Xem San Francisco, nhớ San Francisco

Cầu Cổng Vàng và vịnh San Francisco Ảnh: Xuân Ba
Cầu Cổng Vàng và vịnh San Francisco Ảnh: Xuân Ba
TP - Tôi vừa xem clip “San Francisco trở thành phố ma trong dịch” được quay từ hồi tháng 3 và đọc bài San Francisco trở thành thành phố tiêu biểu chống dịch COVID 19 hiệu quả của nước Mỹ nhờ lệnh “trú ẩn trong nhà” của nữ thị trưởng quyết đoán London Breed. Lại nhớ lần đến San Francisco 6 năm về trước. Nhiều ấn tượng. Nhiều kỷ niệm. Nhưng xin chọn lấy 3.

Nhớ cơn sốt vàng ở vịnh San Francisco

Đã đến San Francisco, phải đến cầu Cổng Vàng, bắc qua vịnh San Francisco, được bình chọn là một trong những công trình kiến trúc được yêu thích nhất của nước Mỹ. Trên thế giới, nó vang danh là địa điểm có nhiều người tự tử nhất, vượt lên trên nhiều cây cầu, thác nước, vách đá trứ danh khác ở nhiều quốc gia và trên cả khu rừng ma Aokigahara rùng rợn ở Nhật Bản.

Không hiểu sao những người quyết định dừng sống lại thích cây cầu này (trung bình cứ hai tuần có một vụ tự tử). Có thể khung cảnh đặc biệt của nó? Hay vì nó quá cao so với mặt nước nên họ cầm chắc thành công khi thực hiện ý định (thực tế chỉ có gần ba chục người sống sót trong số khoảng 1.600 người đã tự tử ở cây cầu này). Hay do cầu phải bảo đảm an toàn khi có bão mạnh nên thiết kế không có các rào chắn hai bên khiến cho việc tung mình ra khoảng không của những người chán sống dễ dàng hơn?

Cầu Cổng Vàng là một cầu đẹp, ấn tượng, nhưng thú thật khi đến đó, ánh nhìn của tôi lại cứ bị hút xuống sâu tít phía dưới là vịnh San Francisco. Tôi nhìn và hình dung cảnh tượng và giữa thế kỷ 19, chính xác là năm 1848, năm xảy ra cuộc Cách mạng Đức và cũng là năm Marx và Engels viết “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, vịnh San Francisco đông nghịt cột buồm hàng mấy trăm chiếc tàu bị vứt bỏ lại trong cơn cuồng sốt tìm vàng ở Miền Tây nước Mỹ.

Vàng được phát hiện ở California, và nhiều đến độ những người muốn làm giàu đổ về đây vội vàng đến mức vứt bỏ tàu lại ở bến tàu vịnh San Francisco, lao ngay lên bờ dấn thân vào cuộc chạy đua tàn khốc. Hình dung chỉ trong vòng non 1 năm, dân số của San Francisco đã tăng vọt từ 1.000 lên 25.000 người (trên bình diện toàn vùng thì có khoảng 300.000 người đã đổ về California từ khắp nơi trên nước Mỹ và thế giới trong các năm của cơn sốt vàng California 1848 – 1855).

Người ta ước lượng rằng có khoảng một nửa số người tìm vàng đã kiếm được vận may đổi đời, hầu hết là những người đến sớm. Có tài liệu viết rằng trong vòng một vài tháng, một nhóm tìm kiếm làm việc trên sông Feather năm 1848, có thể kiếm được tổng lượng vàng có giá trị hơn 3 triệu USD theo giá năm 2010.

Cơn sốt vàng California để lại nhiều hệ quả quan trọng. Vùng California đã gia nhập và trở thành một bang của nước Mỹ. California trở nên đông đúc, giàu có. Một số thành phố có dân số lớn và thịnh vượng hình thành mà San Francisco là một. Nó dẫn đến Cơn sốt vàng Úc ngay sau đó. Nền kinh tế Hoa Kỳ và cả kinh tế thế giới được một cú huých. Khoảng 100.000 người da đỏ bản địa chết do dịch bệnh, môi trường sống bị tàn phá và bị giết (khoảng 4.500 người).

Xem San Francisco, nhớ San Francisco ảnh 1 Biểu trưng của thành phố

Cơn sốt vàng để lại dấu vết sâu đậm trong tinh thần, ý thức chính trị và văn hoá của người California và người Mỹ. Bang California có biệt danh là “The Golden State” (Bang Vàng). Khẩu hiệu của bang California là "Eureka" ("Tìm ra rồi"). Những hình ảnh về Cơn sốt vàng được khắc hoạ trên con dấu của bang California: Những chiếc thuyền buồm trên vịnh và một người tìm vàng vung chiếc cuốc chim bổ vào đá, bên cạnh là cái xẻng… Các nhà văn Mark Twain, Joaquin Miller có những tác phẩm nổi tiếng về tìm vàng.

Nhà sử học H. W. Brands viết rằng trong những năm sau Cơn sốt vàng, Giấc mơ California đã lan rộng trên toàn quốc: “Giấc mơ Mỹ xa xưa là giấc mơ của những người Puritan, của “Richard Nghèo” của Benjamin Franklin..., của những người đàn ông và đàn bà mong muốn tích lũy từng chút tài sản hết năm này qua năm khác. Giấc mơ mới là giấc mơ làm giàu nhanh chóng trong nháy mắt bằng sự táo bạo và vận may. Giấc mơ vàng này đã trở thành một phần nổi bật của tâm lý Mỹ chỉ sau Sutter's Mill”.

Lombard - con phố ngoằn ngoèo nhất thế giới

Ấn tượng thứ hai của tôi về San Francisco là con phố Lombard ngoằn ngoèo nhất thế giới và trồng nhiều hoa rất đẹp.

Phố Lombard nằm ở khu vực gọi là Đồi Nga của thành phố. Con số dài có 400 mét này dốc đến 27 độ nên người ta phải làm một con đường ngoằn ngoèo với 8 khúc cua gấp như cua tay áo để giảm độ dốc. Xe lưu thông trên phố chỉ được phép 5km/h và đi một chiều từ trên xuống dưới. Phố hẹp nên khi làm đường ngoằn ngèo thì không còn chỗ cho làn đi bộ, người ta phải làm hai lối đi bộ hai bên giống như cái thang.

Xem San Francisco, nhớ San Francisco ảnh 2  Phố Lombard

Điều đặc biệt nữa là phố cực đẹp, cả nhà cửa hai bên và những vườn hoa, bồn hoa nhỏ trên phố và trong sân nhỏ hoặc trên ban công các căn nhà đều tuyệt đẹp. Hoa phổ biến nhất là cẩm tú cầu các màu.

Độc đáo và đẹp, trung bình mỗi ngày có đến khoảng 6.000 du khách đến con phố này để ngắm cảnh, du ngoạn, chụp ảnh.

Ở Lombard, người ta cho thuê những chiếc xe nhỏ thường là một chỗ ngồi, thiết kế như một kiểu xe đua đơn giản để du khách trổ tài, đồng thời thử cảm giác mạnh lái từ trên đỉnh dốc xuống qua các cua tay áo. Tôi đã đứng nhìn những “tay đua” như thế và đang ấn tượng với một tay “break law” (phá luật) lao khá nhanh xuống so với tốc độ quy định thì roẹ ẹ ẹ ẹt, uỳ ỳ ỳ ỳnh! xe quệt bánh trước vào vỉa đường, tung lên và lật ngửa. Mấy du khách lập tức nhảy vào lật chiếc xe lại, lôi “tổ lái” trong xe ra. Đó là một người đàn ông trung niên, có thắt dây an toàn nên không việc gì, tiếng động vụ tai nạn nghe thì khiếp nhưng ông ta cười toe toét.

Tôi đang ở cách đó một đoạn, nổi máu “tác nghiệp” đưa di động lên bấm lấy bấm để và chợt cảm thấy hình như mấy người khách xung quanh đó nhìn mình hình như có phần không được thiện cảm lắm. Sau này tôi được một người sống ở Mỹ phán đoán hộ cho rằng trong trường hợp như thế, việc người Mỹ cho rằng nên làm là tìm cách giúp người bị nạn chứ không phải là đứng nhìn hoặc chụp ảnh. Cũng là bài học thêm sáng mắt.

Về một người, một câu chuyện

Chiều hôm đó, anh Quang Phóng – Giám đốc hồi đó của Trung tâm phim tư liệu Đài Truyền hình Việt Nam nói với mấy anh em trong đoàn rằng tối có một nhà doanh nghiệp Việt Kiều làm ăn ở đây muốn gặp anh em.

Đến hẹn, tôi xuống tiệm cà phê ở tầng trệt khách sạn thì thấy vị khách đang ở đó. Tôi buột miệng: Anh David Dương!

Tôi không quen, thậm chí chưa gặp người đàn ông này, nhưng biết anh vì anh hay xuất hiện trên báo Tiền Phong và khá được biết đến trong nước do đầu tư xây dựng khu xử lý rác Đa Phước ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đôi tiếng đồng hồ, chúng tôi đã nghe David Dương nói sơ về cuộc đời mình và kể chuyện làm ăn tại Mỹ.

Là dân nhập cư sau năm 1975, David Dương cùng người nhà khởi đầu cuộc mưu sinh ở xứ Cờ Hoa bằng nghề nhặt rác. Cần cù, chịu khó, thêm đức học hỏi, anh dần tích luỹ được ít vốn và mở công ty thu gom, xử lý rác. Thị trường rác Hoa Kỳ có giá trị rất lớn, cỡ trên trăm tỷ đô la một năm. Giờ thì doanh nghiệp của David Dương đứng thứ 27 trong số các doanh nghiệp Mỹ xử lý chiếc bánh trăm tỷ đô đó.

Xem San Francisco, nhớ San Francisco ảnh 3 David Dương

Là dân Á, cuộc làm ăn của David Dương ở Mỹ không phải là thuận lợi do thực ra ở đó vẫn có tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử. David Dương kể chúng tôi nghe cuộc chiến của anh để giành thắng lợi ở Hội đồng thành phố Oakland (David Dương sống ở thành phố nằm ở bờ bên kia Vịnh, cách San Francisco có đúng một cây cầu), lật ngược thế cờ, giành được một hợp đồng lớn về thu gom xử lý rác.

Thú vị là câu chuyện anh kể liên quan đến Giàn khoan 981 của Trung Quốc. Số là Trung Quốc là quốc gia hàng số một về nhập khẩu phế liệu để tái chế. David Dương xuất sang đó khá nhiều nên cũng có quan hệ làm việc với Toà lãnh sự Trung Quốc đây. Khi giàn khoan 981 của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của ta, anh cùng nhiều Việt Kiều đến trước lãnh sự quán Trung Quốc biểu tình, hô khẩu hiệu phản đối. Nhân viên lãnh sự quán đứng trên tầng ghi hình và chụp ảnh những người biểu tình.

Sau đó, anh nhận được cú điện thoại của Tổng lãnh sự Trung Quốc: “David Dương, ông đến trước trụ sở của tôi biểu tình, hò hét đấy à?”. Anh trả lời: “Thì các ông vi phạm chủ quyền nước tôi thì tôi phải phản đối thôi”.

Từ đó, không công te nơ phế liệu nào của David Dương xuất sang được Trung Quốc nữa. Anh phải tìm con đường khác.

Vài ba năm sau, tôi gặp lại David Dương ở TPHCM. Lúc đó, tôi đã có cảm giác khá thân thiết với anh. Cũng vì câu chuyện ở San Francisco đó.

Trong khi đồ thị số người nhiễm bệnh COVID - 19 của nước Mỹ là một đồ thị hình sin đang ở chiều đi lên khá dốc thì đồ thị của San Francisco lại đi ngang và có chiều hướng chúi xuống. Đó là nhờ nữ Thị trưởng London Breed đã không ngồi chờ dịchCOVID-19tới rồi mới "ra tay".

Khi bà tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại San Francisco vào cuối tháng 2, thành phố này vẫn chưa xác nhận một trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) nào và bà hứng chịu nhiều chỉ trích.

Nhưng tính đến ngày 10/4, số ca mắc COVID-19 tại San Francisco là 857 người, với 13 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với các đô thị có quy mô tương đương như New Orleans, Detroit, Boston và Washington, DC. Đó là nhờ chính quyền San Francisco đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội rất nghiêm túc và rất sớm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.