Xe ôm sinh viên

“Bác tài” Nguyễn Văn Hiếu chở khách từ trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương về ký túc xá khu B - ĐHQG TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng.
“Bác tài” Nguyễn Văn Hiếu chở khách từ trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương về ký túc xá khu B - ĐHQG TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - “Bác tài” và khách hàng đồng trang lứa, thành ra những cuốc xe ôm chan chứa sự thân thiện, vui vẻ và đồng điệu.

Những “bác tài” sinh viên

“Lúc đầu có một bạn nữ đi về khuya nhưng lại không dám đi xe ôm bên ngoài, muốn tìm người chở về ký túc xá. Sau đó thấy nhiều bạn đăng tin lên facebook bày tỏ nguyện vọng cần người chở đi, đón về ký túc xá nên tụi mình thành lập nhóm để chạy. Nhóm xe ôm ký túc xá chính thức ra đời vào dịp Tết năm 2014”, bạn Nguyễn Văn Hiếu - sinh viên năm cuối, Đại học Công nghệ thông tin TPHCM - Trưởng nhóm xe ôm KTX ĐHQG - chia sẻ.

Hiếu cho biết, trước thời điểm lập nhóm, một người bạn của Hiếu là Phúc cũng đã nhận chở rất nhiều bạn sinh viên đang ở nội trú ký túc xá. Phúc và Hiếu chia nhau chạy, nhưng không đáp ứng xuể nhu cầu đi lại của các bạn nên hai người đổi rủ thêm một số bạn tham gia vào nhóm chạy xe ôm sinh viên.  Sau ba năm hoạt động, nhiều “hội viên” tham gia rồi rời đi, hiện hội xe ôm KTX có 16 thành viên ổn định.

Là người chạy xe ôm “đắt khách” nhất hội, Hiếu cho hay khách hàng của hội đa phần là những bạn nữ, với những nhu cầu chủ yếu như cần có phương tiện đưa đi học, đi thi gấp, đi làm về trễ và cả... đi chơi. Để đi xe ôm các bạn sẽ đặt lịch cho nhóm trước vài ngày bằng việc nhắn lên facebook hoặc điện thoại. Trong nhóm, Hiếu là người nhận được nhiều cuộc hẹn nhất và có khi nhận lịch chạy trước gần cả tháng. Những lúc quá nhiều khách đặt lịch thì cả nhóm san sẻ với nhau để chở hết các bạn sinh viên có nhu cầu đi lại.

“Tụi mình chạy nhộn nhịp nhất vào những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Có lúc chạy tất bật từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau, với điểm đến chủ yếu là về bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, An Sương, sân bay Tân Sơn Nhất, thậm chí là về bến xe Biên Hòa, Đồng Nai”- Hiếu kể.

Thời điểm Tết là lúc nhiều sinh viên khuân vác hành lý ra bến xe, nhà ga để về quê. Những thành viên nhóm xe ôm sinh viên không ngại ngần trở thành những bác tài ga lăng đảm nhận việc vận chuyển đồ đạc giúp các bạn nữ từ lúc còn trong phòng ở ký túc xá. Dần dần, hình ảnh các “bác tài” trở thành những “soái ca” trong lòng nhiều nữ sinh viên.

Chan chứa niềm vui

Là bạn thân ở cùng phòng trọ ký túc xá với Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Duy Khánh (sinh viên đại học Công nghệ TPHCM) có dịp trải nghiệm với công việc làm tài xế xe ôm nửa năm nay. Khánh cho biết, giá thu 4.000 đồng/ km không phải là con số lớn và cũng sẽ không dư dả gì. Tiền công nhiều lúc chỉ đủ đổ xăng, rửa xe, nên với Khánh, chạy xe ôm chủ yếu là dịp để giúp đỡ việc đi lại của các bạn sinh viên.

“Nhiều lúc chạy xe nghe các bạn kể chuyện, chia sẻ nhiều thứ đã giúp mình hiểu hơn về các bạn”, Khánh nói. Hiện ngoài giờ học ở trường, Khánh còn đảm nhận việc trợ giảng cho hai lớp dạy thể chất tại trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TPHCM. Thời gian rảnh buổi tối Khánh dành để tập luyện, hướng dẫn các bạn sinh viên chơi patin. Cậu sinh viên quê Kiên Giang này cho biết sẽ tiếp tục công việc chạy xe ôm cho đến hết quãng thời gian đại học, sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc khác.

Điều còn đọng lại như một kỷ niệm đáng quý với những “bác tài” như Hiếu hay Khánh chính là sự đồng điệu và tin yêu từ những bạn khách-hàng-sinh-viên. “Sau những lần làm tài xế cho các bạn, các bạn mạnh dạn tâm tình, chia sẻ, thậm chí còn mời cà phê, tặng quà quê cho mình nữa.

Lúc đầu chẳng mấy ai biết đến nhóm, nhưng rồi chính sau vài lần sử dụng các bạn sinh viên đã giới thiệu, chia sẻ cho nhau. Dần dần các bạn tin tưởng và tìm đến nhóm nhiều hơn. Bởi vậy mỗi khi chở các bạn là lúc mình tạo nên niềm vui cho các bạn và cho chính mình nữa”, Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Không ít bạn nữ đã xem các thành viên nhóm xe ôm là tài xế thân thiết. Các bác tài trở thành người bạn đồng hành tin cậy và thân thiện trong mắt nhiều bạn nữ trong nhiều trường hợp, như xe hư đột xuất, đi học về khuya, không có xe đi lại. Trần Thị Thu Phương (năm hai, đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) là một trong số những “khách ruột” của tài xế Hiếu.

Thu Phương đã sử dụng dịch vụ xe ôm ký túc xá từ hơn một năm trước để phục vụ cho việc đi làm thêm và đi học vào ban đêm trong khu vực nội thành. “Nhờ có các anh chở giúp như vậy em mới có thể theo đuổi khóa học trong trung tâm thành phố. Sau nhiều lần đi xe với nhau em và anh Hiếu đã trở thành anh em thân thiết”, Thu Phương chia sẻ.

Trân trọng với công việc như vậy, nên dù không kiếm được nhiều tiền, các bạn vẫn gắn bó và xem đây như một trải nghiệm thú vị trong những năm tháng đời sinh viên. Dù bị ảnh hưởng đến chuyện học tập, giải trí và thời gian riêng tư nhưng các “bác tài” đã biết cách sắp xếp thời gian để đảm bảo vừa giúp đỡ các bạn sinh viên lại vừa tìm được niềm vui cho bản thân.

Dù định ra mức giá “mềm” là 4.000 đồng/km (bằng với giá dịch vụ GrabBike), nhiều khi các bác tài còn giảm luôn số lẻ khi tính tiền hoặc để các bạn sinh viên chủ động “đưa nhiêu cũng được”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.