Xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự

Ông Võ Kim Cự. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Võ Kim Cự. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở quyết định kỷ luật của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo để Quốc hội xem xét tư cách đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đối với ông Võ Kim Cự ngay tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vào thời điểm xảy ra sự cố môi trường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4/2016, cũng là thời điểm đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông Võ Kim Cự khi đó được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử với tư cách là đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Sau khi bỏ phiếu, ông Võ Kim Cự trúng cử với tỷ lệ 75% và trở thành ĐBQH khóa XIV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.

“Sau sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, ngay kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV, cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cần xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự. Trả lời báo chí lúc đó, tôi cũng đã nêu rõ quan điểm là phải chờ kết luận chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư về sai phạm của ông Võ Kim Cự. Sai phạm cụ thể như thế nào, mức độ đến đâu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thể báo cáo QH xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự”, ông Phúc lý giải.

Trước đó, ngày 21/4 vừa qua, Ban Bí thư đã công bố kết luận kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ TN&MT và một số cán bộ có vi phạm nghiêm trọng trong vụ việc Formosa xả thải gây ra sự cố về môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Cụ thể, ông Võ Kim Cự bị cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh theo quy định).

Ông Võ Kim Cự là người trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án. 

“Như vậy, khuyết điểm của ông Võ Kim Cự là nghiêm trọng, không còn đủ uy tín để làm ĐBQH nữa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở để báo cáo QH xem xét tư cách ĐBQH khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Quyết định cuối cùng về hình thức xử lý đối với ông Võ Kim Cự sẽ do QH quyết định tại kỳ họp thứ 3 (diễn ra vào tháng 5 tới). Cá nhân tôi cho rằng, khi một cá nhân nào đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì không thể làm ĐBQH được nữa”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Việc bãi nhiệm ĐBQH trong các trường hợp: ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm; Trong trường hợp QH bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành; Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

MỚI - NÓNG