Xem công nhân làm ga tàu điện ngầm Ba Son

Thi công trong hầm khi trên mặt đất vẫn mưa dữ dội. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Thi công trong hầm khi trên mặt đất vẫn mưa dữ dội. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Trong cơn mưa gió giật dữ dội quần thảo trên đầu thành phố, những người công nhân làm ga tàu điện ngầm vẫn miệt mài trong hầm tối. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt. Rất ít người dân thành phố nhìn thấy công nhân làm tàu điện ngầm, trừ những bữa cơm bụi bình dị bên hè phố tầm tã nước mưa.

Làm việc trong giếng trời

Biết tôi là phóng viên đi tác nghiệp, các kỹ sư ở công trường ga tàu điện ngầm Ba Son khuyên tôi bỏ lại ba lô trên mặt đất vì lối xuống hầm chật, trời mưa trơn, dễ bị mắc kẹt hoặc bị ngã.

Xem công nhân làm ga tàu điện ngầm Ba Son ảnh 1

Tác giả trong đường tàu điện ngầm.

Ga tàu điện ngầm ở cảng Ba Son lịch sử đang trong giai đoạn đổ bê tông tầng 1 và tầng 2, nên ngổn ngang sắt thép. Ga nằm sâu trong lòng đất dài hàng trăm mét, giờ đây, nó như một cái vực khổng lồ hứng cơn mưa tầm tã bên sông Sài Gòn. Đứng dưới hầm nhìn lên thấy dòng thác nước đổ xuống, cái máy bơm hút nước và bùn hoạt động liên tục, những người công nhân vẫn ai làm việc nấy. Người đo đạc, người khoan, kẻ hàn như không biết đến cơn mưa như trút nước đang hoành hành trên mặt đất.

Anh Vinh, kỹ sư ở Ban quản lý dự án đi giám sát công trình, nói với tôi: “Thường thì có 750 công nhân làm việc trên tuyến tàu điện ngầm đầu tiên này, cao điểm lên tới hàng nghìn người. Có những ga như ở ga Bến Thành, đa số công nhân Nghệ An, nhưng cả tuyến thì anh chị em đến từ mọi miền đất nước. Thái độ làm việc rất nghiêm túc, vui vẻ và hòa thuận”.

Theo quan sát của phóng viên, các công nhân khi leo cao đều phải đeo dây bảo hiểm. Không chỉ một sợi mà là hai sợi dây bảo hiểm. Những đường cáp được căng khắp nơi để công nhân khóa dây bảo hiểm vào đó rồi làm việc.

Hiện đại

Nguyễn Văn Tiến là chuyên gia đo đạc định vị cho mũi khoan khổng lồ được đưa qua từ Nhật Bản,  anh nói: “Mũi khoan này đã đi ngầm dưới lòng thành phố, ngay bên dưới những con phố đông người qua lại”. Ít ai biết trên mặt đất nhiều công trình quan trọng, mà trong lòng đất, một mũi khoan khổng lồ âm thầm xuyên thẳng từ mép sông Sài Gòn vào tới Nhà hát thành phố, xuyên tới chợ Bến Thành.

Tiến là một trong những người đo đạc định vị để dẫn mũi khoan đi đúng hướng. Anh nói: “Mũi khoan này em nghe bảo giá chừng 4 triệu đô la, nước mình không có, phải dùng của Nhật. Đây là công trình tàu điện ngầm đầu tiên nên chúng ta không mua mà vừa sử dụng vừa nghiên cứu”. Theo Tiến: “Mũi khoan đi khá chính xác theo như thiết kế và tính toán. Đường hầm đã được hình thành đúng với thiết kế ban đầu”.

Xem công nhân làm ga tàu điện ngầm Ba Son ảnh 2

Ðo đạc kiểm tra độ chính xác của đường hầm.

Có khoảng 20 kỹ sư Nhật Bản làm việc tại công trình. Họ tỏ ra khá vui vẻ, nhưng theo quan sát, các kỹ sư Nhật Bản theo rất sát công việc, họ đứng xem từng múi hàn, ngắm từng mũi khoan. Trời mưa đổ như thác nước nhưng các kỹ sư Nhật vẫn làm việc như không có gì xảy ra! Họ luôn nhắc nhở công nhân phải chú ý đến an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe. Một cán bộ giám sát nói với phóng viên: “Các giám sát của Nhật Bản nói rằng tiến độ là rất cần, nhưng an toàn lao động còn cần hơn. Khi đổ bê tông, chúng tôi làm việc cùng các kỹ sư Nhật không kể ngày giờ. Nhưng an toàn vẫn đặt lên cao nhất, thậm chí công trình này có hẳn một ban quản lý về an toàn lao động”. Nói xong, anh chỉ cho tôi những nhân viên đội áo mưa, không làm gì cả, chỉ đi lại như con thoi trên mặt đất và luồn sâu vào các ngóc ngách dưới hầm ngầm, chỉ làm một việc là kiểm tra xem công nhân đã đeo dây bảo hiểm chưa? Khi chưa an toàn thì không ai được làm việc.

Các kỹ sư nói với phóng viên: “Nền đất ở bờ sông khá yếu, do vậy sắp tới sẽ sử dụng máy móc và kỹ thuật phun bê tông loại cực tốt để gia cố phần nền của công trình, công trình tới đâu, sẽ gia cố nền tới đó, đảm bảo an toàn cho công nhân và công trình”.

Không một cọng rác

Ấn tượng lớn nhất về công trình thi công đường tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, đó là hình ảnh những người công nhân bò trên những lưới thép sắp đổ bê tông để lau chùi từng thanh thép đến mức nó sáng bóng như khi chúng xuất xưởng vậy. Trời mưa không ảnh hưởng nhiều tới quyết tâm làm sạch giàn thép trước khi đổ bê tông. Một chiếc cốc bằng giấy của ai đó uống cà phê bị rơi sâu trong lồng sắt cũng được mọi người tìm cách lấy ra cho bằng được. Trời mưa, bùn đất từ trên cao chảy xuống, ngoài máy hút bùn, các công nhân còn thu gom từng chút bùn đem đi, đảm bảo công trình sạch sẽ tinh tươm.

Xem công nhân làm ga tàu điện ngầm Ba Son ảnh 3

Dùng máy làm sạch từng thanh thép trước khi đổ bê tông.

Thông thường, hình ảnh công trình xây dựng sẽ ngổn ngang, đôi khi đầy bùn đất lấm lem, nhưng mọi thứ ở ga tàu điện ngầm Ba Son lại là một sự sạch sẽ, tỉ mỉ tới mức, như anh Vinh giám sát nói: “Nếu còn rác thì chưa đổ bê tông. Mọi việc sẽ dừng lại hết, khi nào đảm bảo vệ sinh, công trình mới tiếp tục tiến triển”.

Để minh chứng cho lời nói, anh Vinh dẫn tôi đi qua mấy cầu thang nhỏ, đi xuống hầm sâu, nơi sắp sửa đổ bê tông phần nền của tầng 1 ga điện ngầm Ba Son. Ở đó, các công nhân Việt Nam, có sự giám sát của kỹ sư Nhật, đang dùng những cái máy hút bụi công nghiệp cầm tay, làm sạch từng thanh thép, khiến chúng sáng bóng. Một công nhân tên Phong đang dùng máy để làm sạch từng thanh sắt nhỏ như một nghệ nhân, hay một nghệ sĩ tỉ mỉ cho công trình nghệ thuật vậy. Hàng chục ngàn thanh thép tại ga Ba Son đã được làm sạch trong cơn mưa, để chuẩn bị cho công đoạn đổ bê tông. Vài chỗ khác, mưa khiến bùn bịt những lỗ nhỏ dưới chân dàn giáo, chúng được hút và làm sạch bằng những chiếc máy hút bùn nhỏ với những cái ống dài sâu như thể nội soi vậy.

Tôi hỏi chị Nga người Bạc Liêu làm vệ sinh những thanh thép và thu dọn những túi bóng không may rơi vãi ở công trình, chị nói: “Tôi là nhân viên thời vụ, làm ngày nào tính tiền ngày đó, tôi chưa thấy công trình nào sạch sẽ như công trình này, tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì công trình lịch sử này để lại cho con cháu chúng ta sử dụng”. Chị cười, đôi mắt chị cũng nhòe trong nước mưa và mồ hôi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mức thu nhập của những người làm công trình này khá khác nhau. Những kỹ sư bằng cấp cao, làm việc ở những khâu đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức lương có thể lên tới vài chục triệu, những công nhân trẻ lương xấp xỉ 10 triệu/tháng. Buổi trưa, công trình không nấu cơm mà công nhân thường ăn cơm bụi ở các quán cơm dựng tạm trong các ngóc ngách với giá 20.000 đồng/suất. Tôi cũng ghé vào một quán cơm bụi nằm ép sát vào tường rào của công trình, cách không xa là một quán bán nước, thật ra chỉ có mỗi cái ô che cho những chai nước ngọt trong cơn mưa. Người mua kẻ bán, người ăn kẻ uống, đều dầm mình trong cơn mưa lớn của thành phố. Họ ăn, uống vội vã rồi lại xuống hầm tàu điện ngầm để làm việc.

Tôi chia tay những người công nhân trong công trình tàu điện ngầm trong lúc cơn mưa vẫn chưa có dấu hiệu gì yếu đi, gió, mưa vẫn bao phủ trên mặt đất và xối xả xuống cái ga đang được thi công trong lòng đất. Tôi ấn tượng với những tâm trạng thổn thức chờ ngày đổ bê tông nền, đổ bê tông tầng 1, tầng 2. Mọi người bảo tôi: “Ngày đổ bê tông đến gần rồi, hôm nào đổ bê tông thì mời nhà báo tới dự nhé”.

            8/2018

Trời vẫn mưa, đường phố vẫn nhiều đoạn ngập nước, ngập rác. Nhưng trong công trình tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam không thấy một cọng rác. Những công nhân vẫn đi lau, hút cát hút bụi cho từng thanh thép xoắn khiến chúng lấp lánh, sáng rực. Rồi ngày mai, ngày kia, hàng vạn thanh thép đã được làm sạch kỹ lưỡng này sẽ nằm sâu trong khối bê tông khổng lồ, sẽ giúp cho tuổi thọ công trình tàu điện ngầm đầu tiên của đất nước bền vững với thời gian.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.