'Xe ôm... bao cao su' ở Hà thành

'Xe ôm... bao cao su' ở Hà thành
TP - Những chiếc bao cao su được họ phát miễn phí. Họ là những thành viên của nhóm “Đồng đẳng lao động ngoại tỉnh”, mưu sinh bằng nghề lái xe ôm. 

Tranh thủ từng giờ, từng phút, hễ có cơ hội nói chuyện với vị khách nào, họ lại chia sẻ kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, cách phòng chống HIV/AIDS...

Ăn cơm bụi, vác tù và hàng tổng

Buổi chiều cuối đông trên chợ Long Biên, cái lạnh bắt đầu len vào từng sợi vải, ngấm vào da thịt. Nhưng, những giọt mồ hôi vẫn đủ làm ướt hết manh áo mỏng của những người thợ bốc vác, kéo xe hàng.

“Mình chạy xe ôm, tuy không mất nhiều sức nhưng đều là dân ngoại tỉnh, phải xa quê hương, xa vợ con, lên thành phố kiếm tiền, cùng chung cảnh nghèo như nhau. Ai cũng biết sức khỏe là vàng. Nhưng cả ngày lo kiếm miếng cơm manh áo đã mệt, thời gian đâu mà tìm hiểu cách phòng chống bệnh truyền nhiễm hay sức khỏe sinh sản. Mấy anh em chúng tôi biết được chừng nào thì bảo mọi người chừng ấy, cốt là có cái tâm, cái tình với nhau”- Anh Đoàn Đình Thi, một thành viên của nhóm Đồng đẳng lao động ngoại tỉnh (hay còn gọi là nhóm Đồng đẳng) tâm sự.

Với tâm niệm ấy, nhiều người lái xe ôm và làm một số ngành nghề khác đã tham gia hoạt động của nhóm Đồng đẳng. Tuyên truyền tác hại của tệ nạn xã hội, tình dục không an toàn, cách bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ những người lao động ngoại tỉnh giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống bằng tấm lòng của người cùng cảnh ngộ là mục đích của nhóm.

Ra đường, hễ bắt chuyện với ai, họ lại thủ thỉ về tác hại của cờ bạc, rượu chè, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cùng một số bệnh khác từ quan hệ tình dục bừa bãi, khuyến khích mọi người dùng bao cao su để phòng tránh bệnh tật, ai có nhu cầu thì phát miễn phí luôn. Thế nên, nhiều người dân Phúc Xá thường gọi những thành viên trong  trong nhóm Đồng đẳng là “các anh xe ôm bao cao su”.

Nhưng không phải ai nghe cũng tiếp thu ngay. “Có lần, khách đi xe là một thanh niên khoảng 22- 23 tuổi, muốn sang Gia Lâm. Qua đôi câu chuyện, biết anh ta đi tìm “của lạ”, mình liền cảnh báo nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm từ quan hệ tình dục với “gái làng chơi”.

Ban đầu, cậu ta bực tức, đòi xuống xe ngay, còn  ném vào mặt mình: “Phỉ phui cái miệng ông, chạy xe ôm mà ngứa mồm”. Mình dừng xe, giữa đêm lạnh, hai bên đôi co hồi lâu. Cuối cùng, anh chàng cũng xuôi dần, ngoan ngoãn cầm bao cao su, lý nhí cảm ơn. Quay đầu xe lại mà lòng mình cứ thấy vui vui!”-Anh Lâm Văn By (quê xã Hải Lộc, Hải Hậu, Nam Định) nhớ lại.

Còn Đội trưởng Đinh Văn Hội chia sẻ: “Lần đầu, mình nói, họ không nghe vì ngại, còn bĩu môi, rỗi việc, cứ đi bới những chuyện không đâu. Lần hai, mình bảo, những “chuyện không đâu” ấy mà để rây vào người thì không chỉ khổ bản thân mà còn khổ cả vợ con, xã hội. Chú hãy nhìn anh M, chị H… thì rõ. Mình nói có thực tế, có tình, có lý, họ sẽ hiểu ra”.

Khu vực chợ Long Biên tập trung nhiều dân ngoại tỉnh. Họ chủ yếu mưu sinh bằng những công việc nặng nhọc, thu nhập thấp như: Bốc vác, bán hàng rong, chạy xe ôm, kéo xe…

Khi rỗi việc, nhiều người đã không làm chủ được bản thân, sa vào rượu chè và những thú vui không lành mạnh, mang bệnh lúc nào không biết, vô tình lây sang vợ. Một phần cũng vì “cả năm, cứ sáng đi, đêm mới về, mệt chỉ muốn ngủ, mặt mũi cái đài thế nào tôi cũng quên rồi, nói gì đến tivi”- Chị Nguyễn Thị Nụ (quê Duy Tiên, Hà Nam) làm nghề buôn rau xanh ở chợ Long Biên buồn rầu.

Hiểu nguyện vọng ấy, tại nhà sinh hoạt cộng đồng của Trung tâm Ngày Mới (123 đường Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Long Biên, Hà Nội) luôn có hai đồng đẳng viên  trực từ 19 giờ đến 21 giờ vào tất cả các buổi tối. Những người đến sinh hoạt không chỉ được xem tivi, đọc sách báo, phát bao cao su mà còn được tư vấn mọi mặt về sức khỏe và những vấn đề khác trong cuộc sống.

“Sau những giờ kéo xe hàng mệt vã hết mồ hôi, ăn xong bát “cơm bụi”, được ngồi đọc tờ báo, xem một trận đá bóng với những anh em khác còn gì bằng. Đầu óc thoải mái hẳn, gánh nặng cơm áo như cũng nhẹ đi một nửa…”- Anh Lã Trọng Thủy (kéo xe hàng ở chợ Long Biên) vui vẻ.

Vận động bà con cùng tham gia

Theo khảo sát của Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, trên địa bàn phường Phúc Xá, An Dương, có trên 1.000 lao động ngoại tỉnh đang sinh sống với những công việc thu nhập thấp. Do trình độ học vấn không cao, thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, pháp luật… họ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, tệ nạn xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của những người lao động ngoại tỉnh là cần thiết.

Xuất phát từ sáng kiến của tổ chức Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, được tổ chức phi chính phủ quốc tế World Concern tài trợ, Trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho người ngoại tỉnh mang tên Ngày Mới được thành lập vào tháng 8 năm 2007, tại đường Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Long Biên. Nhóm Đồng đẳng cũng ra đời từ ngày ấy.

“Những ngày hoạt động đầu tiên của nhóm, ai cũng ngượng ngùng. Anh em đều là dân lao động cả, bảo chạy xe mấy trăm cây số hay khuân gạo, khuân rau… nặng mấy cũng xong nhưng để nói được một câu xuôi tai thì khó hơn cả lên trời. Mọi việc cứ thế quen dần thôi chứ không có một khuôn mẫu nào để học cả”- Anh Lâm Văn By thật thà.

Qua một cuộc phỏng vấn, những ai “được chọn” sẽ tham gia một lớp đào tạo về: kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, cách phòng chống HIV/ AIDS… Sau đó, mỗi người tự tìm cho mình một cách tiếp cận người với người lao động sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Nhiệt tình, nghiêm túc luôn là những yếu tố đầu tiên, bắt buộc đối với những ai muốn có tên trong danh sách của nhóm Đồng đẳng. Các thành viên phải hoạt động tích cực, là tấm gương để mọi người học tập.

Các Đồng đẳng viên hoạt động chủ yếu trên địa bàn phường An Dương và Phúc Tân. Trong khu trọ của người ngoại tỉnh, trong gian các hàng đến ngoài cổng chợ, quán nước, trên từng nẻo đường đều có bóng dáng của những người khoác áo Đồng đẳng lao động ngoại tỉnh.

Mỗi tháng, nhóm Đồng đẳng họp 2 đến 3 lần tại nhà sinh hoạt cộng đồng Ngày Mới dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Thu Giang (Phó giám đốc Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng). Từng thành viên trình bày những thuận lợi, khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình hoạt động. Sau đó, cả nhóm cùng trao đổi, rút kinh nghiệm và bàn bạc tìm ra những phương pháp tuyên truyền hiệu quả hơn.

Không chỉ hoạt động tích cực, “các chú xe ôm bao…” còn vận động bạn bè, bà con trong phường tham gia hoạt động của nhóm. Anh Nguyễn Quý Huy- người vừa “trúng tuyển” trong cuộc phỏng vấn của Trung tâm Ngày Mới hóm hỉnh, tiết lộ: “Trước tiên, bà xã sẽ là một thành viên tương lai đầy tiềm năng. Vợ chồng cùng hoạt động trong nhóm, vừa vui, vừa tiện nhiều mặt…”.

Trong những ngày cuối năm, hòa vào không khí tất tả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của người dân cả nước, “các chú xe ôm bao…” vẫn đang âm thầm góp một phần công sức nhỏ bé của mình đẩy lùi những tệ nạn xã hội để Tết cổ truyền của dân tộc thêm vui, thêm đẹp.

MỚI - NÓNG