điều này dẫn đến, trong một thời gian dài, học sinh THCS sẽ xem nhẹ tất cả các môn, tập trung học 2 môn thi. Khi vào THPT, giáo viên “kêu trời” vì học sinh “mất gốc” các môn khác".
Trong khi Hoá học là môn đòi hỏi tính có hệ thống, học sinh phải có kiến thức nền tảng từ THCS mới có thể dễ dàng học tốt ở bậc THPT. Do đó, các em rất khó để theo các môn tự nhiên cũng như hạn chế việc lựa chọn khối thi và cơ hội chọn ngành nghề. Chính vì lý do này, từ năm 2019, Hà Nội đã quyết định cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 quay trở lại là 4 môn, trong đó môn thi thứ 4 sát kỳ thi mới thông báo nhằm hạn chế học lệch.
Tuy nhiên liên tiếp mấy năm liền dịch bệnh phải học online, Hà Nội cũng chỉ có thể cho thi môn Sử (là môn xã hội, có tính chất học thuộc) hoặc chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Anh do đó tình trạng điểm thi thấp sẽ kéo dài thêm ít năm nữa.
Một chuyên gia giáo dục lại nhìn nhận, Hà Nội xếp hạng thấp nhưng có 401 điểm 10 và nhiều thủ khoa nhất. Cụ thể, địa phương này có 3/5 thủ khoa các tổ hợp thi truyền thống, trong đó có thủ khoa khối A00 toàn quốc đạt điểm số tuyệt đối 30/30. “Ở chiều ngược lại, Hà Nội cũng có tỉ lệ học sinh bị điểm liệt khá lớn. Ngoài học sinh các trường THPT, Trung tâm GDTX- GDNN, thì Hà Nội cũng là địa phương tập trung lượng thí sinh tự do rất lớn (năm nay 5.000 thí sinh) cũng có thể là một trong những lý do khiến điểm thi trung bình địa phương thấp”, vị này nói.