Xem thư họa khám “Điện tâm đồ”

Xem thư họa khám “Điện tâm đồ”
TP - Những nét vẽ hay chữ viết cũng là một dạng “đồ thị sóng điện tâm” có thể đo được trạng thái tình cảm cũng như tâm lý của con người.
Xem thư họa khám “Điện tâm đồ” ảnh 1
Nhóm tác giả (từ trái qua) Trần Trọng Dương, Vũ Kim Thư, Lê Quốc Việt

Cuộc triển lãm mang tên Điện tâm đồ của 3 nghệ sỹ làm trên chất liệu giấy, gồm Ái Châu Lê Quốc Việt, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương -  hai thành viên nhóm Zenei Gang of Five (nhóm thư pháp Tiền Vệ) và nữ họa sỹ Vũ Kim Thư vừa được khai mạc (28/10) tại Trung tâm văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền (Hà Nội).

Tại triển lãm này, người xem choáng ngợp trước những tác phẩm thư pháp tiền vệ từ trên trần rủ xuống, những giải kinh Phật cổ bằng giấy dó chạy theo những nhịp gấp khúc bao quanh tường phòng dài hàng chục mét, những nét bút vân vi phủ kín toàn bộ các bức kính của gian phòng triển lãm, những đám mực loang từ trần xuống đến sàn.

Dường như đối nghịch lại với sự hoành tráng này là những tác phẩm gấp, cắt, vo giấy, trên vẽ đầy những nét bút kim rất nhỏ chứa trong lồng kính của Kim Thư với những vật hỗn độn rất gợi cảm.

Nhìn chung, đây là những tác phẩm trừu tượng được sáng tạo bằng mực nho, với đường nét tự do nhưng có gốc gác từ việc viết thư pháp cổ. Những đường nét như xuất phát từ bản thể đi thẳng ra giấy, tạo cảm giác chứ không tạo nghĩa.

Đây cũng có thể coi là  biểu hiện phản ứng của nghệ sĩ trước sự hỗn độn xô bồ, đôi khi vô nghĩa (hoặc quá nhiều ý nghĩa) của đời sống đương đại. Những hình - nét không chủ tâm, không tự ý thức, tưởng chừng như vô nghĩa đó đôi khi lại phản ánh rất rõ trạng thái tinh thần và cảm xúc của con người.

Dù không có hình thể rõ ràng, nhưng chúng lại đem đến những hiệu ứng thị giác mới và phản ánh những điều không thể diễn đạt bằng ngôn từ.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với nghệ sĩ Trần Trọng Dương tại buổi khai mạc triển lãm.

Vì sao các anh, chị lại chọn cái tên nghe khá ngộ “Điện tâm đồ” cho triển lãm?

“Điện tâm đồ” vốn là một khái niệm của ngành y, chỉ các đồ thị sóng điện dùng đo nhịp tim. Qua một thời gian tiếp xúc với nghệ thuật đường nét, chúng tôi nhận thấy rằng những nét vẽ hay chữ viết cũng là một dạng “đồ thị sóng điện tâm” có thể đo được trạng thái tình cảm cũng như tâm lý của con người.

Thời cổ xưa, người phương Đông cho rằng nhìn những nét nứt trên mai rùa có thể đọc được tiếng nói của thần linh. Thầy địa lý quan trắc các vệt mây trên trời để định việc cát hung. Những thầy bói, thầy mo cũng có phép nhìn chữ viết, nét bút để chẩn đoán tính cách con người và số phận của họ.

Những nhà nho thì đọc thư pháp của một người là để đối thoại với tâm hồn, chí khí cũng như tiếp cận với cảnh giới đạo đức của người đó. Dù vô tình hay hữu ý, dù hữu thức hay vô thức, thì các nét vẽ hay chữ viết bao giờ cũng mang trong nó một thân phận, một tâm hồn.

Nét viết thường nói lên ít nhiều tính cách của người viết. Và như thế, hình -nét có thể coi như là một chiếc máy điện tâm đồ. Điểm khác là ở chỗ, máy điện tâm đồ trong y học hiện đại được dùng để đo nhịp tim và sức khỏe của bệnh nhân; còn nét vẽ hay chữ viết là cái biểu đồ của đạo đức và tâm hồn. 

Rất nhiều người thích thú với những hình, nét tạo ra từ chữ Hán và cả những nét trang trí gần với cách viết Hán tự. Tinh thần của triển lãm này thế nào? Nói một cách hơi khuôn sáo các anh có “thông điệp” gì tới người xem?

Chúng tôi không tập trung vào nội dung văn tự ngữ nghĩa. Qua đường nét mảng miếng đậm nhạt người xem tự cảm nhận như xem tranh chứ không phải đọc chữ. Chữ ở đây có thể đọc được nhưng lại tối nghĩa thậm chí là vô nghĩa. Có cả những tên người đặt cạnh nhau hay lặp đi lặp lại triền miên một cách máy móc.

Các tác phẩm sắp đặt của Vũ Kim Thư biểu thị sự nhàm chán của cuộc sống đương đại. Những đường tỉa bằng bút kim khiến người xem phải cúi sát mặt và căng trí não. Tỉ mẩn, tinh vi đến mức có thể gây khó chịu.

Trong khi, các tác phẩm của hai thành viên nhóm Zenei Gang of Five là Lê Quốc Việt và tôi thể hiện sự chán nản và bất lực với những văn tự đã chết. Chữ không còn nghĩa nữa, mà chỉ còn lại sự thất vọng về cuộc sống phù phiếm và hời hợt.

Triển lãm Chữ năm 2007 của nhóm Zenei Gang of Five như là sự hồi cố về văn hóa cổ truyền. Đến Điện tâm đồ, văn tự chỉ còn là cái cớ để chúng tôi biểu đạt những cảm nhận về cuộc sống mà thôi.

Là người tham gia khá nhiều dự án nghệ thuật thư họa, là thành viên của nhóm “Thư pháp tiền vệ”, anh có thể nói về nghệ thuật của các anh? Nó khác gì với thư pháp của người xưa?

Xem thư họa khám “Điện tâm đồ” ảnh 2
Một phần trong triển lãm “Điện tâm đồ” (tác phẩm trên kính cửa). Ảnh: Nguyễn Quang Hưng

Thư pháp Tiền Vệ, hiểu một cách gần gũi, đó là thư pháp được trình diễn, kết hợp nghệ thuật kinh điển với các nghệ thuật mới, tạo nên sức sống mới, khiến cho con chữ và quan trọng hơn là tinh thần của nó không khô cứng và đơn điệu nữa.

Cái mới của triển lãm Điện tâm đồ ở chỗ, thư pháp lần đầu tiên thoát khỏi mặt phẳng của chất liệu để bước lên mặt phẳng ba chiều nên hiệu ứng thị giác cũng cao hơn.

Các tác phẩm đều được trưng bày dưới hình thức sóng. Các đường nét là một dạng sóng, lại bó chặt với nhau thành những giải băng tần bất tận, chữ Hán chữ Nôm được viết theo lối hành thảo quấn quện lấy nhau như không có khởi đầu và cũng không có kết thúc, vô thủy vô chung.

Thêm nữa, mặt phẳng giấy bị bẻ cong, uốn lượn theo những nhịp sóng nhấp nhô bất định. Trong triển lãm này, chúng tôi còn sử dụng hiệu ứng ánh sáng hòa với nhịp của bóng chữ.

Như tôi biết, ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có trường phái thư pháp mới. Các anh có “du nhập” họ không?

Việt Nam nói chung và nghệ thuật Việt Nam nói riêng luôn là người đến “ăn tiệc sau” cho nên đồ ăn đều phải “du nhập”. Thư pháp cũng không phải là ngoại lệ. Thư pháp mới, hay còn gọi thư pháp Tiền vệ đã xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản cách nay sáu bảy chục năm, và lan sang Trung Quốc vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

Nhóm Zenei Gang of Five chúng tôi (gồm: Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn và tôi) đã khởi động làm nghệ thuật thư pháp mới quãng 3 năm trở lại đây.

Không chỉ dừng lại việc đẩy cao tính họa trong đường bút nét mực vốn có sẵn trong truyền thống “thư họa đồng nguyên”, nhóm đã chủ động đưa nghệ thuật trừu tượng và tư tưởng Thiền vào trong hoạt động thư pháp.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người thắc mắc nếu viết thư pháp mà lại viết những chữ vô nghĩa thì có phải là “đập phá quá khứ”?

Xin nói rõ thêm, đây là một triển lãm nghệ thuật đương đại, lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp xưa và nguyên liệu (giấy xuyến, mực nho...) nhưng tinh thần thì hoàn toàn mới, gắn với cuộc sống hôm nay.

Vừa có nghĩa lại vừa vô nghĩa, ấy chính là các mặt của những hiện tượng trong cuộc sống đương đại. Chữ Hán chữ Nôm dù có viết rõ ràng thì dẫu sao cũng đã là một thứ văn tự đã chết, đã bị loại khỏi đời sống văn hóa người Việt gần trăm năm nay.

Sự lặp đi lặp lại hai ba chữ Hán hay tên người thể hiện sự nhàm chán và bất lực, hay cũng có thể thể hiện những trạng huống tinh thần bất định của con người. Hãy xem các tác phẩm của chúng tôi dưới góc độ tạo hình.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.