Xe tải độn thùng để... ăn cắp

Xe tải độn thùng để... ăn cắp
Cứ mỗi chuyến, nhà xe “rút ruột” ba, bốn tấn hàng, kiếm hơn 25 triệu đồng. Thế nhưng, chủ hàng, chủ kho không biết nên đành phải tính vào khối lượng hàng hóa hao hụt hoặc bồi thường thiệt hại.

Xe tải độn thùng để... ăn cắp

Cứ mỗi chuyến, nhà xe “rút ruột” ba, bốn tấn hàng, kiếm hơn 25 triệu đồng. Thế nhưng, chủ hàng, chủ kho không biết nên đành phải tính vào khối lượng hàng hóa hao hụt hoặc bồi thường thiệt hại.

Một xe tải độn thùng
Một xe tải độn thùng. Ảnh: Sơn Bình

Nhà xe đã làm thế nào để qua mặt chủ hàng, chủ kho?

Dù các bến cảng, nhà máy ở TP.HCM có hệ thống giám sát xe tải nhưng tình trạng mất cắp hàng hóa số lượng lớn vẫn diễn ra. Theo chân cánh tài xế, PV Tuổi Trẻ phát hiện nhiều chiêu “rút ruột” hàng tinh vi.

Một bãi đậu xe khá rộng nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, cách Khu chế xuất Tân Thuận khoảng 1km (P.Bình Thuận, Q.7). Trước bãi đậu xe là những thanh niên bặm trợn canh cửa với ánh mắt sắc lạnh và sẵn sàng “hỏi chuyện” những người lạ mặt.

Xe tải độn thùng để... ăn cắp ảnh 2

Ngày 21-3, tại bãi đậu xe này, nhiều xe tải được các thợ hàn tiện phá phần thùng xe (chỗ gần với cabin) để gắn thêm vào đó nhiều thùng sắt rỗng. Sau khi được lắp xong thùng rỗng, các xe tải chạy đến một góc khuất, che bạt kín và xếp một hàng dài chờ đợi đi “ăn hàng”.

Tiếp cận một xe tải đang đậu, chúng tôi vén tấm bạt lên và dễ dàng nhận ra một thùng sắt rỗng hình chữ nhật mới được lắp thêm ngay cạnh cabin. Mặt trên của chiếc thùng sắt có một nắp đóng mở. Phía dưới thùng nối với một van xả giấu kín đáo trong gầm xe (ngay giữa hai bánh).

Đây là chiếc thùng sắt chứa nước để tăng tải trọng hoặc xả nước đi khi muốn giảm tải trọng cho xe. Cánh tài xế sẽ bơm nước vào thùng sắt với một khối lượng tương đương lượng hàng mà họ “rút ruột”.

Do đó khi xe về đến đơn vị giao hàng, qua trạm cân, trọng lượng vẫn còn đủ. Sau khi trả hàng, cánh tài xế lại mở van, xả nước đi để tránh bị phát hiện xe có tải trọng bất thường.

Không riêng khu vực Q.7, chúng tôi cũng phát hiện nhiều thùng sắt rỗng tương tự nằm rải rác ven đường trước những gara sửa chữa, mua bán xe dọc hai bên xa lộ Hà Nội (thuộc Q.9, TP.HCM và Dĩ An, Bình Dương). Rất nhiều xe tải nặng dừng lại để gắn thêm thùng sắt rồi nhanh chóng vút đi.

Bám theo một xe tải độn thùng trên quốc lộ 51 từ hướng Đồng Nai về Vũng Tàu, chúng tôi tiếp tục bắt gặp một bãi xe lớn hơn nằm phía sau Cây Dầu Đôi (thuộc xã Long Phước, Long Thành, Đồng Nai).

Theo quan sát, đây là bãi có lưu lượng xe tải độn thùng tập trung nhiều nhất, thùng sắt rỗng chất thành từng đống. Điều đặc biệt tại bãi này là thùng sắt được cẩu lên xe tải và bơm nước vào ngay rồi mới chạy đi “ăn hàng”.

Quy trình “hô biến” hàng hóa

Ngày 23-3, trên quốc lộ 51 từ khu vực ngã ba Nhơn Trạch đến Cây Dầu Đôi, có hàng loạt xe tải độn thùng ra vào khu vực cây xăng cạnh bến xe Rạng Đông. Phía sau cây xăng này là một bãi đất trống với xe cẩu, thùng sắt rỗng hình chữ nhật nằm ngổn ngang.

Từ bãi đậu xe sau cây xăng, hướng ngược về phía Biên Hòa khoảng 300m, nhiều xe tải chạy chậm lại, quẹo xe vào một ngã ba và men theo con đường lởm chởm đá để giao nhận hàng hóa “rút ruột” trong những kho hàng lớn. Thậm chí, một số xe tải loại 35 tấn còn ngang nhiên dừng xe ngay đầu ngã ba để “rút hàng” trắng trợn.

Bã đậu nành, hạt bắp rơi rớt vương vãi dưới mặt đường. Hàng loạt bao bì, ống phễu (quặng) lớn cùng nhiều loại cân đặt sẵn chờ đón những chuyến xe tải độn thùng ghé ngang để “giao dịch”.

Các tài xế nhanh chóng mở tấm bạt, phía bên dưới phụ xe cùng một số người thu mua nâng đỡ ống phễu to dài để trút hàng xuống từng bao riêng lẻ. Phần lớn hàng là hạt bắp và bã đậu nành. Trung bình mỗi xe rút 4-6 bao to, sau đó tài xế lấy “tiền tươi” từ những người mua, nhanh chóng đảo mắt rồi leo lên xe chạy đi.

Nhiều ngày bám theo những xe tải độn thùng xuất phát từ TP.HCM, chúng tôi ghi nhận phần lớn xe loại này thường bỏ thùng ở gần Suối Tiên, Suối Mơ (Q.9) hoặc Cây Dầu Đôi, sau đó chạy về các cảng lớn khu vực huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) như Phú Mỹ, Cái Mép, Dầu Khí, Bunge để nhận “hàng xá” (hàng không bao bì) như bã đậu các loại, lúa mì, bắp...

Một tài xế chở hàng độn thùng cho biết trên đường trở lại giao hàng, các xe tải ghé khu vực lân cận bỏ thùng trước đó để tuồn hàng hóa cho hai đầu nậu lớn là bà Ba (ngụ Cây Dầu Đôi, Đồng Nai) và bà Hồng (ngụ gần Suối Mơ, Q.9).

Cũng theo tài xế này, mỗi chuyến “rút ruột” 3-4 tấn hàng bỏ túi được 25-35 triệu đồng. Sau khi rút hàng, các xe tải cẩu thùng sắt rỗng đã bơm đầy nước với trọng lượng tương đương 3-4 tấn lắp vào xe tải và chở đến chỗ giao hàng là các nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Khi ra, để xe tránh dư cân lúc qua trạm cân, cánh tài xế lại mở van xả nước trong bình ra. Thế là trót lọt!

“Nếu xả nước mà bị các nhân viên nhận hàng của doanh nghiệp đó phát hiện thì sao?” - chúng tôi hỏi. Một tài xế vô tư nói: “Những nơi không thật sự an toàn, chủ xe “mua” tay trong. Còn nếu xui xẻo bị bắt tại trận, không chối cãi được thì đền tiền là xong”.

Chủ kho lãnh đủ

Đại diện một số cảng quản lý hàng hóa như Cái Mép, Dầu Khí, Bunge... và một số nhà máy chế biến thức ăn gia súc như ANT, Emivest, Japfa... thừa nhận thời gian qua có xảy ra việc mất cắp hàng hóa với số lượng lớn nhưng chưa rõ nguyên nhân, hoặc có biết nhưng chưa bắt được quả tang.

Trong khi đó, ông Lâm Nghĩa - giám đốc thương mại bán hàng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc ANT Long An - tỏ ra bức xúc.

Theo ông, xe ra vào có camera và cả người giám sát, trong khi trạm cân báo khối lượng hàng hóa đủ nên không ai nghĩ bị mất cắp. Khi được hỏi về trách nhiệm lúc bị phát hiện mất hàng hóa, ông Lâm Nghĩa cho biết thường một số nhà máy tính vào khối lượng hàng hóa hao hụt, tuy nhiên một số nơi khác buộc chủ kho trung chuyển phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.

Theo Sơn Bình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG