Xe tự chế tại Hà Nội: Hối hả ngày cuối cùng

Xe tự chế tại Hà Nội: Hối hả ngày cuối cùng
TPO - “Hôm nay ngày cuối cùng, nên phải gắng chở thêm vài chuyến để kiếm chút tiền chứ mai thì những chiếc xe 3 bánh như thế này có được chạy trên đường nữa đâu”.
Xe tự chế tại Hà Nội: Hối hả ngày cuối cùng ảnh 1
Anh Trần Minh Tuấn với chuyến hàng cuối cùng

Đấy là tâm sự của các chủ xe 3 bánh khi mà họ và xe đang hối hả chạy những chuyến hàng cuối cùng để rồi kể từ hôm nay (1/1/2008), sẽ phải tự “khai tử” theo quy định.

Giờ G đang đến gần, trời lạnh thấu da nhưng nhiều chủ xe 3 bánh tự chế “chốt” ở khu phố buôn bán đồ gỗ, vật liệu xây dựng trên đường Láng, đường Nguyễn Trãi... vẫn cố bám trụ để nhận vận chuyển những chuyến hàng cuối cùng.

“Mọi năm thời điểm ngày cuối năm như thế này, chúng tôi chạy suốt ngày nhưng hôm nay chắc chỉ cố chạy cố nốt để kiếm chút tiền thôi” - Anh Trần Minh Tuấn ở quận Đống Đa tâm sự. 

Ông Hạnh - Thương binh ở quận Thanh Xuân kiếm sống bằng nghề chở hàng xe 3 bánh - cho rằng: Việc xử lý nghiêm những trường hợp giả mạo thương binh sử dụng xe tự chế chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm trên đường phố là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Hạnh lệnh cấm này cũng phải có thời gian cho các chủ xe như ông chuẩn bị. “Từ khi Nghị quyết 32 ra đời cho đến lúc thực hiện lệnh cấm chỉ trong vòng 6 tháng. Đấy là tính thời hiệu trên giấy tờ, còn thời gian trên thực tế thì chỉ có 3 tháng. Một thời gian quá ngắn để những chủ xe như tôi chuyển đổi sang nghề mới”.

Xe tự chế tại Hà Nội: Hối hả ngày cuối cùng ảnh 2
Xe tự chế gây mất an toàn giao thông

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các chủ xe 3 bánh ở Hà Nội, dù không nằm trong diện nghèo nhưng đời sống nhiều gia đình còn khó khăn. Họ là những lao động chính trong gia đình, và chiếc xe cũng là phương tiện kiếm tiền chủ yếu của gia đình họ.

“Chúng tôi được biết, nhiều tỉnh thành đã có chế độ hỗ trợ cho các hộ gia đình khi chuyển đổi phương tiện để kiếm sống, thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có hỗ trợ nào từ các cấp chính quyền. Mong rằng, các cấp sẽ có hướng mở lối ra cho lệnh cấm này” - Một chủ xe bộc bạch.

Nhiều chủ xe cho rằng, họ đồng tình với chủ trương của Chính phủ nhưng việc không chuẩn bị kịp điều kiện kiểm tra, đăng ký phương tiện của các cơ quan Nhà nước đã đẩy những người kiếm sống bằng phương tiện này vào thế bí.

“Nói chúng tôi sử dụng xe tự chế là vì sản xuất xe ra cũng không có nơi nào đăng kiểm, nơi nào cấp đăng ký. Trong thời gian chờ quy định về việc đăng kiểm, đăng ký xe loại này thì không nên cấm mà cho chúng tôi thời gian, lộ trình để chờ đợi đăng kiểm, đăng ký hoặc chuyển đổi công việc” -Một số chủ xe nêu ý kiến.

Hiện trên địa bàn Hà Nội còn hơn 2.000 phương tiện loại này, trong đó có trên 300 xe 3 bánh tự chế, với 242 chủ xe (116 xe là xe của  thương binh sử dụng). Tuy nhiên, số xe sử dụng cho mục đích đi lại là 22 xe còn lại dùng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá và phần lớn số xe này chưa có đăng ký.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.