Nhiều phách gỗ được lâm tặc tập kết tại một chòi nhỏ nằm bên đường liên xã nối xã Jơ Ngây và xã Za Hung. Từ đây, những vệt kéo gỗ còn hằn trên đất dẫn vào cánh rừng già, nơi khu rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng.
Xung quanh còn ngổn ngang những phách gỗ, bìa gỗ và mùn cưa. Những cây lớn bị đốn hạ trơ gốc, nhiều cây còn nồng mùi nhựa và những vết cắt mới.
Một người dân địa phương cho hay, các cây gỗ sau khi được cắt ngắn, xẻ thành phách được vận chuyển bằng bò kéo ra ngoài bìa rừng. Tình trạng khai thác gỗ ở địa phương đã xảy ra từ nhiều năm nay, người dân từng phản ánh cơ quan chức năng nhưng tình trạng phá rừng vẫn không được ngăn chặn.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Văn Minh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn xác nhận có tình trạng phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn, việc xảy ra phá rừng là do lực lượng quá mỏng, kiểm tra không xuể!
“Diện tích rừng lớn mà lực lượng mỏng nên kiểm tra không xuể. Hơn nữa, diện tích rừng này đã giao khoán cho dân quản lý. Trách nhiệm của mình là đi kiểm tra 1 tháng/ 1 lần. Chúng tôi cũng mới phát hiện vụ việc và đã lên hiện trường kiểm tra, hiện anh em đang thống kê số liệu, đồng thời phối hợp với công an để xác minh đối tượng phá rừng”, ông Minh phân trần.
Rừng phòng hộ Sông Kôn bị chặt phá
Theo ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, khu vực rừng bị tàn phá trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Kôn (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, Việc quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Kôn có vấn đề. Để xảy ra phá rừng cho thấy sự buông lỏng, hời hợt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trách nhiệm lớn thuộc về đơn vị này.
Vị lãnh đạo huyện này cũng cho biết, đã chỉ đạo công an và kiểm lâm vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý.