Xe quá tải ‘lách’ qua trạm cân 6 tỉnh bằng cách nào?

Những chiếc xe "siêu tải" bị lực lượng chức năng phát hiện. 4 chiếc xe đều chở vượt tải trọng cho phép từ 70% - 100%. Đến giờ vẫn chưa hạ tải.
Những chiếc xe "siêu tải" bị lực lượng chức năng phát hiện. 4 chiếc xe đều chở vượt tải trọng cho phép từ 70% - 100%. Đến giờ vẫn chưa hạ tải.
Đoàn xe quá tải từ Bình Định ra Hà Tĩnh đã làm như thế nào để có thể 'lách' qua được các trạm cân ở 6 tỉnh? Đoàn xe này đã đi trên quãng đường khoảng 700km và qua mặt lực lượng CSGT, TTGT trên đường.

Trốn vẫn không thoát

Như  đã đưa tin, ngày 7/9, lực lượng liên ngành Hà Tĩnh đã phát hiện và lập biên bản 4 chiếc xe chở quá tải trọng cho phép từ 70% - 100%.

Ngày 8/9, ông Nguyễn Trần Toản, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, kiêm Trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh cho biết, sau khi phát hiện đoàn xe này có dấu hiệu chở quá tải đã đỗ nhiều ngày tại cây xăng Đậu Liêu (cách trạm cân chừng 500 mét về phía Nam), lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra.

"Những chiếc xe này xuất phát từ trong Nam ra. Khi phát hiện thấy trạm cân làm việc, tài xế liền cho xe chạy vào "trốn" trong cây xăng, sau 2 ngày vẫn không thấy những chiếc này di chuyển. Phán đoán những xe này chở quá tải, đang tìm thời cơ để trốn trạm cân nên anh em rất cảnh giác", ông Toản nói.

Ông Toản đã thông báo cho công an huyện Can Lộc biết, đề phòng đoàn xe sẽ tìm cách đi đường vòng. Trạm cũng đã bố trí lực lượng chốt chặng trên tuyến QL15, chỉ cần đoàn xe cố tình đi đường vòng, sẽ bị bắt ngay.

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng yêu cầu các lái xe điều khiển phương tiện vào vị trí kiểm tra thì các lái xe đều không hợp tác và khóa cửa xe, bỏ đi khỏi hiện trường.

Phải tới lúc xe chuyên dụng của lực lượng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đến cẩu các xe quá tải về trạm để cân xe thì các lái xe mới chịu xuất hiện và đưa xe vào cân.

Xe quá tải ‘lách’ qua trạm cân 6 tỉnh bằng cách nào? ảnh 1

Các tài xế cho biết, để trốn trạm cân họ đều cho xe chạy vào đêm khuya hoặc chờ lúc giao ca của lực lượng trạm cân.

Kết quả cân cho thấy, các xe đều chở vượt quá tải trọng cho phép từ 70% – 100%. Điển hình như xe tải mang BKS 77C - 021.05 do tài xế Bùi Văn Hải điều khiển, theo sổ kiểm định tổng tải trọng xe là 30 tấn.

Tuy nhiên khi cân thì xe này lại chở tới hơn 61 tấn, vượt quá tải trọng 31 tấn (chở quá tải hơn 105%).

Thủ đoạn lách trạm cân

Có một điều khó hiểu là đoàn xe "siêu tải" lại có thể vô tư vượt trạm cân khi qua 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đó là chưa kể đến tỉnh nhà Bình Định.

Đoàn xe này đã đi trên quãng đường khoảng 700km và qua mặt lực lượng CSGT, TTGT trên đường.

Xe quá tải ‘lách’ qua trạm cân 6 tỉnh bằng cách nào? ảnh 2 Các tài xế cho biết, để trốn trạm cân họ đều cho xe chạy vào đêm khuya hoặc chờ lúc giao ca của lực lượng trạm cân.
Đoàn xe "siêu tải" gồm 4 chiếc chở nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp từ Bình Định ra Nghệ An.

Chiếc xe đầu kéo 77C - 066.94 kéo theo rơ moóc BKS 77R- 005.22 chở ngô do tài xế Nguyễn Đại Dương điều khiển xuất phát từ Bình Định ra Nghệ An từ ngày 2/9. Mỗi chuyến nếu chở đúng trọng tải thì tài xế sẽ nhận được từ 1,5 - 2 triệu tiền công, còn nếu chở quá tải thì ít nhất cũng kiếm được hơn 3 triệu đồng.

Theo tài xế Dương, nếu tuyến thông suốt thì mất khoảng 2 ngày là có thể giao hàng. Tuy nhiên vì xe quá tải nên phải luồn lách để trốn trạm cân của các tỉnh, vì thế mà hành trình bị chậm lại nhiều ngày.

Để có thể "trốn" được trạm cân, đoàn xe phải chờ lúc lực lượng chức năng giao ca. Nếu không thì cũng phải cho xe chạy lúc đêm khuya hoặc rạng sáng, chừng khoảng 2-3 giờ sáng, khi ấy sẽ không bị phát hiện.

“Doanh nghiệp yêu cầu chở vượt tải, nếu phạt thì doanh nghiệp sẽ chịu” - tài xế Dương cho biết.

Sau khi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi chở quá tải, lực lượng chức năng đã yêu cầu các lái xe đưa xe vào bãi để hạ tải.

Kiên quyết hạ tải

Tới trưa ngày 8/9, những chiếc xe này vẫn còn nằm im phía sau bãi hạ tải và chưa hề có hành động nào cho thấy sẽ hạ tải.

Qua trao đổi, các tài xế cho hay, vì xe chở hàng nông sản nên muốn hạ tải phải có kho hàng, nếu không hàng sẽ bị hư hỏng hết.

“Dù là xe chở hàng nông sản hay đông lạnh, một khi đã chở quá tải thì buộc phải hạ tải rồi cân lại, nếu đúng trọng tải mới cho lưu hành. Còn việc hạ tải và bảo vệ hàng hóa thì các lái xe, doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Trần Toản cho biết.

Về việc xử phạt, theo ông Toản đối với những xe chở quá tải trên 50% thì tài xế sẽ bị phạt 6 triệu đồng. Nếu chủ hàng là cá nhân thì sẽ phạt thêm 3 triệu, còn doanh nghiệp vận tải sẽ là 6 triệu đồng.

Theo Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.