Xe máy bị đổ tội oan?

Xe máy bị đổ tội oan?
TP - Trong khi các chuyên gia Việt Nam đổ tội cho xe gắn máy là thủ phạm chính gây ra ùn tắc giao thông thì tại hội thảo quốc tế về giao thông đô thị (CODATU XIII) khai mạc tại TPHCM hôm qua (12/11), một số chuyên gia nước ngoài lại có ý kiến khác.
Xe máy bị đổ tội oan? ảnh 1
Không phải lúc nào xe máy cũng là “thủ phạm” gây ùn tắc giao thông

“Tội danh” gây ùn tắc giao thông của xe máy đã được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây – nhất là từ cơ quan quản lý chuyên ngành. Thậm chí, có giai đoạn TP Hồ Chí Minh đã quyết định “xiết chặt” bằng các biện pháp hành chính như hạn chế đăng ký mới, đề nghị thu phí lưu hành … 

Số liệu do TS Phùng Mạng Tiến - Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam thu thập, công bố trong cuộc hội thảo cho biết đến cuối năm 2005, cả nước có 13 triệu xe máy, đạt tỉ lệ 9 người/xe và đang có tốc độ gia tăng chóng mặt.

Năm 2007, cả nước tiêu thụ 3,6 triệu xe máy. Riêng TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ, đến cuối năm 2006, toàn thành phố có gần 3 triệu chiếc xe gắn máy. Trong 6 tháng đầu năm 2007, TP Hồ Chí Minh có hơn 16.500 xe gắn máy đăng ký mới. Trên phạm vi cả nước, dự kiến đến năm 2010, con số này là 25 triệu chiếc và đến năm 2020 sẽ lên tới 35 triệu chiếc.

“Xe hai bánh được xem là phương tiện giao thông chính, vấn nạn của sự phát triển giao thông đô thị. Sự bùng nổ xe hai bánh làm cho đường phố trở nên chật hẹp, bất an và môi trường trở nên ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng giao thông bằng xe hai bánh trở nên phức tạp, hỗn loạn, vi phạm Luật Giao thông, dễ gây tai nạn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Xe hai bánh trở thành một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, gây phản cảm và khó khăn trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng” - TS Phùng Mạnh Tiến khẳng định.

Bị đổ tội oan?

Một công trình nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở khảo sát, đếm xe và các phép tính toán học khá công phu được giáo sư Tony May và các đồng sự thuộc trường Đại học Leeds (Anh) công bố đã gây bất ngờ và làm “nóng” cuộc hội thảo.

Mẫu khảo sát được thực hiện tại 12 đường dẫn đến nút giao thông điều khiển bằng đèn tín hiệu tại các tuyến đường Cầu Giấy, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, phố Huế, Quán Thánh, Tôn Đức Thắng, Cát Linh, Kim Mã, Láng Hạ, Thái Hà, Bà Triệu (Hà Nội) để thu thập số liệu.

Qua tính toán, các nhà khoa học nhận thấy nếu chỉ có xe gắn máy đi thẳng thì dòng bão hòa (không thể tăng thêm số lượng) của một đường dẫn rộng 3,5m có 11 nghìn xe gắn máy lưu thông trong 1 giờ đèn xanh.

Cũng với đường dẫn rộng 3,5m, trong 1 giờ đèn xanh, số lượng ô tô, xe buýt nhỏ 12 chỗ, và xe buýt lớn tối đa (mức bão hòa) có thể lưu thông lần lượt là 2.887, 2.305 và 1.396 chiếc.

Quá trình thu thập cho thấy cứ 7 xe gắn máy thì có một xe chở 2 người (hệ số bình quân 1,11 người/xe), tức trong 1 giờ đèn xanh, dòng xe máy có thể chở được 12.540 người.

Nếu thay một nửa số xe máy trên bằng xe ô tô con (có hệ số chở bình quân 1,6 người/xe) thì tổng số người mà cả hai loại phương tiện chở chỉ xấp xỉ 60% so với lưu thông duy nhất bằng xe gắn máy.

Tương tự, nếu thay 50% xe máy bằng xe buýt (hệ số sử dụng bình quân 10 người/xe) thì trong 1 giờ đèn xanh, cả hai loại phương tiện sẽ chở được cao hơn 19,8% so với chỉ sử dụng xe máy và hỗn hợp ô tô, xe máy.

“Lập luận rằng xe gắn máy là nguyên nhân gây nên ùn tắc giao thông không phải luôn luôn đúng. Sự tắc nghẽn giao thông sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu sự hạn chế về xe gắn máy đi liền với việc tăng sử dụng ô tô con.

Ùn tắc chỉ được hạn chế nếu giảm cả hai loại phương tiện nói trên và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó trung bình mỗi xe buýt phải chuyên chở hơn 10 người” - GS Tony May khẳng định.

Trao đổi với Tiền phong bên lề cuộc hội thảo, một số chuyên gia đồng tình với quan điểm trên và cho rằng chủ nhân của xe gắn máy hầu hết là những người có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Thay vì đề xuất thu phí xe cá nhân (có xe máy), Nhà nước nên thực hiện thu phí lưu hành chỉ với chủ phương tiện là xe ô tô bởi vì đây mới chính là các thủ phạm đích thực và có đủ khả năng tài chính, trong khi nếu thu cả xe gắn máy sẽ tạo thêm gánh nặng cho người nghèo.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG