Xẻ thịt cả bò “thoát nghèo”

Xẻ thịt cả bò “thoát nghèo”
TP - Những con bò được nhà nước hỗ trợ cho người dân nghèo với mong muốn giúp họ thoát nghèo. Nhưng chỉ sau một thời gian, số bò “thoát nghèo” này đã bị chính người dân đem bán hoặc giết thịt...

> Người nghèo vật lộn với giá tăng

Sau nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo bằng cách cấp đất sản xuất, cấp cây giống, trợ cước trợ giá đối với một số mặt hàng nông sản không mang lại hiệu quả như mong đợi, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển sang hình thức hỗ trợ bò giống, với mục đích trao cho người nghèo chiếc “cần câu” chứ không trao “xâu cá”.

Thực hiện chính sách này, huyện Cư M’gar đã giao 755 con bò giống cho 741 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở 13 xã trong huyện. Sau khi nhận bò, các gia đình đã ký cam kết làm chuồng trại, chăn dắt cẩn thận, nuôi bò theo phương pháp mới. Cán bộ khuyến nông xuống tận buôn, tận xã để mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, chăm sóc bò…

Tuy nhiên theo báo cáo mới đây của UBND huyện Cư M’gar, đã có tới 514 con bò trong đàn bò giống hỗ trợ bị bán, hầu hết bán cho các lò mổ để lấy tiền tiêu; 81 con bò giống khác bị chết do bệnh tật. Lý do “chết do dịch bệnh rủi ro” cũng rất mơ hồ, bởi theo một số phản ánh thì nhiều hộ giết thịt bò giống rồi khai là do dịch bệnh.

Cụ thể, Chương trình 134 đã cấp 214 con bò giống cho 200 hộ nghèo ở 11 xã khu vực II của huyện, đến nay các hộ đã bán để chi tiêu mất 107 con, 32 con chết vì dịch bệnh.

Chương trình TCTG cấp 481 con bò giống cho 481 hộ DTTS thuộc 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện thì đến nay người dân đã bán mất 373 con, 43 con chết vì dịch bệnh rủi ro. Chương trình 135 cấp 60 con bò giống cho 60 hộ nghèo thuộc 2 xã vùng III, đặc biệt khó khăn của huyện, đến nay 34 con bị bán, 6 con chết …

Tại huyện Ma Drắk, từ năm 2006-2010, tổng số bò cấp cho đồng bào DTTS là 878 con trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đợt rà soát mới đây, kết quả cho thấy có đến 343 con bò bị bán để chi tiêu và 176 con bị chết.

Như vậy, số lượng bị bán, bị chết chiếm hơn một nửa số bò được cấp. Bị truy vấn, nhiều hộ trả lời khôi hài: Con bò không chở mình lên phố được như cái xe máy; hoặc nhà mình có việc nên phải thịt bò làm tiệc…

Thực trạng của chính sách hỗ trợ bò giống là vậy, nhưng UBND huyện Cư M’gar vẫn đánh giá chính sách hỗ trợ sản xuất bằng giống vật nuôi theo các chương trình 134, 135, trợ cước trợ giá rất thiết thực, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Còn theo UBND huyện Ma D’răk để xảy ra tình trạng bò cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số bị chết và bị bán là do công tác theo dõi, giám sát xử lý tình huống ở cơ sở chậm; cán bộ thực hiện chương trình ở thôn, buôn trình độ hạn chế, vai trò kiểm tra giám sát còn buông lỏng...

Việc hàng trăm con bò giống cấp cho các hộ nghèo ở huyện Cư M’gar, Ma D’răk bị “bán để chi tiêu” không phải là con số cuối cùng, bởi chưa có số liệu báo cáo đầy đủ từ 15 huyện, thị trên toàn tỉnh về kết quả nuôi hàng chục ngàn con bò giống được cấp từ ngân sách .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG