Hệ lụy “xe vua” vào phố cấm - Bài 2:

'Xe vua' thao túng thị trường bê tông, vật liệu xây dựng

Được chạy trong phố cấm như “xe vua” các chủ nhân xe bê tông đang thả sức “thổi giá”. Ảnh: A.T.
Được chạy trong phố cấm như “xe vua” các chủ nhân xe bê tông đang thả sức “thổi giá”. Ảnh: A.T.
TP - “Xe vua” vào phố cấm đang gây ra bất bình đẳng rất lớn trên thị trường cung cấp bê tông tươi và vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD). Với doanh nghiệp (DN) có xe tải chạy ban ngày thì hoạt động không hết việc, còn DN xe tải chỉ chạy vào ban đêm thì ngược lại.

Để được hoạt động lâu dài trên phố cấm, nhiều DN đã phải lập “quỹ đen” để mua đường, làm giá dịch vụ bị thao túng.

Thổi giá tăng gấp đôi, gấp ba

Nhiều người dân sống tại các khu vực trong nội thành Hà Nội cho biết, gần đây khi sửa sang, xây dựng nhà cửa thường rất khó thuê xe để vận chuyển đất, phế thải xây dựng. Anh Nguyễn Đình Hưng, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, ngoài giấy phép xây dựng công trình phải xin, để vận chuyển được bùn đất đi nơi khác, người dân phải có thêm chứng nhận của cơ quan chức năng về nơi đổ.

Theo anh Hưng, với khoảng 60 m3 đất, phế thải đổ đi khi đào móng nhà, nếu xin được xác nhận về nơi đổ và thuê được các xe tư nhân với giá 100 nghìn đồng/m3 thì anh phải trả tổng cộng 6 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian đào xúc, chở đi phải diễn ra vào đêm khuya, rất bất lợi cho việc thuê nhân công, và ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của hàng xóm. Trong khi đó với giá “trọn gói” 20 triệu đồng (bao gồm cả thủ tục nơi đổ, chạy bất kỳ thời gian nào trong ngày), anh Hưng được các DN và trung tâm vận tải chào mời nhiệt tình.

Anh Thành, một tài xế tự do hoạt động ở khu vực cầu Đen (Hà Đông) cho biết, nhà có 5 xe tải có thể chở bất kỳ vật liệu gì với giá cạnh tranh. Nhưng 2 năm trở lại đây, khi thành phố Hà Nội có quy định cấm xe tải vào khu vực nội đô anh bị loại khỏi thị trường với lý do không có giấy phép vào phố cấm. Có thời gian anh cũng xin được giấy phép, nhưng quy định chỉ được chạy về đêm khuya, xe của anh không thể cạnh tranh với các công ty, tập đoàn xe tải lớn có xe chạy bất kể thời gian nào trong ngày.

Anh Nguyễn Anh Đức, một kỹ sư xây dựng, từng đảm nhiệm nhiều công trình xây dựng tại Tổng Cty Sông Đà cho biết: “Có lợi thế nên nhiều DN có xe chạy được vào phố cấm ban ngày đã hét giá vật liệu xây dựng, cước vận chuyển cao gấp đôi, gấp 3 so với thị trường. Vì tiến độ, nhiều chủ công trường phải cắn răng chấp nhận”.

Chủ xe tải: 30% chi phí bỏ ra “mua đường”

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng với giá vận chuyển hiện các mặt hàng VLXD, đặc biệt là bê tông tươi đang có giá mất ổn định nhất. Với DN có thể cung cấp vận chuyển các loại VLXD vào ban ngày thì giá cao ngất ngưởng. Ngoài ra còn có sự chênh lệch giữa khu vực nội và ngoại thành. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hiện giá bê tông tươi loại mác (Mpa) 250 sử dụng cho các công trình nhà dân thấp tầng, có giá bán trên thị trường ngoại thành là 600 nghìn đến 650 nghìn/m3; loại mác 350 - 400 sử dụng cho các công trình nhà cao tầng có giá 680 nghìn đến 800 nghìn/m3. Tuy nhiên cũng loại mác này, hiện giá bán tại các trạm bê tông trong khu vực nội thành trong đó có trạm Việt Xô, TPA, Việt Đức, Việt Hàn… có giá chênh khá cao; với mác 250 là 780 nghìn đến 840 nghìn đồng/m3, mác 350 - 400 là 910 nghìn đến trên 1 triệu đồng/m3...

Giá cát sỏi giữa khu vực nội và ngoại thành cũng đang có chênh lệch lớn. Giá cát vàng xây dựng hiện trên thị trường có giá dao động từ 180 nghìn đến 210 nghìn/m3, nhưng khu vực nội đô các chủ xe tải đang thu với giá 250 nghìn đến 300 nghìn/m3. Lý giải việc giá cát sỏi của mình cao hơn giá thị trường, một số chủ hãng xe tải không giấu giếm: đâu phải xe tải nào cũng vào được phố cấm. Hơn nữa để vào được phố cấm các DN hằng tháng phải bỏ ra 30% trong tổng giá thành trên để “mua đường”.

Chủ hãng xe tải có tên viết tắt T.A hoạt động tại khu vực đường vành đai 3 cho biết, để vào được phố cấm, từ Cảng Chèm (Từ Liêm) chạy vào đến khu vực vành đai 3, chủ xe phải làm luật với rất nhiều đơn vị làm nhiệm vụ trên đường. Nếu làm luật theo kiểu “mua đường” theo lượt chạy thì mỗi xe cát chở khoảng 7 khối có giá cước vận chuyển theo cung đường trên là 420 nghìn đồng (trung bình 60.000 đồng/khối), trong đó 30% số này phải bỏ ra làm luật.

Theo chủ xe T.A, do làm luật lượt rất tốn kém nên đa phần chủ xe đều phải tìm mối để làm luật “mua đường” tháng. Với các trạm trộn bê tông, công trình xây dựng trong nội đô, do số lượng xe lớn và chạy liên tục, “luật tháng” còn nặng nề hơn. Đây là nguyên nhân khiến giá vật liệu, cước vận chuyển của xe, trạm hoạt động trong khu vực nội đô luôn tăng cao.

(Còn nữa)

“Xe vua” biến hình, đổi dạng

Do bị dư luận phản ứng dữ dội, để qua mắt người dân những ngày qua, nhiều xe tải chạy vào giờ cấm trên phố cấm đã thay đổi tuyến đường, thậm chí nhiều xe tải còn bỏ biển chạy như xe tư nhân. Tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng tối 13/7 chúng tôi ghi nhận, từng đoàn xe ben nhãn hiệu hổ vồ (Howo - Trung Quốc sản xuất) nối đuôi nhau chạy ầm ầm, với một số xe đeo biển hiệu Cty Xuân Trường có BKS 90C-03881, 90C-04056... trong các đoàn này đã thay hình đổi dạng. Cụ thể, xe Xuân Trường Tiền Phong phản ánh trong loạt bài vừa qua có lô gô “Cty Xuân Trường” gắn trên nền thân xe màu vàng nghệ, nhưng tối 13/7 chúng tôi thấy xuất hiện trở lại với lô gô gắn trên nền thân xe màu xám đen.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.